Mình Iran đủ khiến Mỹ bất lực

Bất chấp đe dọa của Mỹ, nhiều nước vẫn làm ăn với Iran trong khi Tehran biết lượng sức tự lực phát triển ngành kinh tế chủ lực dầu mỏ.

Những kẻ “ngoan cố”

Mỹ đang gia tăng áp lực đối với Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân – Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) – và tiếp tục trở lại cơ chế trừng phạt đối với Iran.

Hai ngày sau tuyên bố trên, ngày 7/8, Mỹ đưa ra gói trừng phạt đầu tiên nhằm vào Iran, đặt ra những hạn chế đối với hoạt động mua bán xe hơi, vàng và kim loại của Iran.

Các biện pháp trừng phạt cũng tác động đến các công ty của Iran chuyên về nhôm, than chì, than và thép, cũng như các công ty sản xuất chương trình máy tính cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp.

Dự kiến, ngày 4/11 tới, Mỹ sẽ đưa ra gói trừng phạt thứ hai, giáng một đòn vào ngành năng lượng của Iran, ban đầu là ngành công nghiệp dầu khí và các ngành công nghiệp liên quan, và sẽ tác động đến các hoạt động giao dịch lớn, tức là hệ thống ngân hàng của Iran.

Tổng thống Mỹ D. Trump công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ngày 5/8

Nếu như trước khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết tại Vienna ngày 14/7/2015 (giữa Iran và P5+1 gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại Tehran đã phát huy tác dụng và được ủng hộ thì tình thế hiện nay đã khác.

Tất nhiên, Mỹ đang sử dụng sức ép tài chính và kinh tế đối với các bên bất tuân và không muốn tham gia chiến dịch chống Iran.

Tại cuộc gặp ở Vienna vào tháng 7/2018, 5 nước tham gia thỏa thuận hạt nhân với Iran (Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức) đã nhất trí bảo vệ các công ty của họ trước tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng các bên cũng đã nhất trí thiết lập các biện pháp duy trì quan hệ thương mại với Iran mà “sẽ không phụ thuộc vào các ý định bất chợt của Mỹ”.

Ngày 7/8, ngay sau khi Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quy chế “phong tỏa” nhằm vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran trên lãnh thổ nước này, cấm các công ty châu Âu tuân theo chúng và ngăn cản bất kỳ tòa án nước ngoài nào thực thi các phán quyết được thông qua trên cơ sở các biện pháp trừng phạt này.

Việc quy chế này có hiệu lực cũng cho phép tất cả các tổ chức châu Âu yêu cầu bồi thường trước tòa vì thiệt hại do việc các cá nhân có trách nhiệm (ám chỉ giới chức trách Mỹ) thực thi những biện pháp trừng phạt này gây ra.

Cuối tháng 8/2018, EU bắt đầu thảo luận khả năng tạo ra một hệ thống thanh toán độc lập để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Dự án này có thể đòi hỏi sự tham gia của các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Đức.

Bất chấp Mỹ "phá tường", các nước còn lại trong P5+1 vẫn quyết tâm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran

Cũng trong cuối tháng 8, Ủy ban châu Âu (EC) đã phê chuẩn gói viện trợ tài chính cho Iran với trị giá lên tới 50 triệu euro để giải quyết “các vấn đề kinh tế và xã hội then chốt” của Iran.

Có những biểu hiện cho thấy các biện pháp “chống trả” không phát huy tác dụng. Trước khi Washington tung ra đòn đánh tiếp theo vào tháng 11 tới, nhiều công ty lớn đang rời khỏi Iran. Trong khu vực dầu mỏ là Total, gã khồng lồ trong lĩnh vực dầu khí của Pháp.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều kẻ “ngoan cố” không buông súng đầu hàng. Sau khi Mỹ công bố tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Tehran, nhiều nền kinh tế lớn bao gồm các nước châu Âu, Trung Quốc và Nga vẫn duy trì, thậm chí còn tăng cường quan hệ kinh tế với Iran.

Giám đốc đầu tư của Công ty hóa dầu quốc gia Iran (NPC) Hossein Alimorad nói rằng lượng đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp dầu mỏ và hóa dầu của Iran không thay đổi sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. NPC đã đạt được một thỏa thuận với các đối tác nước ngoài khác về việc đầu tư 7 tỷ USD vào ngành công nghiệp hóa dầu của Iran.

Công ty ADL của Đức mới đây đã ký một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực lọc dầu với công ty dầu mỏ Sepahan (SOC) của Iran. Mục tiêu là chia sẻ bí quyết và kiến thức kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, bao gồm các sản phẩm dầu mỏ và chất bôi trơn trong công nghiệp. ADL sẽ hợp tác với các đối tác Thụy Sĩ và Áo để bắt tay thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/minh-iran-du-khien-my-bat-luc-3367024/