Mịn Blogger: 'Đừng đợi già mới chống lão hóa!'

Mịn Blogger: 'Đừng đợi già mới chống lão hóa!'

Chào Hải, bạn có cho rằng khoảng thời gian chờ đợi giữa các bước chăm sóc da là thật sự cần thiết hay không?

Tôi nghĩ là rất cần. Sự giãn cách giữa các bước chăm sóc da giúp sản phẩm kịp thẩm thấu và tránh gây hiện tượng lợn cợn do sự xung đột giữa thành phần của sản phẩm này với sản phẩm kia.

Thời gian giãn cách bao lâu phụ thuộc vào độ pH và kết cấu sản phẩm. Ví dụ, sản phẩm dạng dầu cần massage trên da lâu hơn. Các sản phẩm chứa BHA cần đợi 15-20 phút (hoặc ngắn hơn nếu sản phẩm có công thức tốt, ổn định, hỗ trợ độ pH trở lại trạng thái cần thiết nhanh hơn). Vitamin C dạng L-Ascorbic acid cũng là thành phần cần thời gian hoạt động. Tôi không bao giờ bôi kem chống nắng ngay lập tức sau khi bôi vitamin C, mà luôn phải đợi từ 5 đến 10 phút.

Nếu bạn không thể nhớ được hết tất cả các con số này, ít nhất hãy đợi khoảng 3 phút để sản phẩm thẩm thấu hết, bề mặt da ráo mịn trước khi dùng sản phẩm tiếp theo.

Còn thời gian lý tưởng để chúng ta vỗ toner sau khi rửa mặt là bao lâu?

Về chuyện này thì tôi lại không đợi một giây phút nào cả. Trong phòng tắm của tôi luôn có một chiếc khăn bông sạch và toner dạng xịt. Rửa mặt xong, thấm khăn bông rồi ngay lập tức tôi xịt toner để cân bằng độ pH. Tiếp đó, tôi sử dụng toner có chứa acid để làm sạch da sâu hơn. Bạn nên nhớ rằng: 1 phút sau khi rửa mặt, độ ẩm trên da sẽ sụt giảm 40%, con số này sẽ tiếp tục tăng lên nếu bạn đợi lâu hơn. Vì vậy, hãy vỗ toner cho da sớm nhất có thể.

Độ tuổi nào là lý tưởng để phụ nữ sử dụng các sản phẩm chứa thành phần chống lão hóa chuyên biệt, chẳng hạn như retinol?

Mọi người thường nghĩ rằng retinol là thành phần chống lão hóa da dành cho độ tuổi xế chiều. Nhưng bác sỹ Murad từ lâu đã khẳng định: ngay từ khi 20 tuổi, lượng collagen trong da đã sụt giảm, ta nên dùng retinol ngay từ lúc này. Nếu bạn có gien lão hóa sớm do di truyền, da xuất hiện nếp nhăn từ năm 17-18 tuổi, thì lúc đó bạn cũng nên dùng retinol.

Tóm lại, độ tuổi trung bình để chúng ta bắt đầu dùng sản phẩm chống lão hóa là 20 tuổi. Bắt đầu ở nồng độ nhẹ 0,1% mỗi tuần 1 lần để da thích nghi, sau đó, quan sát tình trạng lão hóa da để tăng dần tần suất và nồng độ sử dụng theo thời gian.

Về Mịn
– Tên thật: Hồng Hải
– Tuổi: 23
– Theo học ngành Y học lâm sàng tại Đại học Y khoa – Đại học Hongkong
– Từng làm việc cho thương hiệu mỹ phẩm Dr.Plant tại
thị trường Trung Quốc
– Hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội, là chủ nhân blog làm đẹp mang tên Mịn Blogger

“Bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 tiếng đồng hồ” là lý thuyết mà hầu như ai cũng biết nhưng lại không phải ai cũng làm được vì nhiều lý do như: lười, bất tiện, cảm thấy không cần thiết. Bản thân Hải có tuân thủ nguyên tắc này không?

Không có loại kem chống nắng nào bảo vệ da được 100%. 98% là mức độ bảo vệ cao nhất và nó chỉ có thể duy trì nếu sau mỗi 2 tiếng bạn chịu khó bôi lại. Tôi không bao giờ để cho mức độ bảo vệ da giảm xuống 96%, 95% hay 93% để hắc tố melanin có cơ hội trồi lên bề mặt. Thậm chí có khi không cần đợi đến 2 tiếng, nếu tôi đi liên tục ngoài đường, da có hiện tượng đỏ và nóng ran lên, đồng nghĩa với việc kem chống nắng đã mất tác dụng rồi, tôi sẽ bôi lại ngay.

Những người làm việc trong văn phòng, không ở ngoài trời liệu có cần tuân thủ nguyên tắc này?

