Minh văn của tiến sĩ Bồi Tụng Nguyễn Công Đổng ở Văn Miếu phủ Vĩnh Tường

Dòng họ Nguyễn ở Đồng Khê, thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương có hai vị đỗ đại khoa và nhiều vị đỗ cử nhân, tú tài. Cụ tổ trên cụ Đổng 5 đời là Nguyễn Công Giản (tên khác là Chiêm), đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính 3 (1538), từng giữ chức thượng thư: Bộ Hình, Bộ Hộ, Bộ Lễ. Do có công lao, đức độ, cụ thường được người dân trong huyện gọi là cụ Thượng xã Đồng Khê.

Văn bia Tu tập từ vũ bi đã qua 2 lần di chuyển vị trí. Ban đầu, đặt tại xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới. Đầu thế kỷ XX, di dời về xã Định Trung làm văn miếu tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc khu đất trường THPT Trần Phú, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bia là khối đá hình trụ, bốn mặt, mang phong cách nghệ thuật tạo bia đá niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705). Kích cỡ 62 x 123 cm, khắc 99 dòng chữ Hán Nôm, tổng cộng khoảng 3.500 chữ. Bia không trang trí hoa văn

Minh văn ghi các nội dung:

1- Ảnh hưởng của đạo thánh nhân, cũng như vai trò, công dụng với xã hội, đặc biệt là với kẻ sỹ. Việc lập cơ sở học tập, thực hành tế lễ từ trung ương đến cấp phủ, huyện, xã thể hiện sự tôn sư trọng đạo của xã hội, của kẻ sĩ. Cơ sở học tập để làm đất giáo dục nhân tài, làm đường tiến thân cho kẻ sỹ. Nhà từ vũ, hình ảnh của cơ sở học tập, để tôn thờ thánh nhân (Khổng Tử), tứ vị tiên hiền (Tăng Tử và Mạnh Tử, Nhan Tử, Tử Tư), thập triết (gồm những vị: Mẫu Tử, Nhiễm Tử, Đoan mộc Tử, Trang Tử, Bốc Tử, Hữu Tử, Tề Tử, Ngân Tử, Suyền Tôn Tử, Chu tử); tôn thờ những vị tiên thánh, tiên sư. Mục đích của sự tôn thờ ấy là để người học biết đến những người được ví như núi Thái sơn, sao Bắc đẩu, một hình tượng cao thượng, hùng vĩ.

2- Thực trạng văn miếu trước khi tu bổ, tôn tạo, đã có: chính điện, tiền đường, tức là công trình gồm hai nhà: tiền tế, hậu cung (chính điện), bố cục theo hình chữ nhị (二). Tiền đường đã có dèm, chính điện có tường xây, lợp ngói. Tuy đã thành công trình nhưng mới sơ lược, chưa hoàn bị, chưa xứng tầm một công trình văn hiến vun trồng đạo lý để biểu dương người làm việc thiện. Đây là lý do để tiến hành tu tập.

Hoành phi cổ ghi chữ: Pháp bảo tại. Bài vị ở một gian thờ

3- Người tham gia tu tập, gồm người hưng công, người công đức, người hỗ trợ. Người hưng công là những người có chức vụ, học vị: tri phủ, đồng tri phủ (Tam Đới), giám sinh, đề lại, lại viên, xã trưởng, sinh đồ (tú tài). Những người này, xuất của cải của nhà họ, mời thợ hoạch định. Hỗ trợ những người tu tập là những người bỏ công, góp sức như: huyện thừa Bạch Hạc, giám sinh, lại viên phủ Vĩnh Tường, lại viên huyện Bạch Hạc, huyện Lập Thạch, xã trưởng, thôn trưởng sở tại và người trọng đạo giúp công, giúp của.

