Mìn tự chế - di sản của Soleimani ám ảnh quân đội Mỹ

Các loại mìn tự chế được các nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn dưới sự chỉ đạo của Soleimani sử dụng trên khắp Trung Đông, đặc biệt ở Iraq đã gây ra cái chết cho hàng trăm lính Mỹ.

Brian Castner, một kỹ thuật viên xử lý chất nổ kiểm tra chiếc xe bọc thép, phần lớn còn nguyên vẹn bên cạnh những lỗ thủng và những miếng đồng nóng chảy đã nguội. Những binh sĩ Mỹ bên trong chiếc xe đã bị tấn công gần thành phố Kirkuk, Iraq vào mùa hè năm 2006, Washington Post cho biết.

Những vũng máu sôi sục dưới ánh Mặt Trời ở Iraq, bên cạnh một người lính bị bỏ lại trong xe. “Vẫn còn một người trong Humvee”, Castner nói.

Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds tinh nhuệ đã trở thành mục tiêu bị Mỹ sát hại hôm 2/1, đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Nhưng điều đó đã tái hiện di sản của Soleimani ở Iraq, nơi chiến thuật và vũ khí tinh vi mà ông giám sát đe dọa quân đội Mỹ trong nhiều năm, khiến rất nhiều binh sĩ Mỹ chết và bị thương.

Đạn tự chế tinh vi

Chiếc xe mà Castner kiểm tra bị tấn công bởi loại đạn nổ lõm tự chế (EFP), còn gọi là đạn tự rèn, một vũ khí của kỹ thuật Iran được sử dụng trên chiến trường ở bất kỳ nơi đâu có phiến quân và chiến binh người Shiite do Iran hậu thuẫn ở các thành phố Sadr, Kirkuk và Baghdad của Iraq ông nói với tờ Washington Post vào ngày 3/1.

 Chuyên gia xử lý chất nổ Brian Castner cầm trên tay một thiết bị EFP vào năm 2006, khi ông còn tham chiến ở Iraq. Ảnh: Stripes.

Chuyên gia xử lý chất nổ Brian Castner cầm trên tay một thiết bị EFP vào năm 2006, khi ông còn tham chiến ở Iraq. Ảnh: Stripes.

Loại vũ khí này nhỏ gọn, nhưng rất mạnh mẽ được triển khai để chống lại các phương tiện bọc thép, tương tự như các loại mìn tự chế (IED), nhưng nguy hiểm và hiệu quả hơn nhiều, ông Castner cho biết.

Nó có hình dạng như một cốc cafe, nhưng nhỏ hơn một chút với phần đầu hơi lõm. Thiết bị được đóng gói bằng chất nổ dẻo để biến những miếng đồng thành viên đạn nóng chảy, xuyên qua vài centimet áo giáp, phát tán những mảnh vỡ nóng chảy xuyên qua cơ thể người và bộ phận của xe.

“Chúng thực sự rất đáng sợ”, Castner nói và cho đến nay nó là thiết bị nổ đáng sợ nhất mà ông từng gặp phải vì hiệu quả sát thương của chúng. Các EFP đã giết chết ít nhất 196 lính Mỹ, gần 900 người bị thương từ năm 2005-2011, các quan chức quốc phòng tiết lộ vào năm 2015.

Ông Castner cho biết thêm số lượng lớn các cuộc phẫu thuật cắt bỏ chân, tay của binh sĩ trong suốt cuộc chiến là kết quả trực tiếp từ vũ khí này. Trong một vụ tấn công bằng EFP vào năm 2006, những mảnh đạn đã lấy đi chân của một binh sĩ và xạ thủ, Castner viết trong cuốn hồi ký “Cuộc trường chinh”.

Những mảnh đạn hình thành từ vụ nổ có thể đạt tốc độ tới Mach 6, khoảng 2.000 m/s, Washington Post đưa tin, so sánh với viên đạn 12,7 mm từ súng bắn tỉa có tốc độ 900 m/s.

Loại mìn này có nguồn gốc từ Thế chiến II, nhưng các biến thể hiện đại EFP được Hezbollah sử dụng từ đầu những năm 1990 để chống lại Israel, trước khi được sử dụng ở Iraq vào năm 2004, theo lịch sử chiến tranh quân đội Mỹ.

Mạng lưới do lực lượng Quds xây dựng

Trong lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng Quds tinh nhuệ do tướng Soleimani lãnh đạo đã cung cấp đào tạo, hậu cần cho các chiến binh ở Iraq, cùng các tuyến đường, nhà máy cung cấp EFP trên khắp Iraq.

Cơ chế hoạt động của EFP cho thấy sự nguy hiểm của nó. Đồ họa: Lee Hulteng, Judy Treible.

Kiến thức và kinh nghiệm chế tạo EFP được lưu trữ trong các đĩa CD-ROM truyền tay nhau giữa các nhà chế tạo bom. Những quả bom được ngụy trang trong các khối xốp được tạo ra giống như lề đường và đá, kèm theo cảm biến hồng ngoại thụ động có biệt danh “Con mắt Allah”.

Các nhà chế tạo bom được Iran hỗ trợ kỹ thuật cũng rất sáng tạo trong việc đánh bại các biện pháp đối phó của Mỹ. “Chúng tôi thực sự không tin rằng những kẻ này có khả năng tạo ra loại vũ khí như vậy. Chúng tôi đã đánh giá thấp họ”, một quan chức quốc phòng cấp cao nói với Washington Post vào năm 2007.

Mỹ đã chi hàng tỷ USD để đối phó với IED, nhưng các vụ tấn công chết người vẫn tiếp tục sau khi các biện pháp gây nhiễu tín hiệu vô tuyến được sử dụng để kích nổ thiết bị và các biện pháp khác tỏ ra không mấy tác dụng.

Military Times cho biết các vụ tấn công bằng EFP tăng lên đỉnh điểm vào năm 2008 với khoảng 300 trường hợp tử vong liên quan đến vũ khí Iran. Hàng trăm nạn nhận và thành viên gia đình bị thiệt hại do vũ khí Iran đang kiện lên tòa án liên bang, vì vai trò của Tehran trong việc triển khai các vũ khí này.

Hoạt động của lực lượng Quds ở Iraq đã vươn xa hơn những con đường rải đá với EFP và ảnh hưởng của Soleimani in sâu vào nhiều dân quân Shiite đã chiến đấu với quân đội Mỹ, như dân quân Mahdi của Muqtada al-Sadr, vị giáo sĩ đã kêu gọi tái hoạt động sau cái chết của Soleimani.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/min-tu-che-di-san-cua-soleimani-am-anh-quan-doi-my-post1032650.html