'Minh triết Việt trong văn minh Đông Phương' gợi mở nhiều vấn đề mới

Đặt lại vấn đề 5000 năm văn hiến để tìm ra cội nguồn minh triết Việt của văn minh Đông Phương là điều không dễ dàng. Đó là những chia sẻ của tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh trong buổi ra mắt cuốn sách “Minh triết Việt trong văn minh Đông Phương”.

Qua cuốn sách, “Minh triết Việt trong văn minh Đông Phương”, tác giả đã trình bày những nghiên cứu về văn minh Đông Phương dựa trên bề dày của triết học, lịch sử, văn hóa Việt nhằm tìm hiểu lại vấn đề này cách hệ thống với các cứ liệu và lập luận khoa học.

Công trình nghiên cứu dựa trên nhiều luận điểm thuyết phục: Thứ nhất, bề dày của nền văn hiến huyền vĩ Việt dựa trên những mảnh vụn được ghi nhận trong văn hóa truyền thống. Thứ hai, lý thuyết Âm Dương Ngũ Hành và Kinh Dịch được tìm hiểu qua các di sản, được chuyển thể thành các văn tự hán. Cuối cùng, các tri thức về khoa học hiện đại về lý thuyết thống nhất.

Một điểm nhấn khác độc đáo và mới của cuốn sách là nhìn nhận văn minh Đông Phương đối xứng Tây Phương. Qua các lý thuyết về sự khởi nguyên của vũ trụ như: Vụ nổ lớn (Big Bang)… “Nó đưa ra cách giải thích hoàn thiện về nhiều loại hiện tượng quan sát thấy trong vũ trụ, bao gồm sự có mặt của những nguyên tố nhẹ, bức xạ nền vi sóng vũ trụ, cấu trúc vĩ mô của vũ trụ, và định luật Hubble đối với siêu tân tinh loại Ia…” (Wikipedia, bách khoa toàn thư mở).

Tác giả chia sẻ: “Như vậy, tri thức khoa học đã giải thích sự khởi nguyên vũ trụ bắt đầu từ những quan sát trực quan từ những hiện tượng vũ trụ, dẫn tới một suy luận được coi là hợp lý của thuyết Big Bang. Mặc dù thuyết Big Bang được sự ủng hộ rộng rãi của giới khoa học. Nhưng thuyết Bic Bang không phải đã giải thích được tất cả các câu hỏi cần giải đáp liên quan tới nó. Điều này, nhà khoa học vật lý thiên văn nổi tiếng S.W. Hawking cũng đã đặt ra trong cuốn “Lược sử thời gian” nổi tiếng của ông. Nhưng nền minh triết Việt với quan niệm về Thái cực lại giải thích sự khởi nguyên của vũ trụ bằng một nội dung khác….”

Nói về cuốn sách “Minh triết Việt trong văn minh Đông Phương”, Tiến sĩ – Nguyễn Đồng, Orange, California cho biết: “Cách bố cục quyển sách rất độc đáo. Tác giả cho biết kết luận tổng quát ngay từ phần dẫn nhập, sau đó qua bốn phần chính, tác giả đưa ra thứ lớp các bằng chứng chứng minh cho mô hình từ căn bản khai sinh ra vũ trụ cho đến sự biến hóa tiếp diễn từ giản đơn đến phức tạp qua tổng hợp Kinh Dịch với Âm Dương Hà đồ. Người đọc có cảm giác như đang phiêu lưu đi tìm một kho tàng cổ vô giá đã bị vùi lấp dưới lau sậy của hàng ngàn năm vô tri thức…”

Đến với “Minh triết Việt trong văn minh Đông Phương”, độc giả không chỉ đến với các triết thuyết về triết học như: lưỡng nghi, tứ tượng, thái cực mà ở đó còn đề cập đến các vấn đề về khảo cổ và phật giáo. Tác giả phân tích trên bình diện như của các nhà khoa học hiện đại khi xác định có một nền văn minh cổ đại tồn tại ở miền nam sông Dương Tử, gọi là nền văn minh thứ V. Họ cũng xác định rằng: nền văn minh Nam Dương Tử này đã sụp đổ vào thế kỷ thứ III TCN.

Sự tồn tại của nền văn minh thứ V này hoàn toàn trùng khớp với những sách sử xưa còn ghi nhận; như: “Sử ký” của Tư Mã Thiên, đã nói về “Vùng đất Nam Dương Tử là nơi Bách Việt ở“. Chính sử Việt cũng ghi nhận và trở thành một truyền thống văn hóa sử trong tâm thức của dân tộc Việt: Nước Văn Lang, dưới sự trị vì của các vua Hùng, là quốc gia đầu tiên của Việt tộc. Lập quốc vào năm Nhâm Tuất, năm thứ 8 vận 7, hội Ngọ – Tức năm 2879 TCN.

Biên giới nước Văn Lang: Bắc giáp Động Đình Hồ, Nam giáp Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục và Đông giáp Đông Hải, là cội nguồn Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến. Những giá trị văn hóa sử truyền thống ấy được lưu giữ trong lịch sử thăng trầm của dân tộc Việt và được coi là một chân lý hiển nhiên, trở thành niềm tự hào chính đáng trong mỗi người Việt Nam. Điều này cũng đã được ghi nhận một cách rõ ràng trong các bản văn Hiến pháp, sau khi Việt Nam giành lại độc lập từ đế quốc Pháp 2. 9. 1945, cho đến trước 1992.

Minh triết Việt trong văn minh Đông Phương mở đầu bằng huyền sử thời Hùng Vương và kết thúc bằng truyện ngụ ngôn “Trê cóc”. Với việc lý giải:Cóc là linh vật của văn minh Văn Lang, thường hay thấy trên mặt các trống đồng. Cóc được tôn vinh là cậu ông Trời hay cội nguồn vũ trụ trong văn chương truyền khẩu.

Nói về vấn đề này, Giáo sư Lê Văn Sửu – một học giả có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa cổ Đông phương – đã nhận xét trong tác phẩm“Nguyên lý thời sinh học cổ Đông phương” của ông, như sau: “Gần đây có rất nhiều nhà khoa học ở đủ mọi ngành và ở nhiều nơi trên thế giới, với các phương tiện hiện đại có nhiều đặc tính ưu việt, như: tinh vi, nhanh chóng, chính xác trong tay. Họ đã và đang nghiên cứu nền tảng của những di sản văn minh Đông phương này. Thế nhưng sự tiếp cận thực chất của nó còn đang là một khó khăn to lớn.”

Minh triết Việt trong văn minh Đông Phương” là một cuốn sách đáng nghiền ngẫm, nó gợi mở nhiều luận điểm mới cần làm sáng rõ để đi đến hoàn thiện, thống nhất. Nhưng trên hết, cuốn sách sẽ là kho tư liệu bổ ích, đồ sộ để tìm hiểu nguồn cội của con người Việt - văn hóa Việt – dân tộc Việt.

Nhật Nguyên – Duy Kỳ

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/%E2%80%9Cminh-triet-viet-trong-van-minh-dong-phuong%E2%80%9D-goi-mo-nhieu-van-de-moi-78666