4- Công trình tu bổ, tôn tạo (tu tập) lần này gồm: sơn son năm gian chính điện. Bỏ vật liệu tre (như: vì kèo, đòn tay, dui v,v …) thay bằng gỗ ở ba gian tiền đường. Lợp lại ngói nhà chính điện, tiền đường. Làm mới: hai dải vũ ở bên tả, bên hữu, mỗi dải vũ 3 gian; tạo một cầu qua ao, gồm bảy gian. Xây tường bao trong ngoài bằng gạch. Thiết lập mười tòa Thập triết. Đắp và tô tượng thánh hiền từ cốt cũ. Tái tạo một biển đại tự “Văn miếu điện” biển sơn son, chữ thếp vàng, treo ở giữa tiền đường. Chuyển và tu sửa nghi môn (tam quan) từ chỗ gần ao ra sát đường. Trạm trổ, vẽ rồng hai cánh cửa cho thêm lộng lẫy.

5 Cảm tưởng của tác giả về vẻ đẹp và tác dụng công trình vừa được tu bổ. Thời gian thi công, 5 năm: khởi công năm Đinh Sửu (1697), khánh thành năm Tân Tỵ (1701).

Ba mặt còn lại của văn bia, khắc danh sách cá nhân, tập thể đóng góp công đức. Có ba hình thức công đức. Đóng góp chung gồm 18 tập thể như: Đề lại nha môn phủ Tam Đới. Các vị nha môn huyện Lập Thạch. Quan lại, nha môn huyện Tiên Phong. 7 xã: Cao Xá, Địa Tang, Chu Chàng, Phương Châu, Phúc Xuyên, Hoắc Xa, Hoa Ngạc. Thôn Phú Thị, xã Sơn Đông. Hội tư văn các xã: Phù Nhiễm, Định Hương, Kim Loan, Tây Đằng, Trạch My Trù, Yên (An) Đô, Văn Trưng, Lang Trưng. Đóng góp riêng gồm 260 người. Trong số này có 125 vị là dân thường, chủ yếu ở địa bàn phủ Tam Đới. Nhiều người ở địa phương khác tham gia: huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai (Hà Nội), Đông Ngàn (Bắc Ninh), Gia Phúc (Hải Dương), Nam Xang (Hà Nam). 135 vị là quan chức và người đang đi học. Quan chức có: 1 vị là giám sát ngự sử đạo Sơn Tây (Tô Thế Huy, người xã Bằng Đắng), 1 vị là hiến sát xứ Sơn Tây , 2 vị là hiến sát phó xứ, 1 vị là huấn đạo, 2 vị là tri phủ, 2 vị đồng tri phủ, 7 vị là tri huyện, 7 vị là huyện thừa, 27 vị là đề lại, 6 vị là xã trưởng, 4 vị là xã chính, 4 vị là xã sử, 3 vị là xã tư. Người đang đi học có: 13 vị là giám sinh, 49 vị sinh đồ.

Như vậy, việc tu bổ tôn tạo văn miếu có đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia. Không phân biệt địa vị, đẳng cấp. Qua đó cho ta thấy lòng người cho sự nghiệp giáo dục, vì giáo dục nói chung và thiết chế về giáo dục nói riêng thời kỳ này đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của cộng đồng xã hội.

Minh văn của Tiến sỹ Nguyễn Công Đổng trong văn bia Tu tập từ vũ bi ghi chép về văn miếu cấp phủ, thể hiện quy mô tu bổ, tôn tạo, công tác chỉ đạo, tổ chức và khả năng huy động sức dân, sức quan góp công, góp của để văn miếu ngày càng đẹp hơn. Đây là tư liệu quý về lịch sử xây dựng thiết chế giáo dục, về kinh nghiệm tổ chức, cách gửi lại thông điệp cho hậu thế. Văn bia chưa được in trong các sách thuộc về khoa bảng ở trung ương và tỉnh Hải Dương. Ngay dòng họ Nguyễn ở Đồng Khê, Nam Sách cũng không thấy ghi chép.

Nhà thờ dòng họ Nguyễn ở quê TS Nguyễn Công Đổng

Đặng Văn Lộc

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/minh-van-cua-tien-si-boi-tung-nguyen-cong-dong-o-van-mieu-phu-vinh-tuong-70899