Mở cửa cho lao động nước ngoài, Nhật Bản chuẩn bị cho tương lai mới

Dự luật mới cho phép lao động người nước ngoài có thể định cư vĩnh viễn tại Nhật Bản là một thách thức cam go cho chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe. Nhưng nó cũng mở ra tương lai mới cho nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới...

Người Việt “thống lĩnh” ngành xây dựng và dịch vụ

“Nếu tôi có thể ở Nhật Bản lâu hơn, tôi sẽ thi công nhân bậc 1”, một lao động Việt Nam thuộc nhà thầu Mukai ở Tokyo trả lời phỏng vấn bằng thứ tiếng Nhật rất sõi. Người công nhân ngành đúc này có trách nhiệm theo dõi và huấn luyện các đồng nghiệp người Nhật trẻ hơn dù anh chỉ là một thực tập sinh. Nhưng với chính sách thị thực hiện nay, thời gian anh có thể làm việc ở Nhật Bản chỉ còn khoảng một năm rưỡi nữa…

Ngành công nghiệp xây dựng Nhật Bản đang trở nên ngày càng phụ thuộc vào lao động từ nước ngoài. Số liệu cuối năm 2017 cho thấy khoảng 55.000 người nước ngoài làm việc trên các công trình xây dựng tại Nhật, tăng gấp bốn lần so với 5 năm trước đó. Các thực tập sinh từ Việt Nam và Philippines chiếm tỷ lệ lớn.

Ngành xây dựng Nhật Bản đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Các công trình xây dựng chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 trị giá cả trăm tỷ USD càng làm cho tình trạng thiếu hụt nhân công thêm nghiêm trọng và buộc phải tìm nguồn lực nước ngoài. Các chuỗi dịch vụ nhà hàng khách sạn cũng gặp tình trạng tương tự. Một khảo sát của tờ Nikkei với 224 công ty điều hành cho thấy: Gần 20% nhà điều hành dự định sẽ thuê người nước ngoài làm toàn thời gian, tăng vọt từ con số chỉ 8,7% của hai năm trước đó.

Ten Allied, công ty điều hành 120 quán rượu izakya, có khoảng hơn 700 nhân viên người Việt làm việc bán thời gian, chiếm 80% trong tổng số 900 lao động nước ngoài của chuỗi. Torikizoku có 30% nhân viên làm việc là người Việt và dự tính sẽ tuyển thêm. Một chuỗi khác là Chimney cũng dự định tuyển thêm nhân viên người Việt dù tỷ lệ nhân viên người Việt đã chiếm đến 42%. Thái độ làm việc tích cực và siêng năng đã khiến các ông chủ Nhật Bản bổ nhiệm nhiều lao động Việt làm quản lý.

Thực tập sinh Việt Nam trên công trường xây dựng ở Tokyo. (Ảnh: Ken Kobayashi).

Dự luật lao động đầy táo bạo

Các quy định ngặt nghèo hạn chế lao động nước ngoài trong nhiều thập kỷ qua đã biến nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới trở thành “quốc gia thuần chủng”, không như các nước phát triển khác. Dân số ngày càng già đi và sụt giảm đã buộc nội các của Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện cuộc cánh mạng về chính sách.

Ngày 2/11/2018, nội các chính phủ đã thông qua và trình Quốc hội Nhật Bản dự luật “tháo tung” các quy định cứng nhắc và mở cửa thị trường lao động. Theo chính sách mới, sẽ có hai loại visa: Loại dành cho lao động phổ thông có thời hạn 5 năm và không thể gia hạn, và loại dành cho lao động tay nghề cao cho phép họ mang gia đình theo và gia hạn thời gian cư trú.

Kế hoạch mới của ông Abe sẽ cung cấp thêm nguồn lực cho 14 lĩnh vực đang thiếu nhân công trầm trọng, ngay cả khi doanh nghiệp chấp nhận người cao tuổi và phụ nữ tham gia. Riêng ngành nông nghiệp, y tá và xây dựng càng cấp thiết bổ sung nguồn nhân công mới.

