MiG-21 là chiến đấu cơ an toàn nhất của Ấn Độ, không phải 'quan tài bay'

Vụ rơi tiêm kích MiG-21 Bison của Không quân Ấn Độ (IAF) hôm thứ Tư đã một lần nữa dấy lên những lời kêu gọi về việc cho nghỉ hưu đội máy bay từng là lực lượng tiêm kích tiền tuyến của đất nước, đã phục vụ Ấn Độ trong hơn 50 năm.

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi thay thế MiG-21, vốn là trụ cột của IAF bằng tiêm kích hạng nhẹ Tejas.

Theo một tuyên bố từ IAF, chiếc MiG-21 Bison bị rơi sau khi cất cánh thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu từ một căn cứ không quân ở miền trung Ấn Độ. Lực lượng này đã vận hành khoảng 872 tiêm kích MiG-21 kể từ lần đầu tiên chúng được biên chế vào những năm 1960.

Tiêm kích MiG-21 của Không quân Ấn Độ.

Tiêm kích MiG-21 của Không quân Ấn Độ.

Tiêm kích bản địa Tejas, được cho là sẽ thay thế loại tiêm kích cổ điển có từ thời Liên Xô để trở thành tiêm kích chủ lực của IAF, đã mất nhiều thập kỷ phát triển, buộc chính phủ phải tiếp tục vận hành máy bay MiG-21.

Ấn Độ hiện đang thúc đẩy nhanh quá trình mua sắm tiêm kích hạng nhẹ cây nhà lá vườn, mặc dù thời hạn để đáp ứng số lượng vào năm 2030 theo yêu cầu khó có thể đạt được.

Mặc dù hai phi đội Rafale của Pháp đang được dần đưa vào biên chế, với khoảng 21 chiếc MiG-29 và 12 chiếc Sukhoi-30MKI nữa được mua từ Nga, IAF vẫn cần những chiếc MiG-21 Bisons cổ điển cho đến thời điểm hiện tại.

Việc trang bị 83 tiêm kích Tejas dự kiến được chuyển giao trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 2024 đến tháng 12 năm 2028 dự kiến sẽ tạo ra sức mạnh đáng kể cho phi đội chiến đấu của IAF. Không quân Ấn Độ được cho là đã yêu cầu hơn 320 máy bay Tejas cùng với các biến thể của nó - Mk 1 và Mk 1A.

Các chuyên gia quân sự Ấn Độ đang nhiệt tình kêu gọi đưa Tejas thay thế máy bay MiG-21 thời Liên Xô, loại máy bay có tỷ lệ tiêu hao tăng đột biến trong những năm gần đây.

Nhưng điều thú vị là, ý niệm MiG-21 là 'quan tài bay' không hợp lý. Đáng ngạc nhiên là sau khi thực hiện một phân tích thống kê kỹ lưỡng về lịch sử của IAF, MiG-21 hóa ra là cỗ máy an toàn nhất trong kho của họ. Trên thực tế, nếu nhìn vào tỷ lệ tiêu hao của các máy bay IAF kể từ những năm 1960, MiG-21 đứng cuối.

Phân tích chỉ ra rằng vì dòng máy bay này được mua sắm với số lượng lớn hơn nhiều (872 chiếc) so với những loại khác, nên tỷ lệ tai nạn cũng có vẻ rất cao. Phương tiện truyền thông đưa tin quá nhiều về các vụ tai nạn khiến chiếc máy bay cổ được chú ý nhiều hơn, và điều này làm hình thành một câu chuyện tai hại về độ an toàn và khả năng chiến đấu của nó.

Theo dữ liệu do Airpowerasia.com tổng hợp, nếu tính tỷ lệ phần trăm tổn thất hàng năm của các máy bay IAF, MiG-21 đứng cuối với tỷ lệ tiêu hao thời bình chỉ 0,55% trong 58 năm, các máy bay khác kém xa.

Nói cách khác, các máy bay MiG-21 bị rơi với tỷ lệ 4,67 máy bay/năm (trên tổng số 872 chiếc), trong khi máy bay không an toàn nhất trong lịch sử của IAF, tiêm kích bom Dassault Ouragan, thiệt hại 2,71 máy bay/năm (trong tổng số 113 chiếc) trong thời gian phục vụ.

Ngay cả các phi công của IAF cũng chứng nhận chiếc tiêm kích ra đời từ những năm 1960 của Liên Xô về thành tích an toàn của nó so với các máy bay khác cùng thế hệ.

Phi đội trưởng MJA Vinod nói bảo gắn mác “quan tài bay” cho MiG-21 là không có cơ sở: “Nó là tiêm kích một động cơ và khi chết máy, nó cần được khởi động lại (được gọi là‘ relight ’). Hầu hết trường hợp là động cơ máy bay sẽ khởi động trở lạu , nhưng cần một khoảng thời gian để bật lại bất kỳ động cơ phản lực nào, vì vậy nếu bạn ở dưới độ cao tối thiểu (vì vậy không đủ thời gian để tái khởi động động cơ), bạn phải rời khỏi máy bay. Tôi chưa từng nghe nói về một sự cố ghế phóng nào của MiG-21”.

Theo Anh Minh/Tiền phong

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/mig-21-la-chien-dau-co-an-toan-nhat-cua-an-do-khong-phai-quan-tai-bay/20210327082612250