Mình đã sống chung với đại dịch COVID-19 tại Thụy Điển như thế nào?

Võ Mạnh Tiến hiện là sinh viên năm thứ hai, khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM). Tiến đã có 5 tháng trải nghiệm và học tập (dạng trao đổi) tại khoa Kỹ thuật, trường ĐH Jonköping (Thụy Điển). Trước chuyến đi, Tiến háo hức, hình dung những tháng ngày tuyệt vời khi có được visa đến đất nước Bắc Âu này. Tuy nhiên, qua tới Thụy Điển anh bạn lại bị 'mắc kẹt' ở đây vì dịch COVID-19.

Hành trình từ Việt Nam đến Thụy Điển

Xách balô lên và một mình đi đến phía bên kia của trái đất không phải là điều mà tất cả mọi người dám làm. Nhưng chắc chắn đó sẽ là một hành trình đem lại nhiều bất ngờ và đầy thú vị vì bạn không thể nào biết trước được điều gì đang đợi chờ bạn tại đó, ví dụ như… COVID-19.

Chuyến đi đến Thụy Điển của mình bắt đầu thế nào ư? Bắt đầu bằng cái Resident Permit (Giấy phép cư trú) với hàng tá giấy tờ và các thủ tục liên quan. Nhưng giữ vững suy nghĩ cứ làm thì sẽ xong, nó cũng đã kịp đến với tay mình trước khi bay một tuần. Cuối cùng con tim mình cũng được nghỉ ngơi sau biết bao nhiêu ngày thấp thỏm chờ đợi.

Tiến (ngoài cùng, bên trái) trong chuyến đi học tập trao đổi tại Thụy Điển đầu năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Tiến (ngoài cùng, bên trái) trong chuyến đi học tập trao đổi tại Thụy Điển đầu năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Và rồi ngày trọng đại cũng đã đến, sau 15 tiếng trên máy bay, mình đã đặt bước chân đầu tiên xuống sân bay lớn nhất Thụy Điển tại thủ đô Stockholm, sân bay Arlanda. Phân vân một hồi, mình quyết định vừa đẩy vừa kéo ba túi hành lý nặng trịch đến thuê một cái giường tại homestay dạng ký túc xá để tham quan thủ đô trong hai ngày. Nhờ quyết định đó mà mình đã có thêm những người bạn mới ở chung homestay để cùng nhau đi tham quan và khám phá trước khi lên chuyến tàu điện đến thành phố Jonköping, nơi mình sẽ có một học kỳ để “văn ôn võ luyện”. Khởi đầu chuyến đi Thụy Điển của mình đã diễn ra khá suôn sẻ trừ việc xém nữa trễ tàu do bị lạc trong nhà ga.

Một góc nhỏ của thành phố nhìn từ KTX khi Tiến đặt chân tới Thụy Điển (Ảnh: NVCC)

Thụy Điển là một quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu xinh đẹp với đầy đủ sắc thái của bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông nhưng lại lạnh quanh năm. Thiên nhiên, ở đây đẹp tựa tranh vẽ với những cánh rừng thông dài bất tận và những hồ nước trong xanh thấy đáy, dường như mỗi bức ảnh bạn chụp đều cho ra một kiệt tác của tạo hóa. Vào mùa đông, mặt trời chỉ xuất hiện tầm 4, 5 tiếng đồng hồ và vào hạ thì ngược lại, chỉ khi trải nghiệm qua, bạn mới cảm nhận được điều đặc biệt này thú vị đến nhường nào.

Người Thụy Điển nổi tiếng yêu thiên nhiên và luôn muốn được hòa mình với thiên nhiên, họ có thể dành hàng tiếng đồng hồ để đi bộ, cắm trại trong những cách rừng thông bạt ngàn vô tận. Thoạt đầu, ấn tượng của mình về người dân Thụy Điển là họ có phần khá nhút nhát và xa cách, nhưng thời gian đã làm mình thay đổi cảm nhận đó. Những nụ cười thân thiện giữa tụi mình và những con người xa lạ khi lang thang trong một cánh rừng nhỏ, những cái vẫy tay từ người lái xe ra hiệu nhường cho mình sang đường hay những lời ngỏ ý giúp đỡ khi mình chật vật với đống hành lí trên đường từ Stockholm về Jonköping, đã cho mình đủ hình dung người Thụy Điển thân thiện và tốt bụng nhường nào.

Thành phố Jonköping (Thụy Điển) nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: NVCC)

Đến Jonköping University và chuyến đi xa cùng bạn bè

Đây là trường đại học lớn nhất thuộc hạt Jonköping, nơi nổi tiếng với nhiều sinh viên quốc tế theo học. Phương pháp dạy học ở đây cơ bản cũng giống với khi học ở trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) tại Việt Nam. Sinh viên được khuyến khích phát biểu ý kiến cá nhân, năng nổ trong giờ học cũng như hàng tuần đều có group work (làm việc nhóm) để các nhóm cùng bàn bạc, thảo luận.

Những người bạn mới làm quen trong kỳ học trao đổi của Tiến (Ảnh: NVCC)

Trường học ở đây tổ chức rất nhiều hoạt động giải trí, thể thao cho sinh viên, trong đó mình rất ấn tượng với hoạt độngKick Off(tuần lễ Khởi động) được tổ chức cho sinh viên trước khi bắt đầu kỳ học mới. Đây là dịp để bạn có thể trải nghiệm những hoạt động mà chỉ có thể tham gia một lần trong một học kỳ như Bumper Ball, Prison Island.. và đặc biệt là Pubcrawl, nghĩa là đến tất cả các quán bar của thành phố trong một đêm.

