Minh bạch – tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Ngày 3-8, Báo Nhân Dân phối hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Diễn đàn 'Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững và minh bạch', nhằm tạo niềm tin thu hút nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán có rơi quá đà?

Từ đầu năm 2018, đa phần các công ty chứng khoán (CTCK) đều lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2018 với mức tăng từ từ, ổn định đưa VN Index xoay quanh ngưỡng 1.100 điểm. Theo các CTCK, động lực tăng trưởng của thị trường đến từ sự quyết liệt thoái vốn, IPO doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cơ hội nâng hạng thị trường và đà tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, trong quý I-2018 và năm phiên giao dịch đầu tháng 4, VN Index đã có mức tăng khá nóng, từ 984,24 điểm tại thời điểm cuối năm 2017 lên mức 1.204,33 điểm tại phiên giao dịch ngày 9-4-2018 (vượt xa đỉnh cũ được thiết lập ở mức 1.170 điểm năm 2007). Chính vì vậy, ngay phiên giao dịch sau đó (10-4), chỉ số VN Index đã quay đầu sụt giảm mạnh, kéo dài cho đến phiên giao dịch ngày 11-7 khi đóng cửa thị trường ở mức 893,16 điểm (giảm hơn 25,8%). Sự biến động giảm mạnh trong khoảng thời gian trên khiến cho cho nhà đầu tư bị thua lỗ, rút vốn ra khỏi TTCK, còn số ở lại thì tâm lý trở nên khá dè dặt trong việc “đổ tiền” vào thị trường.

Giới phân tích cũng đã đưa ra nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến TTCK trong thời gian qua như FED tăng lãi suất, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác leo thang khiến cho chỉ số thị trường chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm. Thị trường trong nước thiếu vắng thông tin hỗ trợ trong khi MSCI chưa xem xét nâng hạng đối với TTCK Việt Nam; nhà đầu tư nước ngoài duy trì đà bán ròng qua hình thức khớp lệnh thị trường cổ phiếu liên tiếp từ tháng 2 cho đến nay.

Tại diễn đàn, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc TTCK giảm sút trong thời gian vừa qua là thị trường tăng mạnh trong năm 2017 và đầu năm 2018 đã tạo ra tâm lý chốt lời cho các nhà đầu tư nên các nhà đầu tư sẽ bán ra để hiện thực lợi nhuận. Mặt khác, việc TTCK sụt giảm gần đây đã nằm trong dự báo của các công ty chứng khoán và tổ chức đầu tư chuyên nghiệp trên TTCK Việt Nam. Với diễn biến thị trường tăng quá nóng thì sự điều chỉnh từ đầu tháng 4 cho đến giữa tháng 7 là cần thiết để thị trường tìm điểm cân bằng.

Từ phiên giao dịch chứng khoán ngày 12-7 cho đến nay, tín hiệu phục hồi của TTCK khá rõ ràng khi VN Index đã bứt phá từ vùng đáy dưới 900 điểm lên gần 960 điểm (phiên 3-8-2018), thanh khoản trên cả hai sàn HOSE và HNX đã đạt trên 5.000 tỷ đồng/phiên tăng mạnh so với nửa đầu tháng 7 chỉ đạt hơn 3.900 tỷ đồng/phiên. Với sự phục hồi trở lại của TTCK dù chỉ hơn nửa tháng nhưng phần đã mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Theo ông Phạm Thiên Quang, Trưởng Bộ phận Ngành và Cổ phiếu, Công ty Chứng khoán MB, hiện nay, kinh tế thế giới tiếp tục trong xu hướng tăng trưởng tích cực tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc hỗ trợ tốt cho các thị trường tài sản, đặc biệt là TTCK. Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP 6,81% trong 2017 và kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng khá trong năm 2018. Chính vì vậy, TTCK trong quý III và IV-2018 vẫn còn khả năng tăng trưởng nhờ động lực của nhà ĐTNN và nguồn vốn trong nước, trên nền tảng tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô và sự tăng trưởng tốt của các doanh nghiệp niêm yết.

Phát triển TTCK bền vững - mục tiêu của cơ quan quản lý

Tham luận tại diễn đàn, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – UBCKNN) cho biết, thời gian qua, chúng ta đã phát triển được một TTCK phát triển nhanh, khá đồng bộ về cơ cấu. Trong đó, nổi trội nhất đó là TTCK đã thể hiện được chức năng huy động vốn cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp. Tính đến tháng 6-2018, TTCK đã giúp doanh nghiệp và Chính phủ huy động hơn 2,1 triệu tỷ đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau. Giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu cộng lại đã đạt xấp xỉ 100% GDP. Mặt khác, cho đến nay chất lượng “hàng hóa” trên thị trường đã được cải thiện thông qua các chuẩn mực về quản trị công ty (QTCT), công bố thông tin (CBTT), chế độ báo cáo của công ty đại chúng (CTĐC), với nhiều quy định hướng tới thông lệ quốc tế và nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp.

Theo bà Tạ Thanh Bình qua quá trình thanh, kiểm tra, cũng như qua các cuộc bình chọn Báo cáo thường niên hàng năm cho thấy doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến vấn đề CBTT, chất lượng về QTCT cũng như độ tin cậy của hệ thống báo cáo tài chính trong những năm gần đây đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh nguồn cung hàng hóa trên TTCK được tăng nhanh thông qua việc ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó Nghị định đã thể chế hóa và đẩy nhanh công tác đăng ký giao dịch, niêm yết của các doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH) và CTĐC trên TTCK, góp phần công khai công tác CPH DNNN đến đông đảo công chúng đầu tư, đồng thời việc gắn công tác CPH với đăng ký giao dịch đã đưa TTCK Việt Nam tiếp cận với thông lệ quốc tế. TTCK cũng có nhiều các sản phẩm mới giúp đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán và tăng cơ chế phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư.

Thời gian qua, các chính sách cũng tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức thông qua việc ban hành nhiều văn bản pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán, nhằm hướng tới cầu đầu tư dài hạn trên thị trường vốn.

Theo Bà Tạ Thanh Bình, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ có một số giải pháp chính gia tăng chất lượng tăng trưởng cho thị trường, hướng tới mục tiêu TTCK phát triển ngày càng bền vững, công khai, minh bạch như sau: Sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán theo hướng giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường; nâng cao chất lượng QTCT; CBTT; tạo cơ chế xử lý CTCK hoạt động kém hiệu quả và thúc đẩy tổ chức kinh doanh chứng khoán phát triển; bổ sung cơ chế bảo vệ nhà đầu tư; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường (nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, quản lý và ngăn chặn việc lách luật thông qua chào bán riêng lẻ). Đa dạng và nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh công tác CPH, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn nghiệp vụ chào bán, phát hành theo phương pháp dựng sổ (book building). Tăng cường kiểm tra, đặc biệt là giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn trước khi đăng ký giao dịch và niêm yết; giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty. Khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về công bố thông tin báo cáo tài chính theo IFRS; các chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế; Phát triển cơ sở nhà đầu tư, thu hút vốn ĐTNN; nâng hạng TTCK Việt Nam và tăng cường tính minh bạch của TTCK.

MAI THƯ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chungkhoan/chungkhoan-chinhsach/item/37210402-minh-bach-%E2%80%93-tao-niem-tin-cho-nha-dau-tu.html