Minh bạch thị trường mỹ thuật

Mới đây, Nhà đấu giá Drouot (Pháp) đưa lên sàn trực tuyến một số bức tranh của các danh họa Việt Nam, nhưng giới chuyên môn nhận định các tác phẩm đó quá xấu, không đáng đồng tiền bát gạo; hơn thế, nó lại còn được gắn tên là sản phẩm của các danh họa thuộc nền mỹ thuật Ðông Dương.

Mới đây, giới mỹ thuật Việt Nam rất bất ngờ khi bức tranh bột mầu trên giấy "Diễn viên chèo" được ký tên họa sĩ Bùi Xuân Phái (ở lot 75 trên trang trực tuyến của Nhà đấu giá), song nét vẽ ngô nghê, không có bất cứ một đặc trưng nào của tranh "Phố Phái" nhưng giá khởi điểm dự kiến đã từ 1.500 đến 2.000 ơ-rô. Một bức tranh khác khi bức tranh sơn mài "Cắt lúa" được cho là của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (ở lot 99) được gắn tên họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914-1976, thuộc thế hệ họa sĩ mỹ thuật Ðông Dương), với giá khởi điểm từ 6.000 đến 8.000 ơ-rô.

Ðiều đáng nói ở đây là, hai bức tranh kể trên theo đánh giá của giới chuyên môn đều là giả, được xào xáo rất lộ liễu. Bức tranh sơn mài "Cắt lúa" được sao chép từ bức tranh lụa "Mùa gặt" của chính họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (bức tranh "Mùa gặt" hiện đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Còn với bức tranh "Diễn viên chèo" của danh họa Bùi Xuân Phái, theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, chỉ thẩm định bằng mắt cũng đã đủ khẳng định đây chỉ là bức tranh chép, thậm chí người vẽ trình độ kỹ thuật còn kém.

Sự việc kể trên xảy ra ở tận châu Âu, thoạt nghe thì dường như không mấy liên quan, song thực chất lại rất liên quan trong thời 4.0 này. Trước hết, điều này làm ảnh hưởng uy tín của thị trường mỹ thuật Việt Nam, vô hình trung làm giảm giá trị của tác phẩm mỹ thuật của các danh họa Việt Nam, bởi "một sự bất tín vạn sự bất tin"! Một số họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật đang bức xúc lên tiếng về chuyện đấu giá những bức tranh quá xấu được ký tên danh họa Việt Nam để bán giá cao ra thị trường quốc tế nhằm kiếm lời của một số phòng trưng bày và bán tranh. Thị trường mỹ thuật Việt Nam vài năm qua đã ghi nhận những tín hiệu đáng mừng khi có một số tác phẩm được mua với giá cao tại các sàn đấu giá trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng nói là lợi nhuận cao khiến nhiều người mờ mắt, làm tranh giả, tranh sao chép, tranh nhái. Họa sĩ Nguyễn Thụ từng phải lên tiếng gay gắt vì tác phẩm và tên của mình đã bị giả mạo và được bán công khai trên sàn đấu giá quốc tế. Ðiển hình là việc họa sĩ không vẽ tranh sơn mài nhưng mới đây, nhà đấu giá Aguttes (Pháp) đã công khai rao bán một bức tranh sơn mài ký tên Nguyễn Thụ.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy nạn tranh giả, tranh sao chép, tranh nhái của Việt Nam đang trôi nổi trên thị trường trong nước và nước ngoài là một thực tế đáng lo ngại. Bằng nhiều cách thức khác nhau, những bức tranh giả đang dễ dàng qua mặt các nhà thẩm định để xuất hiện tại các phiên đấu giá quốc tế. Và chuyện nhiều bức tranh nhái được các nhà sưu tầm mua ở một vài phiên đấu giá trước đó, sau khi có giấy chứng nhận thì nghiễm nhiên xuất hiện ở phiên đấu giá sau đó với giá khởi điểm rất cao, không phải là hiếm. Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, có tình trạng tác phẩm nghệ thuật (nhất là tác phẩm mỹ thuật, tranh) bị sao chép phổ biến ở Việt Nam là do các phòng trưng bày có đội ngũ chuyên chép tranh. Chủ nhân của các phòng trưng bày này nhận tranh của họa sĩ với một thỏa thuận giá nhất định, sau đó cho đội ngũ chép tranh chép lại tác phẩm, đề tên họa sĩ và bán bản sao cho nhà sưu tập trong khi bản gốc vẫn lưu. Vấn đề là, bản thân các họa sĩ này đôi khi cũng không thể biết được dích dắc ấy trong "con đường đi" của các bản sao, nhiều họa sĩ còn tưởng tranh của mình không thể bán được. Ngoài ra, các phòng trưng bày tìm kiếm hình ảnh các dòng tranh phổ biến, dễ được thị trường chấp nhận rồi sao chép và bán với số lượng lớn mà không xin phép tác quyền của tác giả. Có thể họ cũng không biết tác giả là ai. Nhiều phòng trưng bày dùng tiểu xảo bằng cách triển khai việc tách hình ảnh từ các tác phẩm nguyên bản của các họa sĩ tên tuổi lớn, đặc biệt là các danh họa đã quá cố và bán với giá rẻ. Lý giải hiện tượng này, nhiều họa sĩ và nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, thị trường mỹ thuật (nhất là tranh) ở Việt Nam từ trước đến nay thiếu minh bạch về hình ảnh và giá cả của tác phẩm dẫn đến nạn sao chép tranh và nạn làm giá. Họa sĩ bán tranh qua kênh phòng trưng bày cho nên phụ thuộc gần như hoàn toàn, từ việc tiếp thị hình ảnh của bản thân tới nhà sưu tập, đến bị sao chép tranh bất hợp pháp, bị ép giá bán tranh... Theo họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, Việt Nam đang thiếu tổ chức chuyên nghiệp là trung gian giữa họa sĩ, nhà sưu tầm và công chúng yêu mỹ thuật. Vấn đề căn cốt ở đây phải là chất lượng sáng tác và khả năng thương mại, nhưng hai vấn đề này phần lớn lại không song hành.

Để xử lý tận gốc vấn đề này, cần có khung khổ pháp lý, cho dù rất nhiều vấn đề thuộc thị trường hoạt động nghệ thuật và mỹ thuật khá mới mẻ ở Việt Nam. Chẳng hạn câu chuyện bản quyền hoặc nguồn gốc tác phẩm... Tuy nhiên, những quy định cụ thể cần phải như thế nào; chính sách thuế và hỗ trợ thị trường mỹ thuật phát triển một cách thực chất, đúng hướng cũng như hỗ trợ cộng đồng họa sĩ ra sao; cơ chế phối hợp liên ngành của các cơ quan chức năng (như công an, hải quan, vận chuyển, xuất nhập khẩu tác phẩm nghệ thuật) thế nào?... hiện đang là những vấn đề còn bỏ ngỏ. Vì thế, chúng ta cần hoạch định một lộ trình và có những bước thực hiện cụ thể để sớm minh bạch thị trường mỹ thuật.

QUANG ĐÔNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/44498802-minh-bach-thi-truong-my-thuat.html