Minh bạch thu phí giao thông

Những ngày qua, trước dư luận “lùm xùm” về việc triển khai thu phí không dừng (ETC) sẽ không theo kịp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã dấy lên băn khoăn, có suy nghĩ không tích cực trong việc thu phí giao thông.

Ngay trong ngày 21-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-11 về tiến độ triển khai hệ thống ETC. Trong đó, yêu cầu báo cáo cần nêu rõ thực trạng, khó khăn, vướng mắc và đánh giá khả năng hoàn thành đối với việc triển khai hệ thống ETC; đề xuất giải pháp đồng bộ, khả thi về hoàn thiện thể chế cũng như phương án xử lý cụ thể.

Còn nhớ, mùng 3 tết năm nay đã xảy ra vụ cướp táo tợn tại trạm thu phí cao tốc Long Thành - Dầu Giây! Nếu vụ cướp chỉ là một vụ cướp của thì không có gì đáng nói, đằng này sau vụ cướp đã dấy lên tranh cãi về số tiền thu phí hàng ngày của tuyến đường. Một luồng suy luận rằng, chỉ một ca bị cướp là 2,2 tỷ đồng, như vậy một ngày đêm 3 ca sẽ thu trên 6 tỷ đồng, trong khi các báo cáo nêu lên chỉ thu hơn 1 tỷ đồng/ngày. Cho dù sau đó đơn vị khai thác đã lên tiếng “đính chính”, thì vẫn còn đó hoài nghi căn cứ vào đâu để tin con số nào là chính xác?

Mới đây, tiếp tục điều tra vụ án Út “trọc”, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an tiếp tục bắt hàng loạt cán bộ, nhân viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long liên quan đến việc thu phí của tuyến đường. Đó là hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái phép để che giấu doanh số thu phí, trốn thuế ở các trạm trên cao tốc TPHCM- Trung Lương. Hiện nay sự vụ đang được cơ quan điều tra thụ lý. Hệ lụy của hành vi này đã làm bất ổn trong việc điều hành tuyến đường cao tốc này không tổ chức thu phí trở lại dẫn đến biến thành đường quốc lộ, vận tốc giảm xuống còn 100km/giờ, các cơ quan chuyên môn đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ xuống cấp rất gần!

Không chỉ dừng lại 2 vụ việc nổi cộm nêu trên, hàng loạt vấn đề liên quan đến thu phí giao thông đã bị đẩy lên đỉnh điểm bức xúc trong dư luận. Như chuyện Bộ GTVT loay hoay đổi tên “thu phí” sang “thu giá” rồi quay lại “thu phí”; các trạm thu phí bị đặt “nhầm chỗ”; người dân, cánh lái xe bất hợp tác trong việc thu phí, dẫn đến nhiều trạm thu phí cho đến nay chưa thể vận hành trở lại, trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) là một ví dụ.

Bắt trúng bệnh, đưa ra giải pháp đúng, nhằm khắc phục cơ bản điểm yếu của thu phí giao thông chính là ETC. Tháng 3-2017 Chính phủ đã ký quyết định yêu cầu cho đến 31-12-2019 hoàn tất việc quản lý, vận hành ETC. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, đơn vị được chọn đã và đang triển khai ETC thì đòi trả lại vì lỗ, còn giai đoạn 2 của dự án “có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Ở đây, trách nhiệm lớn nhất và đầu tiên thuộc về Bộ GTVT. Hàng loạt câu hỏi mà bộ này phải trả lời: Vì sao đã hơn 2 năm trôi qua, một phần mềm ETC áp dụng đồng bộ cho các trạm thu phí trên cả nước đến nay chưa có? Vì sao chuyện đơn giản nhất là liên thông thu phí với các ngân hàng vẫn chưa làm? Cho đến khi nào người tham gia giao thông thấy rằng sử dụng ETC sẽ nhanh hơn, tốt hơn so với việc mua vé lẻ qua từng trạm? Đến khi nào người dân chỉ cần ở nhà tự nạp tiền vào thẻ ETC, như nạp tiền cho điện thoại mà không sợ bị chôn vốn, không được hưởng lãi suất? Rồi cho đến khi nào các thiết bị dùng cho ETC được sử dụng miễn phí, không phải mua tốn tiền?...

Khi Bộ GTVT triển khai thực hiện cho được hàng loạt câu hỏi nêu trên và ứng dụng suôn sẻ trên thực tế thì lúc đó mới hoàn thành nhiệm vụ thực thi ETC, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Không thể tiếp tục chậm nhịp hơn nữa trong việc thực hiện sự minh bạch trong thu phí giao thông, để lấy lại niềm tin trong nhân dân, để người dân đồng thuận phát triển hạ tầng giao thông.

LƯƠNG THIỆN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/minh-bach-thu-phi-giao-thong-629991.html