MiG-35 - 'Người canh giữ bầu trời' đa nhiệm

Ngày 26-1-2017, Viện nghiên cứu Mikoyan-Gurevich (RSK MiG), thuộc Tập đoàn Hàng không thống nhất (UAC) của Nga chính thức đưa tiêm kích đa năng hạng nhẹ MiG-35 ra mắt công chúng. Được trông đợi thay thế các tiêm kích hạng nhẹ cũ trong biên chế Không quân Vũ trụ Nga và được xuất khẩu, MiG-35 là sự nâng cấp các tính năng của dòng máy bay tiền nhiệm, thể hiện nhiều ưu điểm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ không phận…

Học thuyết thay đổi

Giai đoạn 1970-1980, không quân Liên Xô đưa vào trang bị hai dòng tiêm kích Su-27 và MiG-29. Su-27 có kích thước lớn, tầm bay xa, thiên về tấn công, còn MiG-29 nhỏ và rẻ hơn, chú trọng nhiệm vụ duy trì ô phòng không bảo vệ lực lượng mặt đất.

Với hai động cơ phản lực Klimov RD-33 mạnh mẽ, vận tốc leo cao tối đa của MiG-29 đạt tới 330m/giây, khoảng cách chạy đà tối thiểu chỉ 240m bảo đảm khả năng phản ứng nhanh. MiG-29 có thể cất, hạ cánh trên đường băng thô sơ, thậm chí trên đường bộ. Loại máy bay này còn được thiết kế hai động cơ nhằm tăng khả năng sống sót trong trường hợp một động cơ gặp sự cố hoặc bị bắn trúng, có thể được sửa chữa hoặc thay thế ngay tại sân bay dã chiến.

Từ thập niên 1980, học thuyết sử dụng tiêm kích chuyển dần sang “đa năng hóa”. Su-27 có khả năng tùy biến và tính đa nhiệm cao hơn, được phát triển thành nhiều dòng máy bay khác nhau. MiG-29 có nhược điểm radar và hệ thống điện tử yếu, có thế mạnh ở không chiến quần vòng nhưng kém ở tầm trung và xa. Khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất, mặt nước của tiêm kích rất hạn chế. Điều này khiến RSK MiG nỗ lực đưa ra các bản nâng cấp khắc phục, đồng thời gìn giữ các ưu điểm vốn có của dòng máy bay này.

Thích nghi với chiến tranh hiện đại

Phiên bản sản xuất mới của MiG-29 có định danh MiG-29M, sử dụng nhiều vật liệu mới. Biến thể hai chỗ ngồi MiG-29M2 có thêm vị trí cho sĩ quan điều khiển vũ khí, giúp giảm khối lượng công việc của phi công. Phiên bản MiG-29SMT được giới thiệu để nâng cấp các máy bay MiG-29 cũ, sử dụng công nghệ từ MiG-29M.

Máy bay tiêm kích đa nhiệm MiG-35. Ảnh: migavia.ru

Từ kinh nghiệm vận hành các phiên bản mới, RSK MiG đã cho ra đời tiêm kích đa nhiệm MiG-35, thuộc thế hệ “4++”, kết hợp ưu điểm khí động học linh hoạt của MiG-29 với các tiến bộ điện tử hàng không gần ngang với thế hệ 5 như F-22, Su-57. Phiên bản hai chỗ ngồi tương tự MiG-29M2 có định danh MiG-35D.

MiG-35 sử dụng rộng rãi vật liệu composite trong khung thân, giúp giảm diện tích phản xạ radar so với vật liệu hợp kim. Một số nguồn tin cho rằng, MiG-35 có bề mặt được phủ lớp hấp thụ sóng radar giống Su-57.

Hệ thống điện tử của MiG-35 được nâng cấp với radar Zhuk-AE sử dụng nguyên lý dịch pha điện tử chủ động (AESA) như các máy bay thế hệ 5. Tiêm kích còn được trang bị hệ thống trinh sát quang-hồng ngoại (IRST) OLS-UEM có thể phát hiện tín hiệu nhiệt của ống xả máy bay từ khoảng cách 55-90km, kể cả của máy bay “tàng hình” thế hệ 5.

