Minh bạch Quỹ phòng chống thiên tai

Ngày 9/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 37 và cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Dự báo thiên tai “đủ độ tin cậy”

Trước tình trạng gia tăng quy mô, loại hình, tần suất và diễn biến bất thường của thiên tai, thiệt hại ngày càng lớn (mỗi năm ở Việt Nam có tới trên 400 người bị thiệt mạng, thiệt hại vật chất chiếm tới 1,5% GDP, hạ tầng kỹ thuật bị phá hủy nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh kế, cuộc sống người dân), việc sửa đổi Luật được đánh giá là cần thiết. Qua đó, bảo đảm tính chủ động trong phòng chống thiên tai, tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các Chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam...

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Các quy định trong Dự Luật cũng được nhận định là bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, một trong những điểm đáng chú ý là quy định về thông tin dự báo, Dự Luật đề xuất sửa thành “thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, đủ độ tin cậy” (theo Luật hiện hành quy định là “thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, chính xác”).

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, cụm từ “đủ độ tin cậy” thể hiện cấp độ thấp hơn “chính xác” và băn khoăn tại sao lại sửa đổi như vậy khi khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, hỗ trợ rất nhiều trong công tác dự báo. Đồng thời đặt vấn đề nếu dự báo sai do nguyên nhân chủ quan (có thể xác định được) thì người dự báo chịu trách nhiệm gì vì thực tế đôi khi “dự báo quá cho an toàn” dẫn đến ảnh hưởng công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc thay thế cụm từ trên “không phải là bước lùi” và “trước đây dùng từ “chính xác” là không chính xác. Nước ngoài cũng chỉ nói “đủ độ tin cậy”. “Dùng từ “chính xác” dễ mất lòng tin với người dân vì người ta bảo ông dự báo thế sao lại không hoàn toàn như thế.

Cụm từ “đủ độ tin cậy” là ý kiến của Bộ TN&MT và chúng tôi thấy hợp lý nên đưa vào dự thảo, không phải giảm tông để giảm trách nhiệm” - Bộ trưởng cho biết. Đồng thời cũng nhấn mạnh do biến đổi khí hậu nên vừa qua nhiều hiện tượng thời tiết rất khó dự báo chính xác.

Bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở T.Ư

Một vấn đề khác được quan tâm trong Dự Luật là bổ sung quy định định về Quỹ phòng, chống thiên tai ở T.Ư để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách Nhà nước kịp thời, đúng quy định. Không tổ chức thu quỹ; sử dụng bộ máy hiện có của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai để quản lý và đảm bảo nguyên tắc không làm tăng biên chế.

Cơ quan thẩm tra Dự Luật là Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cũng tán thành việc cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở T.Ư để có thêm nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đề nghị làm rõ nguồn thu của Quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật Ngân sách Nhà nước; việc điều chuyển giữa Quỹ T.Ư và Quỹ địa phương…

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: "Huy động quỹ nên tập trung vào một đầu mối. Việc vận động, tiếp nhận, phân phối các khoản quyên góp cứu trợ cũng phải thống nhất đầu mối và tôi được biết MTTQ Việt Nam cũng đang đề nghị làm rõ trách nhiệm theo hướng họ không chịu trách nhiệm chính".

Một số ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành quan điểm thống nhất đầu mối để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch trong công tác cứu trợ; quy định chặt chẽ để tránh huy động quỹ tràn lan.

Bày tỏ quan điểm cần có quỹ này nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, phải nghiên cứu báo cáo giám sát về các quỹ ngoài ngân sách vừa qua để phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế điều hòa để đảm bảo sự công bằng giữa những nơi có nguồn thu, mức sống trung bình của người dân cao nhưng ít xảy ra thiên tai so với nơi thường xuyên phải chịu thiên tai, nơi khó khăn.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/minh-bach-quy-phong-chong-thien-tai-352093.html