Minh bạch thông tin để hạn chế 'báo hóa' mạng xã hội

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của DN, vừa góp ý vào Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, do Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì soạn thảo.

Minh bạch thông tin cho độc giả

VCCI đồng tình và hoan nghênh cơ quan soạn thảo đã có những chính sách cho phép DN được liên kết với cơ quan báo chí để sản xuất tin bài, từ đó giúp tạo thêm nguồn tin bài có chất lượng cho độc giả. Tuy nhiên, Dự thảo hiện yêu cầu các trang tin liên kết phải sử dụng tên miền thứ cấp của tên miền báo điện tử. Quy định này, theo VCCI là không cần thiết, vì xét về mặt quản lý nội dung trên trang tin liên kết, Dự thảo đã quy định cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm về nội dung, và do vậy có thể đảm bảo về chất lượng của các tin bài.

Xét về mặt quản lý hình thức, các quy định chỉ cần hướng tới minh bạch thông tin cho người đọc (chẳng hạn quy định các thông tin cụ thể về trang tin, cơ quan báo chí liên kết trên giao diện) mà không cần phải yêu cầu trang tin sử dụng tên miền thứ cấp của cơ quan báo chí. Việc này vừa đảm bảo các mục tiêu quản lý, vừa đảm bảo quyền tự do lựa chọn của DN. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu trang tin phải sử dụng tên miền thứ cấp của tên miền báo điện tử.

Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, tình trạng “báo hóa” đang được diễn ra dưới hai hình thức: tự ý xào xáo tin bài, đặt tít gây sốc; sản xuất tin bài, sau đó “rửa nguồn” qua cơ quan báo chí. Với hình thức tự ý xào xáo tin bài, đặt tít gây sốc, hiện nay Điều 36.1 Luật Báo chí đã có quy định yêu cầu trang thông tin điện tử tổng hợp phải trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí. Do vậy, nếu trang tin có dấu hiệu của việc tự ý biên soạn lại tin bài thì các cơ quan quản lý Nhà nước đã có cơ sở pháp lý để xử lý, không cần thiết phải sửa đổi quy định.

Với hình thức sản xuất tin bài, sau đó “rửa nguồn” qua cơ quan báo chí, vấn đề khó khăn nhất là các trang tin đăng tin bài tự sản xuất nhưng lại có ghi rõ tên cơ quan báo chí, dù tin bài đó không hề xuất hiện trên các sản phẩm của cơ quan báo chí, khiến cho công tác quản lý, thanh kiểm tra gặp khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo đã đề xuất bổ sung các quy định, có thể được chia ra làm hai nhóm: nhóm biện pháp liên quan đến minh bạch thông tin cho độc giả; và nhóm biện pháp mang tính can thiệp hành chính.

VCCI đồng tình với các biện pháp liên quan đến minh bạch thông tin cho độc giả, gồm quy định về đặt link gốc ngay dưới bài dẫn lại; quy định cụ thể các nội dung phải có trong giao diện tiêu đề… Các quy định này vừa giúp độc giả phân biệt được hình thức của trang tin vừa tạo thuận lợi cho cơ quan Nhà nước trong việc quản lý.

“Chỉ cần thực hiện đủ nhóm các biện pháp minh bạch thông tin này là đủ để giải quyết vấn đề, không cần thiết phải sử dụng đến các biện pháp can thiệp hành chính như giới hạn nội dung trang thông tin điện tử (chỉ được đưa tin về một trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ các quy định mang tính can thiệp hành chính vào hoạt động của các trang thông tin điện tử”, VCCI góp ý.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phân loại quản lý với các mạng xã hội

VCCI hoan nghênh và đánh giá cao cơ quan soạn thảo bước đầu đã có những chính sách phân loại quản lý với các mạng xã hội. Theo đó, mạng xã hội được phân loại thành mạng xã hội có lượng tương tác lớn (quản lý bằng hình thức cấp phép) và mạng xã hội có lượng tương tác thấp (quản lý bằng hình thức thông báo).

Tuy nhiên, các mạng xã hội nhỏ, mới thành lập vẫn phải làm thủ tục hành chính và được Bộ gắn công cụ đo để theo dõi lượng truy cập. Theo phản ánh của các DN, hiện nay có thể sử dụng phương pháp xác định lượng truy cập từ Việt Nam nhờ đánh giá từ các nhà cung cấp hạ tầng dịch vụ internet. Cách thức này sẽ không cần áp dụng các công cụ đo phức tạp và giảm thủ tục hành chính đối với các mạng xã hội mới thành lập.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sử dụng phương pháp xác định lượng truy cập từ thông tin của các nhà cung cấp dịch vụ internet và bỏ thủ tục thông báo đối với các mạng xã hội quy mô nhỏ. Dự thảo dự kiến bổ sung các quy định nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” mạng xã hội. Xuất phát từ tình trạng một số mạng xã hội có giao diện giống với một tờ báo và được quản trị viên đăng thông tin nhưng lại giả làm thông tin từ người dùng. Một số trường hợp còn giả danh báo chí để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, các biện pháp được đề xuất mang nặng tính hành chính như phải hiển thị thông tin theo thời gian thực, không được sắp xếp thành các chuyên mục cố định, không được đăng tải bài viết có nội dung thể hiện như các sản phẩm báo chí. Trong khi đó, tình trạng này hoàn toàn có thể khắc phục bằng các biện pháp minh bạch thông tin để người đọc nhận biết rõ đâu là báo chí, đâu là mạng xã hội. Do đó, VCCI đề nghị thay thế các quy định quản lý hành chính cứng nhắc bằng các biện pháp minh bạch thông tin, ví dụ các yếu tố phải thể hiện trên giao diện của mạng xã hội để người truy cập có thể phân biệt.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/minh-bach-thong-tin-de-han-che-bao-hoa-mang-xa-hoi-203284.html