Minh Phú đặt mục tiêu lãi ròng 2.300 tỉ đồng trong năm 2019

Dù có một năm 2018 không như ý khi lợi nhuận đạt 83% chỉ tiêu đề ra, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (HoSE: MPC) vẫn tự tin cho năm 2019.

Năm 2018 chưa đạt kì vọng

Những con số được Minh Phú đưa ra trong báo cáo tài chính mới đây cho thấy doanh thu và lợi nhuận của Minh Phú chưa được như kỳ vọng đặt ra. Tuy nhiên, nhìn góc độ khó khăn của ngành trong năm qua, Minh Phú cũng đã có một kết quả kinh doanh tốt.

Theo đó, doanh thu thuần của Minh Phú trong năm 2018 đạt 16.925 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm 2017. Lợi nhuận ròng đạt 824 tỉ đồng, chỉ hoàn thành 83% kế hoạch. Theo phân tích tài chính của công ty này, khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Minh Phú. Cụ thể, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao hơn 16-21%. Về nguồn vốn, công ty đang nợ tài chính 4.567 tỉ đồng với 74% vay ngắn hạn.

Minh Phú đang có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 1.511 tỉ đồng và quỹ đầu tư phát triển hơn 166 tỉ đồng. Tính tới cuối 2018, tổng tài sản của Minh Phú ở mức 9.105 tỉ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 84%, với 4.674 tỉ đồng hàng tồn kho.

Sau khi trở lại sàn chứng khoán, tình hình kinh doanh của Minh Phú tăng trưởng khá mạnh. Đặc biệt, công ty này đang thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại. Mitsui & Co., Ltd (Nhật Bản) cũng đã tuyên bố đầu tư 100 triệu USD vào tập đoàn này. Khoản đầu tư nhằm phát triển xuất khẩu tôm, trong đó có việc đầu tư kho đông lạnh.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư khác đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản khác… cũng đang có đàm phán với Minh Phú trong đầu tư. Tháng 1 vừa qua, Minh Phú thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với khối lượng 75,72 triệu Cổ phiếu (mang về 3.700 tỉ đồng), tăng vốn điều lệ lên 2.157 tỉ đồng.

Cho năm 2019, công ty đặt chỉ tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu 850 triệu USD và lợi nhuận sau thuế thu về 2.300 tỉ đồng, gấp gần 3 lần so với thực hiện 2018.

Tự tin trong năm 2019

Tình hình kinh doanh củaMinh Phú khá ổn định trong năm 2018, khi ngành tôm gặp nhiều khó khăn hơn do các nước xuất khẩu ngày càng khắt khe và nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên. Tống thống Mỹ đã ký dự luật ngân sách 2018 trị giá 1,3 nghìn tỉ USD. Theo điều khoản trong dự luật này, Cục Nghề cá biển Quốc gia (NMFS) sẽ có 9 tháng để áp dụng Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) cho tôm và bào ngư. Theo đó, tôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải tuân thủ các quy định mới về lưu trữ hồ sơ.

Thêm vào đó, do những năm trước tôm rớt giá nên nhiều hộ nuôi đã bỏ ao, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn tôm nguyên liệu đầu vào. Giá tôm nguyên liệu vì thế tăng cao hơn 20-30%, trong khi giá xuất khẩu giảm 25% so 2017. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ của ngành tôm đã bị ảnh hưởng lợi nhuận, thậm chí phải đóng cửa.

Cũng phải nói thêm, tôm Việt cũng bị ảnh hưởng khá nhiều bởi thị trường. Năm 2018, giá trị xuất khẩu tôm sang một số thị trường lớn như Mỹ giảm 3,1%, Nhật Bản giảm 11,7% và xuất khẩu sang Trung Quốc - Hong Kong giảm 28,7%. Điều này cũng tác động đến tổng xuất khẩu tôm năm ngoái.

Thuế chống bán phá giá của Mỹ áp lên Việt Nam trong POR12 (2.2016-1.2017) là 25,39% ngay từ đầu năm ngoái đã khiến nhiều doanh nghiệp e ngại hoặc giảm sản lượng xuất khẩu. Vì lý do này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm hoạt động cầm chừng hoặc giảm sản lượng xuất khẩu.

“Minh Phú tự tin với kế hoạch kinh doanh 2019”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ. theo ông Quang, giá nguyên liệu đầu vào 2019 sẽ tốt hơn, trong giá nguyên liệu sẽ xuống thấp hơn vì nhiều nhà máy đóng cửa.

Thêm vào đó, thị trường đối thủ là Ấn Độ đang có giá nuôi tôm cao hơn Việt Nam trong khi giá nuôi tôm Việt Nam chỉ cần bằng Ân Độ thì Minh Phú vẫn có lợi nhuận nhiều hơn. “Nếu nguyên liệu đầu vào giảm giá, đầu ra giá ổn định như hiện tại, lợi nhuận Minh Phú tăng khoảng 20-30%”, ông Quang chia sẻ.

Công thêm việc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, sản lượng tăng gấp 10 lần, tỉ lệ nuôi thành công đã tăng từ 50% đã lên đến 95% nên Minh Phú có thể tự tin dủ sản lượng xuất khẩu trong năm nay.

Hiện mục tiêu của Minh Phú là tiến tới đạt 25% thị phần tôm của toàn thế giới. Vì thế, Minh Phú cần nhà đầu tư có thể đầu tư vốn trong dài hạn. Nói đến thị trường xuất khẩu, hiện Minh Phú đang có khoảng 40-50% thị phần tại Mỹ, 12-15% thị phần châu Âu và 20% thị phần tại thị trường Nhật Bản. Vài năm tới, Minh Phú sẽ tiến vào thị trường Trung Quốc vì theo ông Quang, đây là thị trường tiềm năng. Trung Quốc hiện có quy trình kiểm soát còn dễ dàng, thị trường tăng trưởng tốt và lợi nhuận cũng rất tốt.

Minh Anh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/minh-phu-dat-muc-tieu-lai-rong-2300-ti-dong-trong-nam-2019-3328206/