Miroslav Klose - Sự bất tử của tinh thần fair-play

Miroslav Klose đi vào lịch sử bóng đá thế giới với tư cách chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử các VCK World Cup.

Sự nghiệp của Klose kết thúc với danh hiệu FIFA World Cup 2014.

Sự nghiệp của Klose kết thúc với danh hiệu FIFA World Cup 2014.

Nhưng điều tuyệt vời nhất mà tiền đạo người Đức để lại trong lòng người hâm mộ là sự trung thực và tinh thần thể thao cao thượng.

Đóa hoa nở muộn

Miroslav Klose sinh ngày 8/6/1978 tại thành phố Opole (Ba Lan) trong một gia đình có bố mẹ đều là những VĐV thể thao chuyên nghiệp.

Bố của Klose, ông Josef từng là 1 cầu thủ bóng đá thi đấu cho CLB Odra Opole trước khi chuyển sang Pháp khoác áo Auxerre. Mẹ của Klose, bà Barbara Jez từng là nữ tuyển thủ bóng ném của Ba Lan.

Sinh trong gia đình như vậy, Klose hội tụ nhiều phẩm chất để trở thành một VĐV thể thao. Cậu bé đã quyết định đi theo nghiệp của người cha. Quyết định chuyển tới Đức sinh sống của ông Josef đã tạo ra cơ hội để Klose phát triển sự nghiệp. Vào năm 1986, khi mới 8 tuổi, cậu bé đã gia nhập CLB bóng đá địa phương có tên SG Blaubach-Diedelkopf. Cũng trong giai đoạn này, Klose còn học nghề thợ mộc và coi đó như một lựa chọn thứ 2 ngoài bóng đá.

Phải tới năm 1998, bước sang tuổi 20, Klose mới bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp khi chuyển tới đội trẻ của CLB Homburg, đội bóng từng thi đấu ở Bundesliga.

Cũng tại đây, tài năng trẻ này đã nhận được sự chú ý đặc biệt của tuyển trạch viên Kaiserlautern. 12 tháng sau, Klose gia nhập Kaiserlautern, đội bóng khi ấy đang thi đấu ở Bundesliga.

Vốn là người thẳng thắn, giản dị và cầu tiến, Klose nhanh chóng nắm bắt được cơ hội và có màn ra mắt Bundesliga vào tháng 4/2000 trong màu áo Kaiserlautern. Ở Bundesliga mùa giải 2001 - 2002, Klose đã bùng nổ với 16 bàn thắng, chỉ kém 2 bàn so với 2 chân sút đã giành danh hiệu Vua phá lưới là Marcio Amoroso (Dortmund) và Martin Max (1860 Munich).

Cũng ở thời điểm đó, Klose nhận được lời mời từ đội tuyển Ba Lan. Nhưng anh đã từ chối vì muốn khoác áo đội tuyển Đức. Quyết định của Klose lúc đó được đánh giá là rủi ro vì đội tuyển Đức có quá nhiều chân sút nổi danh như Oliver Neuville, Carsten Jancker, Oliver Bierhoff hay Gerald Asamoah.

Tuy vậy, ngay ở trận ra mắt Mannschaft vào tháng 3/2001 trong trận gặp Albania (vòng loại World Cup 2022), Klose vào sân ở phút 73 và sau đó anh đã tỏa sáng với cú đánh đầu ấn định chiến thắng 2-1 cho đội tuyển Đức.

Sau đó 4 ngày, chân sút gốc Ba Lan lại tỏa sáng với 1 bàn thắng giúp đội tuyển Đức đánh bại Hy Lạp với tỉ số 4- 2. Cộng với 2 cú hat-trick ở các trận giao hữu với Israel và Áo trước VCK World Cup 2002, Miroslav Klose đã nhanh chóng trở thành quân bài chiến lược của HLV Rudi Voller ở giải đấu diễn ra tại Nhật Bản - Hàn Quốc.

Đó cũng là giải đấu đưa Klose ra ánh sáng khi anh ghi 5 bàn thắng bằng đầu và cùng đội tuyển Đức đi tới trận chung kết.

