Minh bạch hơn với các dự án BT

Trên thế giới, đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) là một hình thức được áp dụng phổ biến, mang lại nhiều tính năng ưu việt cho đất nước, người dân cũng như cả khả năng lợi nhuận cho chính nhà đầu tư là các doanh nghiệp. Ở nước ta, đầu tư BT cũng đã được áp dụng triển khai từ nhiều chục năm qua. Tuy nhiên, ngoài những mặt được, các dự án đầu tư BT cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập… cần nhìn thẳng vào đó mà chấn chỉnh, điều chỉnh.

Nhiều lợi ích nhóm đã được hình thành xung quanh dự án BT.

Nhiều lợi ích nhóm đã được hình thành xung quanh dự án BT.

Không quá khó để chỉ ra rằng nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT tại nhiều tỉnh thành dính đến tai tiếng, tiêu cực. Chẳng hạn, ở thành phố Hà Nội trong thời gian qua, có ít nhất 05 dự án BT bị “lật tẩy” những vấn đề chưa đúng với mục tiêu ban đầu. Ví như như Dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương (điểm cuối nối với đường 70) do nhà đầu tư là Công ty cổ phần TASCO thực hiện. Mặc dù được chỉ định nhưng TASCO phải tới gần 10 năm mới thực hiện xong. Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến là trên 1.543 tỷ đồng chưa kể lãi vay, lãi chậm thanh toán, chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá, tiến độ thực hiện 36 tháng (tức 3 năm).

Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác như Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh đã rất ưa chuộng phương thức đầu tư theo hình thức BT. Và thực tế cho thấy, hình thức kêu gọi vốn đầu tư này đã khiến cho nhiều công trình giao thông, nhiều dự án lớn được mọc lên. Và ở Việt Nam, loại hình BT phổ biến hiện nay là đổi đất lấy hạ tầng, các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và địa phương thay vì trả tiền thì trả cho nhà đầu tư một diện tích đất. Tuy nhiên hình thức chỉ định thầu này bộc lộ quá nhiều tiêu cực, nhất là câu chuyện tranh tối tranh sáng để ăn chia, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Tại Dự án BT xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra rằng, TASCO đã tính toán, áp dụng chưa đúng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí của nhiều hạng mục; tính toán, bóc tách thiếu chính xác và thừa nhiều khối lượng; đưa thêm nhiều hạng mục theo tỷ lệ bất hợp lý làm tăng tổng mức đầu tư thêm 39,468 tỷ đồng.

Trong một động thái gần đây nhất, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Ngân hàng Nhà nước một lần nữa lại ra văn bản kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng TCTD theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém). Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông;…

Theo kết quả kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT trong năm 2017 thì hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách. Phần lớn thời điểm bàn giao đất để thanh toán không đảm bảo việc ngang giá

Như vậy có thể thấy rằng, các dự án đầu tư BT đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du từng chỉ rằng, phương thức hàng đổi hàng nói chung có vấn đề là hai lần không minh bạch. Phương thức này thường là chỉ định thầu để chọn nhà đầu tư (mà thực chất là nhà thầu hay tổng thầu) gần như toàn quyền trong việc thiết kế và thi công nên khả năng khai khống khối lượng là rất cao, nhất là khi có sự cấu kết hay móc ngoặc giữa chủ đầu tư và những cán bộ công chức có liên quan. Đây là phương thức chỉ định thầu kèm với các điều kiện hào phóng cho nhà thầu. Và lần không minh bạch thứ hai là việc xác định giá trị đất để trao đổi. Cả người giao đất lẫn người nhận đất đều có thể dàn xếp cùng nhau để hạ giá đất. Rất nhiều lợi ích nhóm được hình thành xung quanh dự án BT. Bản thân các doanh nghiệp khi đầu tư dự án, vẽ chương trình, đội vốn trong khi đó chưa có quy định rõ ràng về xác định giá trị đất đem đổi trong dự án BT, đây là khoảng trống lớn, khiến giá đất bị định giá thấp hơn giá thị trường. Gần như cả trăm miếng đất khi được đem đổi cho nhà đầu tư rẻ như bèo nhưng vừa bàn giao xong đã bị chính các chủ đầu tư thổi giá chóng mặt, gấp nhiều lần so với định giá lúc đầu. Hơn nữa, hiện cũng có rất nhiều dự án BT đã không thực hiện đúng tiến độ dẫn đến nhiều dự án bị treo, khiến các quy hoạch bị phá vỡ.

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/minh-bach-hon-voi-cac-du-an-bt-tintuc412281