Minh Chuyên - Sức mạnh của ngòi bút nhân hậu

Sáng cuối năm, 9 độ C, rét nhất từ đầu mùa đông năm nay. Tôi và nhà báo - đại tá Nguyễn Hòa Văn, cùng cả trăm khách từ Hà Nội, từ Thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình), đội mưa, xuyên gió buốt, về tận xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, dự lễ khánh thành Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên!

TS Trần Bá Dung cùng các đại biểu tại Lễ khánh thành bảo tàng. Ảnh: TL

TS Trần Bá Dung cùng các đại biểu tại Lễ khánh thành bảo tàng. Ảnh: TL

Đây không phải là bảo tàng tư nhân đầu tiên, nhưng là bảo tàng tư nhân đầu tiên trong lĩnh vực văn học – báo chí viết về hậu chiến tranh ở Việt Nam.

Có ba điều làm tôi suy nghĩ:

Cảm phục sức nghĩ, sức viết, sức sáng tạo phi thường của một nhà văn, nhà báo bước ra từ cuộc chiến.

Minh Chuyên - một nhà văn từng là người lính, chuyên viết về hậu chiến - với một nỗi thao thức, trăn trở, đau đáu khôn nguôi, thể hiện qua từng trang viết trong hầu hết hơn 300 tác phẩm văn học, báo chí, điện ảnh và phim tài liệu truyền hình... Tổ chức Ghi-net Việt Nam sáng nay cũng đã trao cho ông bằng chứng nhận kỉ lục Người có tác phẩm viết về hậu chiến tranh ở Việt Nam nhiều nhất! Ông coi đó như một cách trả nợ, cách tri ân, tưởng nhớ đồng đội đã không may mắn được trở về, như ông. Cũng là một cách chia sẻ nỗi đau với những gia đình phải vô tội chịu đựng những di họa của chiến tranh, dù cuộc chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình chúc mừng nhà văn Minh Chuyên. Ảnh: TL

Làm nghề sáng tác, tự cổ chí kim, đạt đến “trước tác đẳng thân” (tác phẩm viết ra xếp cao bằng người) như ông, ai chẳng ước ao!

Nhìn khối tác phẩm đồ sộ, nghĩ về mạch nguồn chảy suốt tác phẩm Minh Chuyên.

Đó là tấm lòng nhân hậu vô bờ bến, với đồng đội, với gia đình người lính chịu đựng mất mát thiệt thòi sau chiến tranh, với những nạn nhân chất độc da cam, với nỗi đau mất mát của đồng bào, của dân tộc.

Kho sách đồ sộ của nhà văn Minh Chuyên

Tác phẩm nổi tiếng “Thủ tục làm người còn sống” cách nay gần 30 năm, đã khiến ông phải gánh chịu bao rắc rối, mệt mỏi tưởng như bất lực... Nhưng cuối cùng, sau ngót 10 năm dài đeo đuổi, sự thật đã được gọi tên. Sức mạnh ngòi bút nhân hậu đầy thao thức trăn trở của một người lính hậu chiến, đã chiến thắng thói vô tâm vô cảm, bệnh quan liêu giấy tờ án ngữ lương tâm một thời một lớp người được thừa hưởng chính những cơ hội sống tốt đẹp sau chiến tranh.

Ông từng nói, “tôi muốn thổi hồn nhân hậu của dân tộc vào chính kẻ thù của mình”. Tôi đọc được thông điệp từ ngòi bút của ông: Hãy lặng lẽ miệt mài mà viết, hãy nhân hậu mà viết, yêu thương mà viết, ngòi bút sẽ tự có sức mạnh lan tỏa và chiến thắng mọi trở ngại!

Thứ ba, lãnh đạo tỉnh Thái Bình thật đúng đắn và sáng suốt khi trong thời gian ngắn đã gấp rút hỗ trợ kinh phí và thủ tục thành lập Bảo tàng này. Bởi đây sẽ là nơi lưu giữ và lan tỏa những giá trị tinh thần cốt lõi không chỉ của nhà văn, nhà báo Minh Chuyên!

Ai hiểu văn học, ai nắm được văn chương, người đó dễ hiểu, dễ nắm được NHÂN DÂN!

(30/12/2018)

TS. Trần Bá Dung

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/minh-chuyen-suc-manh-cua-ngoi-but-nhan-hau-n12234.html