Minh bạch đấu giá nghệ thuật

Gần đây, sự xuất hiện của các sàn đấu giá nghệ thuật đã góp phần thúc đẩy thị trường nghệ thuật phát triển. Tuy nhiên, sau những lùm xùm vừa qua thì sự minh bạch trong công tác thẩm định đang đặt ra nhiều hoài nghi.

Một phiên đấu giá của Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn.

Tháng 5/2016, buổi đấu giá nghệ thuật chính thức đầu tiên được tổ chức bởi Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt tại Hà Nội. Cùng với đó, Luật Ðấu giá tài sản, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 trở thành công cụ pháp lý đắc lực hỗ trợ cho tính xác tín của các phiên đấu giá mỹ thuật. Ngay sau sự khởi động trên, các sàn đấu giá mỹ thuật ở Hà Nội, TP HCM đã lần lượt ra đời.

Thế nhưng, những “sai phạm”, biến tướng đã xuất hiện ở hoạt động mới mẻ này. Thực tế không phải đợi dư luận xôn xao khi vụ giả mạo chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương bị phát hiện trên sàn đấu giá Chọn, mà trước đó đã có nhiều sự việc xảy ra. Ngay phiên đấu giá đầu tiên do Công ty CP bán đấu giá Lạc Việt tổ chức người thắng cuộc cặp chóe Tứ Linh ở mức 6 tỷ 50 triệu đồng sau đó đã “bỏ trốn” và từ chối mua món đồ này. Gần đây nhất, vụ việc ông Nguyễn Phan Huy Khôi, người thắng cuộc trong vụ đấu giá bức tranh “Hạ Long” (ngày 25/6/2017, tại nhà đấu giá Chọn) với mức giá 35.000 USD (chênh lệch tới 29.000 USD so với giá khởi điểm) đã phải nhờ cộng đồng mạng xã hội “truy tìm” tác giả bức tranh này. Tuy nhiên, đây cũng không phải lần đầu tiên Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn gặp rắc rối trong hoạt động đấu giá.

Chỉ sau vụ việc bức tranh “Hạ Long” chưa đầy 1 tháng, bức “Phố cũ” được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái dù gây nhiều tranh cãi vẫn được Chọn đấu giá thành công với mức giá 12.500 USD. Không riêng gì Chọn, hoạt động đấu giá nghệ thuật của một số đơn vị, tổ chức khác thời gian qua cũng từng xảy ra không ít “sự cố” khiến dư luận phải lên tiếng về chuyện thật giả của tác phẩm được đem ra bán. Một câu hỏi được đặt ra là, nếu như không bị các họa sĩ phát hiện thì các đơn vị đấu giá vẫn thường tự xưng là cầu nối tin cậy giữa các nhà sưu tập, người yêu tranh với những tác phẩm mỹ thuật của các danh họa, các họa sĩ nổi tiếng đương đại... đã thực sự đảm bảo tính minh bạch.

Các nhà đấu giá có tự nhận ra là khả năng thẩm định tranh thật giả trước khi đưa lên sàn đấu giá của mình quá... có “chuẩn xác” hay không? Xung quanh câu chuyện này, theo họa sĩ Lê Thiết Cương, người đã từng tham gia vai trò giám tuyển tại một số phiên đấu giá cho rằng: “Trên lý thuyết, bán đấu giá tạo ra môi trường chính xác về chất lượng và giá cả. Nếu bạn đến gallery mua một bức tranh thì việc mua bán dễ bị thao túng bởi một vài cá nhân vì diễn ra trong môi trường riêng tư và hạn hẹp, do đó có khả năng bạn bị mua bức tranh với giá cao hơn giá trị thực. Còn ở một phiên đấu giá thì đó là ván bài ngửa, giá sẽ chính xác hơn”.

Tuy nhiên, theo họa sĩ Lê Thiết Cương, đó là trên lý thuyết, còn thực tế, tôi nhận thấy các phiên đấu giá đang có những biến dạng đáng lo ngại vì cả những lý do chủ quan và khách quan. Ở một phía khác, lại có hiện tượng nhà tổ chức cài người thân tham gia đấu giá để đẩy giá tranh lên (giá giả) hoặc mua giả để tự đánh bóng mình. Những trường hợp này rất khó chứng minh nhưng người trong nghề thì ai cũng biết. Chiêu thức lừa đảo nữa khá phổ biến là tạo dựng ra người sở hữu tranh gửi tham gia đấu giá với cam kết đây là những bức tranh trong sưu tập cá nhân cũng như cam kết họ là chủ sở hữu hợp pháp, điều hiển nhiên là không có gì bảo đảm rằng các bức tranh được đấu giá từ những sưu tập đó là thật…

“Đang có hiện tượng lợi dụng một hoạt động có bản chất minh bạch để làm chuyện không minh bạch. Điều này là vô cùng tệ hại khi mà hoạt động đấu giá nghệ thuật còn đang ở buổi bình minh, người mua rất cần lòng tin vào người bán, và người bán cũng kỳ vọng vào sự chân thành của người mua. Đổ lỗi cho ai thì cũng là việc dễ dàng hơn tìm ra cách khắc phục”- họa sĩ Lê Thiết Cương nói.

Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã ban hành các Thông tư về hoạt động giám định quyền tác giả, quyền liên quan; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết vừa hoàn thành Quy chế về hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh... Có thể thấy về cơ bản quy trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đã có một hệ thống văn bản, khung pháp lý cho hoạt động này. Tuy nhiên, thực tế hoạt động này vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, chịu sự điều tiết và chi phối của pháp luật. Bản thân các sàn đấu giá cần bảo vệ uy tín, danh dự của chính mình trước nạn tranh giả, tranh thật; cần công khai danh tính Hội đồng thẩm định. Bởi lâu nay, các vụ ồn ào về bản quyền mỹ thuật nhanh chóng “chìm xuồng” có căn nguyên của nó, là bởi việc đâm đơn kiện kéo theo thời gian, vật chất của người đi kiện.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cũng thừa nhận, theo thông lệ quốc tế, các nhà đấu giá phải công khai danh tính đội ngũ giám định, thậm chí chữ ký và tên tuổi của các nhà thẩm định. Đây còn là yếu tố then chốt để tạo nên uy tín cho nhà đấu giá. Không thể mập mờ nói rằng sợ ảnh hưởng đến danh dự mà không công bố danh tính. Quy trình và cách làm của Nhà đấu giá Chọn qua vụ việc này cũng cho thấy họ quá nghiệp dư. Điều này trước hết sẽ ảnh hưởng đến uy tín và sự tồn tại của họ trên thị trường mỹ thuật Việt Nam, khi hoạt động đấu giá còn quá non trẻ.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-tri/minh-bach-dau-gia-nghe-thuat-tintuc415999