Vượt qua những huyền thoại

Klose ra mắt bóng đá thế giới ở VCK World Cup 2002.

Cũng từ giải đấu tại châu Á năm đó, Klose đã trở thành “sát thủ” của đội tuyển Đức. Chỉ có điều anh lại khá vô duyên với các danh hiệu lớn cùng ĐTQG.

Ngoài ngôi vị Á quân World Cup 2002, Klose còn về nhì ở EURO 2008 và liên tục thất bại ở các giải đấu lớn khác trong màu áo Mannschaft. Nhưng cuộc đời không bất công với Klose! Ở giải đấu lớn cuối cùng tham dự (World Cup 2014), ở tuổi 36, Klose đã cùng Đức đăng quang.

Cá nhân tiền đạo gốc Ba Lan đã đóng góp 2 bàn thắng. Nó vừa đủ để anh vượt qua Ronaldo, trở thành chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử các VCK FIFA World Cup.

Miroslav Klose đã khép lại sự nghiệp quốc tế với 71 bàn thắng. Anh vượt qua huyền thoại Gerd Muller, trở thành chân sút vĩ đại nhất của đội tuyển Đức. Nhưng điều tuyệt vời hơn đưa Klose vào trái tim người hâm mộ là tính trung thực trong thể thao. Truyền thông Đức gọi đó là sự bất diệt của tinh thần fair-play.

Cùng nhớ lại trận đấu diễn ra vào tháng 9 năm 2012. Ở trận đấu với Napoli, Klose đã vô tình dùng tay đưa bóng vào lưới. Trọng tài lập tức công nhận bàn thắng vì tình huống diễn ra rất nhanh.

Nhưng cũng ở thời điểm đó, lương tâm của Klose đã trỗi dậy. Anh lập tức chạy đến bên trọng tài Luca Banti và thừa nhận đã dùng tay ghi bàn. Bàn thắng sau đó đã được hủy bỏ. Các cầu thủ Napoli lập tức bắt tay tôn vinh tinh thần cao thượng của tiền đạo người Đức.

Đấy không phải là lần duy nhất Klose thể hiện tinh thần fair-play. Ngày 30/4/2005, khi còn thi đấu tại Bundesliga trong màu áo Werder Bremen, Klose bị thủ thành Bielefeld, Mathias Hain cản ngã trong vòng cấm và kiếm về cho đội nhà một quả phạt đền.

Nhưng sau đó, anh lại gây bất ngờ khi phân trần với trọng tài rằng thủ môn đối phương đã chạm bóng trước. Quyết định thổi 11m lập tức được rút lại.

Với quyết định có phần “chẳng giống ai” này, Klose đã được trao giải fair-play cho tinh thần cao thượng trong bóng đá.

Tiền đạo người Đức sau đó nói rằng: “Thật vinh dự khi nhận danh hiệu này. Nhưng tôi hơi bối rối, bởi với tôi đấy là việc phải làm. Và tôi sẽ luôn thi đấu trung thực như thế trong suốt sự nghiệp của mình”.

Klose đã đi vào huyền thoại theo cách như vậy, vừa xuất sắc về chuyên môn, vừa cao đẹp về tinh thần và cách ứng xử. Thừa nhận hành vi gian dối là điều mà ngay cả những ngôi sao lớn như Maradona, Messi hay Henry đều không làm được.

Trải qua 4 kỳ World Cup (từ năm 2002 tới 2014), huyền thoại người Đức đã ghi tổng cộng 16 bàn thắng, vừa đủ để anh vượt qua “người ngoài hành tinh” Ronaldo.

Sự nghiệp của Klose đã kết thúc một cách trọn vẹn với chức vô địch FIFA World Cup trên đất Brazil. Không ít CĐV bóng đá Đức đã nhỏ lệ khi Klose tuyên bố treo giày. Anh không chỉ là cỗ máy săn bàn, mà còn là biểu tượng của tâm hồn đẹp, lối sống đẹp, sự trung thực và tinh thần fair-play trong thể thao.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao/miroslav-klose-su-bat-tu-cua-tinh-than-fair-play-Kgzg5CcMR.html