Minh bạch thị trường bất động sản

Từ đầu năm đến nay, giá bất động sản (BĐS) tăng từ phân khúc chung cư, đất nền, thổ cư... ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, khiến nhiều nhà đầu tư, người dân bị cuốn vào những 'cơn sốt' đất đầy rủi ro, đồng thời gây thêm khó khăn về thu hút đầu tư và nhà ở cho người thu nhập thấp.

Lý giải về hiện tượng trên, Bộ Xây dựng đưa ra hàng loạt lý do: Dân số tăng, nguồn cung chưa kịp đáp ứng công nghiệp hóa, đô thị hóa; dòng vốn đầu tư chuyển dịch vào BĐS; chi phí đầu vào dự án BĐS tăng khiến giá thành sản phẩm tăng theo... và các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng 10 -15% so với năm 2020.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế chỉ ra, việc tăng giá đất chỉ làm tăng giá thành BĐS nhà ở khoảng 1,5-5%. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng “sốt” đất là do giới đầu cơ BĐS lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị..., gây nhiễu loạn thông tin để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính.

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, dù nhà, đất tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau. Đa phần các “cơn sốt” đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua, khiến giá bị đẩy lên cao do nguồn cung có hạn. Hiện tượng này dễ trở thành “sốt” đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi. Trong các “cơn sốt” đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời.

Hiện tượng trên có thể thấy rõ qua các “cơn sốt” đất tại các huyện thuộc thành phố Hà Nội, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), huyện Hớn Quản (Bình Phước), huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), huyện Đức Hòa (Long An)... “Mô típ” quen thuộc của những “cơn sốt” đất ảo đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, hay các đại đô thị của các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch triển khai.

Thông qua lực lượng “cò đất” hùng hậu, giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật bởi những người này không có nhu cầu sử dụng đất. Đây thực chất là cuộc chơi của nhiều nhóm “đầu cơ” nắm bắt tay nhau. Họ là những người tạo ra “cơn sốt”, đẩy giá đất đạt đỉnh, chốt lời rồi rút lui, để lại hậu quả cho những người bị cuốn theo khi giá đất xuống đáy.

Hệ lụy sau những “cơn sốt” đất là người dân địa phương vì chạy theo “cơn sốt” mà bán đi những mảnh đất vốn là nguồn sinh kế nuôi sống họ, phải đi làm thuê trên chính vườn, ruộng đã từng sở hữu.

Bộ Xây dựng cũng thừa nhận tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi đang khiến tình trạng “sốt” đất ảo diễn ra phức tạp ở một số địa phương. Trong khi hệ thống pháp luật về quản lý thị trường BĐS nói chung và quản lý hoạt động môi giới BĐS nói riêng chưa hoàn thiện; một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập đã ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường và chống đầu cơ BĐS.

Rõ ràng, môi giới BĐS chưa minh bạch là nguyên nhân chính tạo nên các “cơn sốt” đất, giá ảo và bong bóng BĐS. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi đổ lỗi cho “cò đất”, đầu nậu làm loạn giá nhà đất, cơ quan quản lý liên quan cần xem lại trách nhiệm của chính mình.

Thay vì tìm cách xử lý đầu cơ, giải pháp để ổn định thị trường BĐS hiện nay là các địa phương phải công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, dữ liệu về nhà ở để nhà đầu tư, người dân dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho thao túng, gây nhiễu loạn thị trường BĐS.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/minh-bach-thi-truong-bat-dong-san-post438111.html