Minh bạch tiêu chí để nâng cao chất lượng

Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS) theo Quyết định số 37/QĐ-TTg (Quyết định 37) của Thủ tướng Chính phủ với yêu cầu nâng cao chất lượng ứng viên. Tới thời điểm này, đã có 16 ứng viên GS, PGS bị trượt ở vòng Hội đồng GS Nhà nước mặc dù đã được các hội đồng ngành/liên ngành thông qua.

Trong đó có 7 ứng viên GS ở 4 hội đồng ngành/liên ngành trên tổng số 28 hội đồng ngành/liên ngành bị trượt là 2 ứng viên liên ngành cơ khí động lực, 1 ứng viên ngành kinh tế, 2 ứng viên ngành vật lý, 2 ứng viên ngành y; có 9 ứng viên PGS bị trượt trong đó có 1 ứng viên liên ngành cơ khí động lực, 1 kinh tế, 3 vật lý, 2 y học, 2 văn hóa nghệ thuật – thể dục thể thao.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước, nguyên nhân trượt của những ứng viên “trượt” chủ yếu do thiếu tiêu chuẩn “cứng”. Cụ thể, lý do 6 ứng viên GS không đưa vào danh sách bầu là do thiếu hướng dẫn chính 2 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sỹ theo quy định tại Khoản 7, Điều 5; không chủ trì biên soạn giáo trình/chuyên khảo theo quy định tại Khoản 5, Điều 5.

1 ứng viên GS không đủ số phiếu bầu của Hội đồng GS nước do: Mới được bổ nhiệm PGS năm 2018 và thiếu hướng dẫn chính 1 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, nhưng nếu bù thay thế bằng 3 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín là tác giả chính sau PGS thì thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học sau PGS còn quá ít;

9 ứng viên PGS: Thiếu hướng dẫn 2 học viên được cấp bằng thạc sỹ (Khoản 6 Điều 6); không tham gia đào tạo liên tục 3 năm cuối (Khoản 3 Điều 6); đang trong thời gian bị kỷ luật (Khoản 1 Điều 4); thiếu BBUT, nhưng không có chương sách do NXB quốc tế uy tín hoặc sách chuyên khảo do NXB uy tín (Điểm a Khoản 4 Điều 6); thiếu giờ giảng, phải gấp đổi điểm CTKH, nhưng không đạt đủ số điểm tối thiểu theo quy định (Khoản 2 Điều 6).

Ông Tuấn nhấn mạnh, các chức danh GS và PGS là chức danh của nhà giáo, do đó ứng viên phải thực hiện song song cả 2 nghĩa vụ nghiên cứu và đào tạo. Nếu không chú trọng đánh giá đầy đủ cả hai thì sẽ có những trường hợp chỉ chú trọng vào việc sản xuất bài báo; trong khi đó, nghĩa vụ giảng dạy của GS phải được thể hiện qua việc hình thành nhóm nghiên cứu, qua nghiên cứu sinh, người tiếp bước hướng nghiên cứu đó.

Như vậy có thể thấy theo Quyết định 37, các tiêu chuẩn được đánh giá có phần khắt khe hơn so với Quyết định 174 trước đó. Khi Hội đồng họp, cả 32/32 thành viên của Hội đồng GS Nhà nước đã thảo luận và đi đến thống nhất, ứng viên có thể “bù thay thế các tiêu chuẩn nếu thiếu” nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa nghiên cứu khoa học, công bố khoa học với đào tạo và uy tín, ảnh hưởng của ứng viên. Tuy nhiên, nếu ứng viên thiếu toàn bộ một hay nhiều tiêu chuẩn nào đó thì sẽ bị đánh trượt.

GS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng GS Nhà nước cho rằng: Năm nay, Hội đồng GS Nhà nước, đã thực hiện rất nghiêm túc, chặt chẽ công tác rà soát hồ sơ. Đối với hồ sơ, tất cả các ứng viên đều được Hội đồng GS Nhà nước thảo luận rất kỹ để cả Hội đồng hiểu rõ, sau đó mới tiến hành bỏ phiếu.

Chính vì vậy, khi kết quả được công bố Hội đồng tin rằng sẽ được xã hội đồng thuận, giới khoa học, giới nghiên cứu và giảng dạy ủng hộ. Khi đặt mục tiêu nghiêm túc, khách quan, chính xác, nâng cao chất lượng lên hàng đầu và làm chặt ngay từ khâu xét duyệt hồ sơ đăng ký ngay từ cấp cơ sở thì sẽ có được những ứng cử viên thực sự chất lượng.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/minh-bach-tieu-chi-de-nang-cao-chat-luong-tintuc452875