Minh định lịch sử từ quần thể mộ cổ A Man

Quần thể mộ cổ A Man tại xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đang được trình thẩm định xem xét để xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là khu mộ cổ có giá trị khảo cổ, quy mô lớn nhất cả nước chứa đựng nhiều bí ẩn của lịch sử, nhưng chưa từng được minh định một cách chính thống.

Một góc quần thể mộ cổ A Man. Ảnh: TTH

Một góc quần thể mộ cổ A Man. Ảnh: TTH

Xét yếu tố địa văn hóa, lịch sử vùng đất - con người, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên ngày nay là vùng đất cửa sông đổ ra biển dung dưỡng phù sa bồi và các giá trị lịch sử dày dặn, đặc sắc. Sông Kỳ Lộ, đoạn chảy qua Tuy An gọi là sông Ngân Sơn vốn là dòng sông lớn chảy theo sườn dãy Trường Sơn ra biển. Đây chính là địa hình tự nhiên ngăn lại và tích tụ các dấu ấn lịch sử về sự hình thành và phát triển của vùng đất 400 năm Phú Yên. Một trong số đó là núi A Man soi bóng xuống dòng Ngân Sơn với trầm tích quần thể 500 ngôi mộ cổ mà nhận định của nhiều nhà khoa học cho rằng, đây là mộ của tướng lĩnh đội quân của chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với quân Tây Sơn vào những năm từ 1793 -1880.

Chúng tôi tìm tới chùa Châu Lâm ở chân núi A Man, một ngôi chùa cổ đã được trùng tu lại khang trang, sạch đẹp với khá đông phật tử đang cầu lễ, chiêm bái. Tuy nhiên, chỉ rời sân chùa vài bước chân, vùng núi phía sau bỗng u tịch khác biệt bởi thảm thực vật ken dày bao phủ. Giữa thời tiết nắng gắt và khô cằn của Nam Trung bộ, nhưng núi A Man - nơi có quần thể 500 ngôi mộ cổ vẫn còn nguyên dạng trong nền không khí ẩm ướt, rờn rợn và quạnh hiu, nhiều chỗ không có dấu chân người lui tới. Như vậy, dù không rõ nguồn gốc và danh tính những người dưới mộ đã tồn tại ở đây vài trăm năm qua, nhưng người dân trong vùng vẫn dành cho di tích một sự tôn trọng nhất định.

Càng đi sâu vào trong rừng cây, những ngôi mộ cổ hiện ra càng nhiều, phần lớn đều là mộ đá được xây bằng vôi cát, mảnh gốm kết dính. Hiện tại, hình dáng các ngôi mộ vẫn còn khá nguyên vẹn, ít đổ nát, chủ yếu là hình yên ngựa, voi phục, búp sen, mai rùa, mái nhà. Điều đặc biệt là các ngôi mộ đều có đầu hướng về phía Tây Nam và đều là độc bản, không có ngôi mộ nào giống nhau hoàn toàn. Chính vì vậy, trong một thời gian dài trước đây, quần thể mộ cổ này được đoán định là mộ của người Chăm, hoặc người Hoa, cũng là 2 cộng đồng người từng cư trú lâu năm tại khu vực này.

Một trong những đặc điểm để các nhà khoa học gần như chắc chắn những ngôi mộ này là nơi chôn cất tướng lĩnh của chúa Nguyễn Ánh vì hầu như không ngôi mộ nào có bia mộ. Danh tính của người được chôn cất ngay từ đầu đã có ý bảo mật, tránh việc bị đào phá xâm hại trong thời buổi binh biến loạn lạc lúc bấy giờ. Thứ nữa, ngoài các ngôi mộ có bình phong chắn trước mộ - đặc điểm kiến trúc lăng mộ triều Nguyễn, thì chủ yếu mộ có hình yên ngựa. Các tướng lĩnh tử trận thường được xây mộ mô phỏng yên ngựa với ý nghĩa cái chết được da ngựa bọc thây, kiêu hùng trên chiến trường.

