Minh bạch nửa vời?!

Mới đây, tôi tham gia đoàn công tác đến thăm, tặng quà cán bộ, nhân dân địa phương X. Đây là địa bàn đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng giao thông cũng như điều kiện kinh tế-xã hội. Bởi cái khó đó mà nhiều năm qua, địa phương này luôn nhận được tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của nhiều cơ quan, đoàn thể chính trị, xã hội, các nhà hảo tâm và tổ chức từ thiện trong cả nước.

Không nằm ngoài mục đích đó, lần này khi đến thăm địa phương X, đoàn công tác chúng tôi mang theo nhiều phần quà thiết thực với tình cảm, mong muốn san bớt một phần khó khăn, vất vả của cán bộ, nhân dân nơi đây. Trong lịch trình của đoàn, nhiều phần quà cụ thể đã được trao tận tay các đối tượng, như: Sách vở tặng các em nhỏ đang tuổi đến trường; công cụ sản xuất tặng các gia đình nghèo nhằm hỗ trợ sản xuất; nhiều máy vi tính được gửi đến tận bàn làm việc của cán bộ, nhân viên ở một số cơ quan địa phương... Thế nhưng, vì thời gian không cho phép, số lượng quà khá lớn nên một số quà tặng người dân được đoàn công tác “gửi lại” cơ quan chức năng địa phương với niềm tin tưởng: Các phần quà sẽ đến tận tay người dân vào thời điểm thích hợp.

Thế nhưng, trước khi đoàn công tác đi khỏi địa phương, vài người trong số chúng tôi quyến luyến nán lại để chia tay người dân thì vô tình biết được đôi ba câu chuyện tương đối nhạy cảm xoay quanh chuyện tặng quà và nhận quà ở nơi đây. Ấy là thực tế, địa phương được đón rất nhiều đoàn công tác tới thăm và tặng quà, nhưng không phải cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cũng nhận được quà, dù họ là đối tượng thụ hưởng. Hỏi ra mới biết, chỉ những phần quà có địa chỉ rõ ràng mới thực sự đến tận tay người nhận; còn quà gửi chung cho dân thì việc phân phối thường hay bê trễ, thiếu công bằng; thậm chí quà tặng “không cánh mà bay”...

Trên đường trở về đơn vị, suốt hành trình dài, tôi cứ tự vấn bản thân: Vì đâu mà ngay cả cái chuyện giúp dân ý nghĩa cũng gặp trở ngại đáng buồn như vậy? Tự đặt câu hỏi, rồi tôi tự suy luận: Có lẽ, một phần lỗi của thực tế này là do cơ quan, đoàn thể đi giúp dân còn xem nhẹ công tác tổ chức; thậm chí thiếu khảo sát, chưa nắm chắc danh sách, hoàn cảnh từng đối tượng; chưa hiểu điều dân muốn, cái dân cần... đã vội vàng hỗ trợ theo kiểu phát động đại trà, cốt được nhiều là tốt. Cùng với đó, nguyên nhân quan trọng khác là do công tác quản lý, điều hành của cơ quan chức năng địa phương vẫn còn nhiều yếu kém, khuyết điểm, nhiều điều khuất tất. Và trong câu chuyện “chung-riêng”, chẳng biết những người thực hiện “sứ mệnh cầu nối” nhân đạo giữa tổ chức từ thiện với người dân có thật sự công bằng, công tâm; hay nguyên do đâu mà quà tặng cứ "không cánh mà bay" và chẳng đến được với dân?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Rõ ràng, làm gì để minh bạch hóa kết quả công tác hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng đặc biệt khó khăn cũng là phần việc cần sớm quan tâm tiến hành trong thời gian tới. Thậm chí, khi cần thiết phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để làm trong sạch hóa, lành mạnh hóa hoạt động giúp dân hiện nay.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/minh-bach-nua-voi-538896