'Mở cửa bầu trời' để ngành hàng không Việt cất cánh

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á với 150 triệu lượt hành khách vào năm 2035. Tuy nhiên, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng này, ngành hàng không Việt đang phải đối mặt những thách thức không nhỏ về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, văn hóa...

Ảnh minh họa. Nguồn: Nikkei Asian Review.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nikkei Asian Review.

Chiều 16/5, các chuyên gia, nhà quản lý đã tham gia buổi Tọa đàm “Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Theo thống kê quốc tế, cứ 1% tăng trưởng của hàng không sẽ thì GDP sẽ tăng trưởng tương ứng 0,4 - 0,5%. Trong một thập kỷ trở lại đây, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn châu Á. Điều này thể hiện nhu cầu của vận tải hàng không rất cao của thị trường nội địa Việt Nam cũng như nhu cầu từ thị trường quốc tế đến Việt Nam.

Mặt khác, hiện nay Việt Nam đang chuyển dần nền kinh tế sản xuất công nghiệp sang sản xuất hàng hóa công nghệ cao, đó là những sản phẩm có nhu cầu vận chuyển hàng không rất lớn.

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, vận tải hàng không đang tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam nằm trong những quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Trong 10 năm từ 2008 – 2018, tổng số tàu bay của Việt Nam đã tăng từ 60 lên 192 tàu. Nếu như trước đây chỉ có Vietnam Airlines thì đến nay đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực hàng không.

Ông Vũ Tiến Lộc nhận định, thị trường hàng không trong nước đã có sự "sang trang". Từ một loại phương tiện giao thông chỉ dành cho giới doanh nhân hay những người dân có thu nhập cao, hiện nay, hàng không đã trở nên thông dụng, cơ hội đi máy bay mở cửa với tất cả người dân.

Hiện tại, Việt Nam có 5 hãng hàng không nội địa đang hoạt động gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VietJet Air, Air Mekong và Bamboo Airways. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.

Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) dự báo, Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Còn ở trong nước, tỷ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa Việt Nam được IATA dự báo sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.

Với dự báo như vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới. Sự ra đời của các hãng bay tư nhân sẽ là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người dân trong việc lựa chọn phương tiện đi lại.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, những năm gần đây, tăng trưởng hàng không lại phải đối mặt với nhiều thách thức như quá tải về hạ tầng sân bay bến đỗ, an ninh trên các chuyến bay. Trong đó, sự gia nhập của các hãng hàng không quy mô mới có thể tạo ra sự cạnh tranh “phi quy luật”.

Việt Nam là thành viên của cộng đồng kinh tế chung ASEAN, các quốc gia trong khu vực sẽ trở thành thị trường chung, hàng hóa vận chuyển tự do và hội nhập toàn cầu. Đây là cơ hội cho một “bầu trời mở”. Nhưng thử thách của Việt Nam là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ vận tải hàng không và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ông Lộc cho rằng, dư địa của ngành hàng không Việt Nam còn rất lớn, cần nhìn nhận rõ vị trí, vai trò trong nền kinh tế để thúc đẩy ngành hàng không phát triển mạnh mẽ, bền vững, đóng góp ngày càng lớn cho kinh tế của đất nước và trở thành động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển.

Điều kiện quan trọng nhất để Việt Nam phát triển hàng không là cơ sở vật chất, bao gồm hệ thống cảng, hệ thống tàu bay và kiểm soát không lưu. Trong đó, sân bay trung chuyển là yếu tố quan trọng để mở rộng vị thế ngành vận tải hàng không của Việt Nam. Nếu có những chính sách phát triển đầu tư các sân bay có tầm cỡ để trở thành sân bay trung chuyển cho hàng không của khu vực thì ngành hàng không Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Cần tạo ra một hành lang pháp lý đủ rộng để các doanh nghiệp có thể bình đẳng cạnh tranh. Bởi điều hay nhất của thị trường vận tải hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh”.

Trong thời kỳ mở cửa, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, còn lại làm sao tạo môi trường Nhà nước và tư nhân bình đẳng với nhau. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, các hãng cạnh tranh để cùng phát triển, không phải cạnh tranh để chiến thắng đối thủ hay làm cho đối thủ yếu đi. Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không còn mang lại lợi ích lớn cho khách hàng, giúp nhiều người dân có cơ hội đi máy bay giá rẻ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội – Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội khẳng định, nhu cầu phát triển của ngành hàng không trong thời gian tới là tất yếu, mặc dù còn nhiều thách thức. Vì vậy, để duy trì được sự phát triển bền vững của ngành, trước hết là cần một thể chế đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, tạo sự thông thoáng; “sân chơi” hay và trong đó luật chơi phải tiếp cận quốc tế, phù hợp với quy hoạch chung. Ví dụ, quy hoạch vùng trời, đường bay…

Bên cạnh đó, để phát triển toàn diện ngành hàng không, không chỉ đơn thuần chú trọng vào cơ sở hạ tầng mà nó còn là văn hóa hàng không, đội ngũ bay… Cần sự đối xử bình đẳng từ nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh tình trạng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Phải phân biệt giữa kinh doanh và phục vụ. Chú ý đến an toàn và an ninh quốc gia, làm thế nào tách sân bay quân sự và dân sự.

"Điều quan trọng, trong mọi tình huống việc xây dựng môi trường văn hóa trong thị trường hàng không là rất quan trọng, đây là bộ mặt quốc gia, thương hiệu quốc gia về phát triển kinh tế” - ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Minh Hải (T/h)

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/quot-mo-cua-bau-troiquot-de-nganh-hang-khong-viet-cat-canh-n13610.html