Cửa kính văn phòng không những không đủ an toàn mà thậm chí còn khiến bức xạ tia UV bị phóng đại lên nhiều lần. Bức ảnh về bác tài xế lái xe tải Bill Edward McElligott ở Mỹ với nửa mặt bên trái bị lão hóa gấp 3 lần so với nửa mặt bên phải do ngồi cạnh cửa sổ từng là một tiếng chuông báo động về tầm quan trọng của việc bôi kem chống nắng.

Và không kể đến ánh nắng thì ánh sáng xanh, tia hồng ngoại… từ các thiết bị điện tử trong văn phòng cũng khiến collagen dưới da bị đứt gãy. Tôi nghĩ phụ nữ công sở không nên chủ quan về việc này.

Sau mỗi lần bị dị ứng hay kích ứng, chúng ta cần chờ đợi bao lâu để tiếp tục dưỡng da như bình thường?

Nếu bị dị ứng, tôi sẽ bôi các loại thuốc chứa corticoid trong 2-3 ngày để điều trị trước, tùy vào tình trạng nặng hay nhẹ mà quyết định có dùng đến thuốc uống hay không. Còn nếu bị kích ứng mỹ phẩm đơn thuần, có thể dưỡng da luôn nhưng nên chọn các sản phẩm có khả năng tái tạo và làm dịu da: tẩy trang bằng nước micellar, dùng toner không chứa acid, dưỡng ẩm bằng các loại kem được bác sỹ chỉ định cho da đặc biệt nhạy cảm, bôi kem chống nắng vật lý thuần khoáng là tốt nhất. Sau khoảng 1 tuần thì có thể dưỡng da nhiều bước trở lại.

Tự nhận mình là một “con nghiện mặt nạ giấy” và thường mua hàng trăm chiếc để dành dùng dần cho cả năm, Hải quan niệm thế nào về tần suất đắp mặt nạ hợp lý? Liệu có giới hạn nào ở đây không?

Tự nhận mình là một “con nghiện mặt nạ giấy” và thường mua hàng trăm chiếc để dành dùng dần cho cả năm, Hải quan niệm thế nào về tần suất đắp mặt nạ hợp lý? Liệu có giới hạn nào ở đây không?

Nói về tần suất đắp mặt nạ giấy, người ta thường khuyên rằng “mỗi tuần đắp 2-3 lần”, nhưng theo tôi thì tần suất này lại phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của từng làn da. Trong những ngày đông Hà Nội, thời tiết rất hanh khô, độ ẩm xuống thấp, tôi thậm chí đắp 2 chiếc mặt nạ mỗi ngày, do da tôi có khả năng hấp thụ tốt như vậy; nhưng không có nghĩa là da bạn cũng có thể.

Thời gian lý tưởng để mặt nạ trên da là bao lâu?

Với mặt nạ rửa, tôi thường để 10-15 phút, mặt nạ giấy thì 15-20 phút, những loại đặc biệt nhiều dưỡng chất thì có thể để đến 30 phút. Việc có nên rửa mặt sau khi đắp mặt nạ hay không phụ thuộc vào dưỡng chất còn dư lại có khiến khuôn mặt bạn dính nhớp không. Tôi thường không rửa mà sẽ dùng toner để lau bớt đi.

Sản phẩm mà bạn sẽ không bao giờ dùng trên làn da mình là gì?

Tôi đã loại bỏ hết các sản phẩm tẩy rửa có gốc sulfate vì nó có thể khiến da bị mỏng đi, lộ mao mạch.

Cảm ơn Hải về những chia sẻ này.

Lời khuyên của Mịn

– Mặt nạ đất sét có khả năng làm sạch sâu và tẩy tế bào chết vật lý nên chỉ được phép đắp 2-3 lần/tuần, nếu nhiều hơn sẽ tước mất khả năng tự bảo vệ của làn da, khiến da nhạy cảm và dễ nổi mụn.

– Khi dùng sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học như AHA, BHA, bạn phải kiểm soát được tần suất sử dụng. Việc lạm dụng sản phẩm chứa acid sẽ khiến da bị mài mòn, lộ mao mạch, dễ kích ứng. Việc xử lý kích ứng sau đó sẽ rất gian truân.

– Nên tăng cường chống nắng dạng viên uống bên cạnh dạng kem bôi để bảo vệ da tối đa.

– Khi đi máy bay, nên chọn ghế ngồi ở lối đi để tránh tác động của tia UV nhiều nhất có thể.

– Ở môi trường có độ ẩm thấp (ví dụ: trên máy bay), làn da có xu hướng “thất thoát” nước. Việc đắp mặt nạ dạng “layers” lúc này sẽ giúp làn da tích trữ được độ ẩm tối đa. Cách làm: đắp lớp mặt nạ dưỡng ẩm thứ nhất, đợi 15 phút khi lớp này gần se lại, đắp tiếp lớp thứ hai.

Thực hiện: depweb

Nguồn Đẹp: http://dep.com.vn/min-blogger-dung-doi-gia-moi-chong-lao-hoa/