Hoạt động vui chơi giải trí ưa thích của sinh viên ở Thụy Điển là đến Bar pub, cùng nhau trò chuyện hay chơi các games vui nhộn. Đặc biệt trường ĐH Jonköping còn quản lí cả một quán bar cho sinh viên.

Akademien – quán “tủ” của sinh viên trường ĐH Jonköping. (Ảnh: NVCC)

Đến Jonköping University, mặc dù mình là sinh viên châu Á duy nhất trong Khoa và có một sự ngại ngùng “không hề nhẹ” lúc ban đầu nhưng chỉ mất một thời gian ngắn thôi, mình đã cháy hết mình. Việc “lăn xả” vào các hoạt động đã giúp gắn kết những con người có sự khác biệt về văn hóa, ngoại hình và tín ngưỡng lại với nhau.

Mất hơn bốn tiếng đi bus từ Jonkoping là bạn sẽ đặt chân tới Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch. Copenhagen cung cấp mạng lưới xe đạp thuận lợi và hiện đại nhất châu Âu. Trên chiếc xe đạp thuê ở homestay, mình đã rong ruổi khắp các ngõ ngách ở thủ đô, thưởng thức bánh mì Smorrebrod trứ danh của Đan Mạch.

Cảng Nyhvan, biểu tượng của Đan Mạch, nơi mà Tiến được đặt chân tới. (Ảnh: NVCC)

Mình đã có những trải nghiệm thú vị ở cực bắc châu Âu. Còn gì hoài niệm hơn khi nhớ lại cảm giác lang thang ở một thị trấn lạnh lẽo đầy tuyết, cùng những người bạn ngắm cực quang. Sau đó, tiến xa về phương bắc và trải nghiệm đêm -30 độ C đầu tiên trong đời, ở một nơi biệt lập với con người, thành thị. May mắn thay, trong chuyến đi trao đổi này, mình đã được ngắm cực quang siêu đẹp, điều mà ngay cả anh bạn người Thụy Điển của mình cũng chưa từng được nhìn thấy.

Tiến và những người bạn đã được ngắm cực quang tại cực bắc châu Âu. (Ảnh: NVCC)

Lần đầu được trượt tuyết mang đến cảm giác rất lạ cho Tiến (Ảnh: NVCC)

Mình đã sống chung với COVID-19 tại Thụy Điển như thế nào?

Mình tham gia vào chuyến học tập trao đổi đúng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ lần một ở Thụy Điển. Hiểu được tính nghiêm trọng của đại dịch, mình đặt vé máy bay và thu dọn hành lý, rồi đến ngày thì lật đật ra sân bay Stockholm vào cuối tháng Ba, một trong những điểm nóng của COVID-19. Nhưng rồi, một chuyến bị hủy, mình móc điện thoại ra, cố gắng đặt một chuyến khác. Chuyến thứ hai, chuyến thứ ba, chuyến thứ tư kết quả vẫn không thay đổi, chữ “CANCELLED” đỏ chót cứ thế mà hiện lên màn hình. Cộng thêm tin Chính phủ Việt Nam yêu cầu tạm ngừng các chuyến bay thương mại đến Việt Nam. Ở lại tâm dịch không phải là điều sáng suốt, nên mình quyết định bắt tàu về lại Jonkoping.

Jonköping bình thường đã vắng vẻ thì nay lại càng yên tĩnh đến kinh ngạc, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Thụy Điển. (Ảnh: NVCC)

Từ những ngày tháng tụm năm tụm ba vui vẻ cùng bạn bè, giờ mình phải lủi thủi trong phòng một mình, gần như toàn thời gian, tranh thủ đến siêu thị vào sáng sớm cho cả tuần, cũng như đi dạo hít thở không khí trước khi về lại phòng. Kỳ trao đổi tại Thụy Điển của mình chỉ mới chính thức trôi qua được một nửa, một nửa còn lại lại sống trong môi trường cách ly và sự nuối tiếc khi chia tay những người bạn nước ngoài, từng người từng người một trở về với quê nhà. Mặc dù lúc đó là khoảng thời gian khó khăn, nhưng nhờ vậy mà mình đã học được cách tĩnh tâm, vượt qua nỗi sợ, và biết cách chăm sóc bản thân tốt hơn. Đặc biệt, khi trong khu nhà mình sống, có một anh chàng người Phần Lan được xác nhận “dính” COVID-19, các bạn sống chung vẫn khá hời hợt mà mình thì vẫn phải dùng chung không gian phòng ăn và nhà vệ sinh, nên đã tăng tính cẩn thận của mình lên mức tối đa. Mở cửa phòng là khẩu trang trên mặt, nước rửa tay trong túi, rửa nhiều đến mức tay mình như mòn đi mấy lớp da.

Sau ba tháng trời, cả Trái Đất như thu gọn lại chỉ bằng một căn phòng. Mình cuối cùng cũng được lên được chuyến bay nhân đạo để về với Việt Nam thân yêu. Chuyến đi trao đổi tại Thụy Điển kết thúc có thể không được trọn vẹn, với sự nuối tiếc và những dự định còn dang dở, nhưng không hề có một chút hối hận về quyết định đi của mình. Một chuyến đi với rất nhiều trải nghiệm, chuyến đi có một không hai để biết thêm những giới hạn của bản thân.

Cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm COVID-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm COVID-19. Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.

Link tải Bluezone trên Android.

Link tải Bluezone trên iOS.

Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.

Hà Chi (ghi lại)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tre/minh-da-song-chung-voi-dai-dich-covid19-tai-thuy-dien-nhu-the-nao-1706930.tpo