Mình là điểm tựa của em

Với người vợ như thế, khi chị chẳng may lâm bệnh, anh nào không lấy cái tình mà đối đãi lại.

Chị Minh bị tiểu đường biến chứng đã vài năm. Mắt đã dần kém, tay chân thì run rẩy. Chưa đầy 60 mà đã bệnh tật như thế, chị bi quan lắm. Nhưng thật may, chị có người chồng tuyệt vời. Anh hoạt động đoàn thể sôi nổi từ trẻ, là chân “đi” đã quen nên về hưu vẫn cứ được có nhiều cơ hội đi dọc ngang đất nước. Ấy thế mà khi vợ ốm, anh tình nguyện bỏ bớt nhiều cuộc vui, ở nhà chăm vợ.

Chăm sóc nhau khi về già.

Chăm sóc nhau khi về già.

Sáng sáng, vợ chưa dậy thì chồng đã dậy trước, hãm sẵn ấm nước thuốc để lát người ốm có nước uống cả ngày. Khi nghe tiếng vợ lạch xạch trên giường là chồng lật đật vào ngay để đỡ... cô ấy. Hoặc chí ít cũng đưa cho vợ cái gậy dò đường. Từ hồi bị biến chứng, răng lợi cũng lung lay cả, chị Minh rất ngại đánh răng mỗi sáng. Nhưng chồng chị động viên, pha sẵn cả nước muối nhạt để chị ngậm hàng ngày, cho nên chị cố hoàn thành công việc vệ sinh cá nhân như một người bình thường để không phụ công anh. Làm xong những việc tưởng chừng đơn giản đó cũng tới gần nửa tiếng là đến giờ ăn sáng. Trước khi ăn, anh giúp chị tiêm 1 ống insulin. Tiêm xong là phải ăn ngay, đó là chỉ định của thuốc, bởi vậy, bữa sáng bao giờ cũng được anh chu đáo chuẩn bị từ trước. Chị Minh chỉ ăn cháo nhạt hoặc gạo lứt với muối vừng cũng nhạt. Có lần chị hỏi anh:

- Anh cứ ăn theo em như thế, có bị nhạt mồm nhạt miệng không?

Người chồng chung thủy của chị đáp vui vẻ:

- Không, nhìn em ăn là anh thấy vui rồi. Hôm nào em không ăn được anh mới thấy nhạt mồm nhạt miệng.

Hai vợ chồng cùng cười. Cả hai bỗng nhớ những ngày xửa xưa, khi còn chưa cưới. Họ đã từng ăn chung một bát cơm đạm bạc thời sinh viên, nhiều khi chỉ có vài hạt lạc rang nhưng sao mà ngon thế. Hoặc là khi mới cưới được vài năm, các con còn bé, chị Minh cố tần tảo xoay những bữa cơm rau dưa nhưng mà bày soạn ngon mắt, nhìn chồng con ăn ngon lành, chị thấy khỏe ra dù khẩu phần quá là thiếu chất dinh dưỡng. Chồng làm công tác đoàn thể thường xuyên xa nhà, tiêu chuẩn tem phiếu chị chắt chiu để mỗi khi chồng về, mâm cơm có thêm chút thịt cá. Rồi một tay chị chăm cả đàn cháu chồng từ quê lên Hà Nội học. Cả họ nức nở khen cô dâu Hà Nội khiến anh được nhiều phen nở nang vì tự hào.

Ăn sáng xong, anh rót nước thuốc cho chị uống, sau đó dọn rửa. Trước đó, anh đã dìu vợ ra chiếc ghế dạng nửa giường nửa ghế để chị ngồi nghỉ cho thoải mái. Đôi mắt chị đã yếu lắm, bởi vậy không xem tivi mà anh bật đài cho vợ nghe. Chị giờ thuộc lòng giờ giấc theo nhạc hiệu của đài, đúng kiểu “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”. Nhưng thường anh không để chị ngồi lâu một mình. Thời tiết thuận lợi, anh dìu chị đi bộ nhẹ nhàng trong sân khu chung cư. Hình ảnh cặp vợ chồng già chầm chậm đi bên nhau, vợ đeo cặp kính đen, tay vịn chặt vào chồng đã trở nên quen thuộc với bà con lối xóm. Cũng có kẻ xấu thói, nói lén sau lưng là anh đang “diễn”. Nhưng nếu như họ chỉ cần sống cùng anh chị một ngày, đảm bảo sẽ xấu hổ về sự bình xét hồ đồ của mình.

Chị Minh luôn thầm cảm ơn ông trời đã ban cho chị một người chồng hết lòng yêu thương vợ mà lại còn biết chăm sóc chị đúng khoa học. Mặc dù căn bệnh tiểu đường đã vào thời kỳ biến chứng nhưng chị không bi quan, bởi chị biết bên chị bao giờ cũng có một điểm tựa vững chãi.

Võ Hồng Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/minh-la-diem-tua-cua-em-n177492.html