Minh bạch tiêu chí đánh giá nhằm giảm thiểu tiêu cực của cơ quan hải quan các cấp

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động xuất - nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, do Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 4/12 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ông Cường cho biết, hiện ngành hải quan đang thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động hải quan bằng biện pháp quản lý rủi ro - đây là bước mà hải quan các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực và kiểm soát hiệu quả ngành Hải quan.

“Việc quản lý theo hình thức rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Nói cách khác, ngành hải quan chuyển phương thức giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Hiện ngành hải quan đang đánh giá doanh nghiệp dựa trên 3 loại (luồng xanh – luồng vàng – luồng đỏ) và phân làm 7 hạng. Nhưng tiến đến để phù hợp với tiêu chuẩn hải quan thế giới và công nghệ quốc tế, ngành hải quan sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp theo 4 loại: Tuân thủ cao – Tuân thủ trung bình – Tuân thủ thấp – Không tuân thủ. Từ đó, cơ quan hải quan sẽ áp dụng chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện tốt để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng thời nâng cao kiểm soát, chống gian lận thương mại...” – ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng chỉ rõ, việc công khai phương pháp quản lý, tiêu chí đánh giá của cơ quan hải quan để cộng đồng doanh nghiệp nắm được. Từ đó để doanh nghiệp biết được ngành hải quan đang nhìn nhận doanh nghiệp thế nào, đồng thời ngành hải quan biết ưu tiên kiểm soát vấn đề gì với từng loại doanh nghiệp. “Việc công khai minh bạch tiêu chí đánh giá là cần thiết, giúp hạn chế tiêu cực trong công tác quản lý. Đồng thời giúp doanh nghiệp tự xem xét việc thực hiện tuân thủ pháp luật của mình thế nào. Qua đó doanh nghiệp tự biết mình chưa chuẩn ở đâu để có biện pháp khắc phục. Nếu cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp cùng làm tốt điều này sẽ hướng đến môi trường kinh doanh tốt hơn, giảm thiểu tiêu cực trong tổ chức thực hiện ở cơ quan hải quan các cấp” – ông Cường nói.

Theo ông Cường, khi công khai, minh bạch tiêu chí đánh giá thì cán bộ hải quan không thể áp dụng cảm tính để xử lý, vì tất cả đều thể hiện trên hệ thống máy tính. Qua đó tình trạng gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như sự tiêu cực trong quản lý của cơ quan hải quan sẽ được hạn chế…

Nói về việc minh bạch tiêu chí đánh giá của cơ quan hải quan, ông Vũ Chu Hiền, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng đây là thay đổi đáng kể về tư duy quản lý của cơ quan hải quan. Điều đó sẽ giúp ngành hải quan quản lý, kiểm soát hiệu quả, giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.

Góp ý cho dự thảo Thông tư này, ông Hiền nói: “Ở đây ban soạn thảo đã “bỏ qua” trách nhiệm và chế tài đối với cơ quan quản lý. Ví dụ, nếu cơ quan quản lý làm sai thì doanh nghiệp sẽ yêu cầu bồi thường thế nào. Trong trường hợp một doanh nghiệp bị cơ quan quản lý nhà nước cưỡng chế tạm dừng hoạt động trong một thời gian nhất định, như thế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng nếu kết luận của cơ quan quản lý chưa chính xác thì doanh nghiệp sẽ làm gì để yêu cầu bồi thường? Từ trước đến nay không có chuyện doanh nghiệp đòi tiền phạt cơ quan công quyền. Ở đây chúng ta phải có tư duy thay đổi từ khi soạn thảo. Làm thế nào để tất cả đều bình đẳng trước pháp luật” – ông Hiền nêu quan điểm.

Bà Tạ Vân Hà, Hiệp hội chế biến Thủy sản Việt Nam cho biết, nếu áp dụng đúng mức độ đánh giá như bộ tiêu chí mà cơ quan Hải quan đưa ra thì hầu hết các doanh nghiệp thủy sản chỉ đạt mức 4 – mức Không tuân thủ. Như thế sẽ gây khó cho doanh nghiệp khi hoạt động. Doanh nghiệp sẽ phải chịu đánh giá kép và lại tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…

Bà Hà cho rằng cơ quan hải quan nên xem xét tính kế thừa lịch sử của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có lịch sử tuân thủ tốt thì nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra, phải có thang điểm để đánh giá tiêu chí thay bằng việc đánh giá chung chung như thế này sẽ không thuyết phục.

THẠCH HƯƠNG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/minh-bach-tieu-chi-danh-gia-nham-giam-thieu-tieu-cuc-cua-co-quan-hai-quan-cac-cap-19553.html