Hơn nữa, sự phân cấp danh phận trong một đội quân thể hiện rất rõ ở cách xây các ngôi mộ quy mô to nhỏ khác nhau. Dù được vùi dưới thảm cây rừng và rêu bám dày qua thời gian, nhưng những ngôi mộ còn nguyên nét hài hòa, bề thế và lưu dấu bàn tay xây dựng khéo léo của tiền nhân. Có cụm vài ngôi mộ liền nhau cũng không giống nhau, nhưng ít nhất giữa cách xây đặt các ngôi mộ cũng bao hàm một dạng ngôn ngữ khảo cổ, quan niệm về tôn giáo tín ngưỡng của người xưa và thái độ trân trọng những con người đã xả thân trong chiến trận.

Hội Khoa học lịch sử Phú Yên đã từng mời các nhà khoa học chuyên ngành di sản, khảo cổ, dân tộc học, lịch sử, ngôn ngữ... trong cả nước hội thảo về khu mộ cổ lớn nhất Việt Nam này. Việc giải mã và minh định, đặc biệt là đánh giá đúng giá trị văn hóa của khu mộ cần được chính thức công bố và thừa nhận. Nhưng những nhận định rõ nét nhất gần như đã được sáng tỏ rằng, đây là một di tích khảo cổ chứng tỏ đằng sau đó là cả một nền văn minh mộ táng của thời kỳ đó từ quan niệm nhân sinh đến kiến trúc, văn hóa, quân sự, tín ngưỡng, cách thi công và sự tiên định về giá trị lưu giữ lịch sử của quần thể mộ.

Một ngôi mộ hình yên ngựa nằm cạnh nhà dân. Ảnh: TTH

Hiện nay, quần thể 500 ngôi mộ tập trung ở ngay sau chùa Châu Lâm, cạnh Minh bia Hòa thượng Liễu Quán - tấm bia có giá trị lịch sử ghi lại quá trình vị cao tăng làng Quảng Đức sáng lập Thiền phái Phật giáo xứ Đàng Trong ở thế kỷ XVIII. Dọc con đường từ mặt sông Ngân Sơn qua làng Quảng Đức vào chùa Châu Lâm, chúng tôi còn quan sát thấy rất nhiều ngôi mộ cổ trong quần thể 500 ngôi mộ nằm rải rác ven đường đi, lẫn trong vườn, trong đất định cư của các gia đình dân cư quanh đó.

Nét độc đáo này có thể trở thành sự hấp dẫn riêng có, nếu quần thể mộ cổ A Man, Minh bia Hòa thượng Liễu Quán và chùa Châu Lâm trở thành điểm đến tham quan, nghiên cứu và chiêm bái của du khách gần xa. Đó là cơ hội để di tích này được tu bổ, trả lại vị trí xứng đáng là một di tích lịch sử và có thể khai thác du lịch.

Việc minh định quần thể mộ cổ còn góp phần làm rõ thời kỳ lịch sử đáng chú ý nhất của xứ Đàng Trong, đất Nam Trung bộ bây giờ với cuộc giao tranh khốc liệt mà sau đó, kết quả cuộc chiến đã làm thay đổi hẳn thể chế chính trị, triều chính địa phận lúc đó. Còn lại với thời gian là tư tưởng quân sự, tín ngưỡng tinh thần trong dân và vốn quý về văn hóa, bàn tay tài hoa của con người bồi đắp lên vùng đất giàu có sản vật này. Việc tu bổ và công nhận di tích cũng là sự ghi nhận cho nỗ lực của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý của địa phương trong một thời gian dài đi tìm chứng cứ khoa học để lý giải nguồn gốc di tích, say mê nghiên cứu nhằm lưu giữ ký ức lịch sử cho vùng đất Phú Yên.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/minh-dinh-lich-su-tu-quan-the-mo-co-a-man/