MiG-35 sử dụng hai động cơ phản lực RD-33MK cải tiến, cho tốc độ tối đa 2400km/giờ và tùy theo yêu cầu có thể được bổ sung khả năng lái hướng lực đẩy (TVC), giúp tiêm kích có tính linh hoạt tương đương với các tiêm kích “siêu cơ động” hiện nay, như Su-35, Su-57. Nhà sản xuất Klimov tuyên bố, động cơ có tuổi thọ lên đến 4000 giờ bay.

Ngoài một khẩu pháo tự động 30mm trong thân, MiG-35 có thể mang các phiên bản hiện đại nhất của các dòng tên lửa không-đối-không (R-73, R-77); tên lửa không-đối-đất Kh-29; tên lửa chống radar/đối hạm Kh-31; rocket, bom có điều khiển và các thiết bị trinh sát, tác chiến điện tử, với tổng tải trọng lên tới 7 tấn. Khi cần bay đường dài, MiG-35 có thể mang tới ba thùng dầu phụ, cho tầm bay tối đa 3.100km, nếu được tiếp dầu trên không có thể lên tới 6.000km.

Tiêm kích phòng không tiềm năng

Kế thừa vai trò của MiG-29, MiG-35 vẫn giữ các đặc tính cơ động, phản ứng nhanh, phù hợp với sân bay dã chiến. Khả năng không chiến quần vòng cũng thích hợp hơn các tiêm kích cỡ lớn trong nhiệm vụ phòng không tại các địa bàn có không phận hẹp, địa hình phức tạp, hiệp đồng tác chiến cùng các phương tiện cảnh giới như các đài radar hoặc trinh sát điện tử, quang-hồng ngoại.

Khả năng linh hoạt của MiG-35 phù hợp với chiến thuật ẩn nấp, phục kích, đánh chặn. Tính dã chiến khiến MiG-35 có thể cất cánh từ các sân bay được ngụy trang, lợi dụng địa hình và diện tích phản xạ radar nhỏ để bay thấp tránh bị phát hiện, sau đó tăng tốc, vọt cao tấn công, đột phá đội hình và ép đối phương vào không chiến quần vòng, hoặc sử dụng khả năng leo cao chiếm độ cao, tấn công nhanh sau đó thoát ly chiến trường.

Nhà sản xuất RAC MiG tuyên bố, so với các phiên bản trước, MiG-35 có chi phí vận hành thấp hơn đến 2,5 lần. Khung thân và động cơ có thể được sửa chữa, bảo dưỡng tại chỗ. Thời gian vận hành trước khi phải đưa vào bảo trì cũng tăng lên. Ưu điểm trên cho tần suất bay cao hơn, nhiều phi công có thể thay phiên nhau thực hiện nhiệm vụ trên cùng một máy bay, bảo đảm hiện diện trên không của không quân. Tiêm kích có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, các chi tiết được nhiệt đới hóa để tăng độ tin cậy khi vận hành trong điều kiện nóng ẩm hoặc trên hàng không mẫu hạm.

Hiện tại, MiG-35 đang trải qua các thử nghiệm cấp nhà nước và dự kiến chính thức được đưa vào trang bị trong năm 2018. Tại triển lãm hàng không MAKS-2017 ở Nga, Giám đốc điều hành RAC MiG Ilya Tarasenko cho biết, loại máy bay tiêm kích này đang thu hút sự quan tâm từ “các thị trường ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh”. Giá bán của MiG-35 sẽ vào khoảng 40 triệu USD, trong khi đó giá một chiếc Su-35 trong biên chế không quân Nga là 65 triệu USD. Cộng với chi phí vận hành, bảo dưỡng thấp, tiêm kích đa nhiệm MiG-35 là lựa chọn cân đối giữa giá thành và tính năng so với các tiêm kích cỡ lớn.

ĐĂNG SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/mig-35-nguoi-canh-giu-bau-troi-da-nhiem-532404