Minh bạch nguồn gốc cho nông sản: Cần nhân rộng xây dựng mã số vùng trồng

Thời gian qua, Đồng Nai khá chú trọng hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho nhiều loại nông sản thế mạnh của địa phương. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu hiện nay.

Trái xoài của Đồng Nai thuộc tốp đầu về diện tích được cấp mã số vùng trồng với 1,8 ngàn ha. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Trái xoài của Đồng Nai thuộc tốp đầu về diện tích được cấp mã số vùng trồng với 1,8 ngàn ha. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Ngay cả thị trường lâu nay được xem là dễ tính như Trung Quốc cũng siết chặt kiểm dịch và các quy định về tem nhãn truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng cũng như mã số cơ sở đóng gói tại Việt Nam…

* Nhiều nông sản đã có mã số

Việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất được nguồn gốc nông sản được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản vì giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng.

Để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất chuyển theo hướng an toàn, tập thói quen ghi nhật ký sản xuất… Do chương trình đang trong giai đoạn thí điểm trước khi nhân rộng nên nông dân đang được hỗ trợ khi tham gia chương trình này.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) chia sẻ, vùng chuyên canh xoài của địa phương được chọn làm thí điểm cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Tham gia chương trình, nông dân được hỗ trợ rất nhiều, nhất là về kinh phí thực hiện.

“Nhờ đăng ký và được cấp mã số vùng trồng, trái xoài Suối Lớn mới đủ điều kiện xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Có mã số vùng trồng, thương hiệu trái xoài Suối Lớn cũng được cả thị trường nội địa và xuất khẩu nhận biết tốt hơn. Thời gian qua, rất nhiều đối tác đã về làm việc với HTX nhằm xuất khẩu trái xoài vào những thị trường khó tính như: Úc, Nhật Bản…” - ông Bảo nói.

Theo Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 6,3 ngàn ha diện tích cây ăn trái được cấp 87 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và nhiều nước khác. Trong đó, toàn tỉnh có trên 6,1 ngàn ha cây ăn trái chủ lực của Đồng Nai như: xoài, chôm chôm, mít, thanh long… được cấp 73 mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, có 169ha các loại cây ăn trái như: xoài, chôm chôm, chanh không hạt đã được cấp 14 mã số vùng trồng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Nhật Bản…

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh cho biết, việc cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Theo đó, Đồng Nai đang tiếp tục tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương.

* Vẫn khó nhân rộng

Tuy được hỗ trợ về kinh phí thực hiện nhưng để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất… Trong khi đó, hiện nông sản vẫn chủ yếu bán cho thương lái và sản phẩm có mã số vùng trồng chưa được quan tâm đúng mức đang là rào cản cho việc nhân rộng chương trình này.

Ông La Quốc Thanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác xoài Phú Quý 2 (xã La Ngà, H.Định Quán) cho biết, quy trình thực hiện cấp mã số vùng trồng rất chặt chẽ. Theo đó, tổ hợp tác có 27 thành viên đăng ký tham gia nhưng chỉ có 25 thành viên đạt yêu cầu với 25ha xoài đã được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào những thị trường khó tính như: Úc, New Zealand...

Theo ông Thanh, hiện những nông dân được cấp mã số vùng trồng phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch, phải thực hiện bao trái xoài và ghi nhật ký sản xuất nên tốn nhiều công và chi phí hơn. Khó khăn nhất hiện nay với nông dân là trái xoài sạch đủ chuẩn xuất khẩu vẫn chủ yếu bán cho thương lái với giá hàng thường, họ cũng không mấy quan tâm đây là trái xoài sạch đã có mã số vùng trồng.

Đây cũng là rào cản lớn nhất khiến nhiều nông dân chưa mặn mà đăng ký xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản. Tuy diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong thời gian gần đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng diện tích trên 63 ngàn ha cây ăn trái của tỉnh.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202007/minh-bach-nguon-goc-cho-nong-san-can-nhan-rong-xay-dung-ma-so-vung-trong-3011177/