Phiên họp của Quốc hội Nhật Bản sẽ kéo dài đến ngày 10/12 sắp tới và dự kiến sẽ được thông qua và áp dụng kể từ tháng 4/2019.

Thách thức chính trị của Thủ tướng Shinzo Abe

Các thách thức chính trị đang chực chờ phía trước. Một số đảng viên bảo thủ của đảng Dân chủ Tự do đang cầm quyền của ông Abe đã công kích mạnh mẽ dự luật.

Riêng phe đối lập thì đòi hỏi dự luật này phải được đưa vào danh sách các dự luật được ưu tiên, một tiêu chí cho phép các nhà làm luật có thể “nướng” ông Abe trên diễn đàn quốc hội và ngăn cản dự luật được thông qua. Yuichiro Tamaki, Chủ tịch đảng Dân chủ Nhân dân đã gọi dự luật là “vấn đề liên quan đến nền tảng của xã hội Nhật Bản”. Phong trào “Nước Nhật trên hết” cũng tổ chức biểu tình phản đối ông Abe vào cuối tháng rồi.

Thủ tướng Abe đã cố gắng xoa dịu và nói rằng dự luật sẽ được xem xét lại sau ba năm và có sẵn điều luật không cho phép người nước ngoài tham gia các lĩnh vực mà tình trạng thiếu hụt nhân công đã được giải quyết. “Tôi phải nói rõ rằng chúng ta không theo đuổi điều mọi người thường xem là chính sách nhập cư” - ông Abe nói trong một phiên họp đầy căng thẳng tuần rồi.

Lao động Thái Lan thu hoạch rau quả ở hạt Gunma. (Ảnh: NAR).

Và tương lai của nước Nhật…

“Thiếu hụt lao động là vấn đề toàn cầu”, nhà kinh tế cao cấp Koya Miyamae thuộc Công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities ở Tokyo nhận định. “Lao động nước ngoài sẽ giải quyết nạn thiếu hụt nhân công ngắn hạn ở Nhật Bản. Nhưng tối ưu hóa nền kinh tế cho quy mô dân số nhỏ hơn qua chính sách đầu tư và tăng năng suất lao động rất quan trọng” - Miyamae nói.

Nước Nhật cũng đặt vấn đề về những rắc rối do lao động nước ngoài gây ra ngày càng gia tăng. Báo chí Nhật Bản đã đề cập chuyện lao động mang theo thân nhân đến Nhật Bản để hưởng dịch vụ y tế đắt tiền vốn được chi trả theo chính sách bảo hiểm y tế. Khoảng 7.000 thực tâp sinh nước ngoài đã trốn trong năm ngoái, khiến chính phủ phải cải tổ các cơ quan nhập cư và giám sát chặt chẽ công ty có thuê người nước ngoài làm việc.

Nhưng dường như công chúng Nhật đang đứng sau lưng ông Abe. Một cuộc khảo sát của Nikkei và đài truyền hình Tokyo TV cho thấy: 54% người được hỏi đã ủng hộ dự luật mới trong khi chỉ có 34% chống đối. Người trẻ có thái độ tích cực ủng hộ, trong khi đó người già kém hơn chút.

Các nhà kinh tế cũng nói rằng nước Nhật cần chuẩn bị để tiếp nhận nhiều lao động từ nước ngoài. Marcel Thieliant thuộc Capital Economics nói lao động nước ngoài vào Nhật Bản cần phải tăng gấp đôi để đối phó với tình trạng số người trong độ tuổi lao động đang giảm đi nhanh chóng trong vài thập niên tới. Và điều này dường như không thể thực hiện được ngay cả khi có dự luật mới.

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/mo-cua-cho-lao-dong-nuoc-ngoai-nhat-ban-chuan-bi-cho-tuong-lai-moi-d72005.html