MiG-21 Bison đang trở thành nỗi ám ảnh của phi công Ấn Độ

Một chiếc tiêm kích MiG-21 Bison của không quân Ấn Độ lại tiếp tục gặp nạn khi bay đêm ở bang Punjab, viên thiếu tá phi công kịp phóng ghế thoát hiểm nhưng vẫn bị gãy cổ và tử vong.

Không quân Ấn Độ vừa thông báo, một tiêm kích MiG-21 Bison gặp nạn khi huấn luyện bay đêm ở bang Punjab hôm 20/5, khiến phi công điều khiển là thiếu tá Abhinav Chaudhary thiệt mạng. Sự cố xảy ra trong lúc phi cơ trở về căn cứ, chưa rõ nguyên nhân tai nạn.

Giới chức Ấn Độ cho biết, thi thể phi công được tìm thấy cách nơi máy bay rơi khoảng hai km sau 4 giờ tìm kiếm. "Dù đã mở và tín hiệu cấp cứu được phát đi từ thiết bị trên người phi công, nhưng anh ấy đã tử vong khi lực lượng cứu hộ đến nơi. Phi công đã phóng ghế thoát hiểm, nhưng dường như anh bị gãy cổ và cột sống", Gurdeep Singh, quan chức địa phương, cho hay.

MiG-21 Bison đang trở thành nỗi ám ảnh của phi công Ấn Độ khi liên tục gặp sự cố, thậm chí có lúc chúng còn được đặt biệt danh là "quan tài bay".

Ấn Độ đặt mua 1.200 chiếc MiG-21 từ Liên Xô trong thập niên 1960, sau khi Mỹ và Anh từ chối bán tiêm kích phản lực siêu âm cho nước này. New Delhi sau đó được Moskva chuyển giao toàn bộ công nghệ để sản xuất dòng MiG-21 nội địa, trong khi Liên Xô ngừng sản xuất tiêm kích này từ năm 1985

Dù nhiều lần lên kế hoạch cho chiến đấu cơ này nghỉ hưu, nhưng cuối cùng vì căng thẳng với Trung Quốc và Pakistan đã buộc New Delhi phải giữ những chiếc MiG-21 Bison lại.

Không quân Ấn Độ đang vận hành 108 máy bay MiG-21 Bison, với vai trò tiêm kích tiền tuyến chủ lực bên cạnh những chiến đấu cơ Su-30MKI hiện đại.

MiG-21 Bison là gói nâng cấp cực mạnh cho những tiêm kích huyền thoại MiG-21 do Liên Xô sản xuất lên một tầm cao mới. Sức chiến đấu của loại máy bay này ngang ngửa với tiêm kích F-16 đời đầu.

MiG-21 Bison được trang bị hệ thống điện tử nâng cấp có giúp chúng có năng lực chiến đấu vượt trội, tương tự như các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4.

Nhiều ý kiến cho rằng với việc MiG-21 Bison có khả năng tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn cùng với sự nhanh nhẹn vốn có của nó, đây là đối thú "khó nhằn" nếu chạm trán.

Các tiêm kích MiG-21 Bison Ấn Độ còn kết hợp hệ thống ngắm bắn trên mũ phi công và khả năng mang các loại tên lửa đặc biệt nguy hiểm.

Sự kết hợp đó khiến mẫu tiêm kích “đồ cổ” này trở thành đối thủ đáng gờm, ngay cả trước một loại máy bay chiến đấu hiện đại hơn nhiều.

Trên thực tế, các tiêm kích MiG-21 Bison Ấn Độ đã từng đánh bại chiến đấu cơ F-15C Eagle Mỹ trong cuộc tập trận Cope India năm 2014.

Gói nâng cấp Bison có nhiều điểm tương đồng với gói MiG-21-93 (công ty Mikoyan, Nga thực hiện) trong phương án nâng cấp (hệ thống điện tử, hỏa lực). Bản thân gói nâng cấp Bison cũng sử dụng hầu hết trang bị do Nga sản xuất.

MiG-21 Bison được đánh giá là gói nâng cấp tập trung mạnh mẽ yếu tố hỏa lực với khả năng mang tên lửa đối không tầm trung – xa, dẫn đường bằng radar.

MiG-21 Bison thay thế hệ thống radar điều khiển hỏa lực cũ kỹ RP-21MA/RP-22 bằng radar điều khiển hỏa lực đa chế độ Kopyo (Nga sản xuất) có thể phát hiện mục tiêu đường không có diện tích phản hồi radar (RCS) 5m2 ở cách 80km ở bán cầu trước (phía trước máy bay) hoặc 40km ở bán cầu sau (phía sau máy bay), trong khi có thể đồng thời theo dõi 10 mục tiêu và dẫn hướng tên lửa tấn công cùng lúc 2 mục tiêu.

Trong chế độ không đối đất, radar Kopyo trên MiG-21 Bison có thể phát hiện mục tiêu xe thiết giáp ở cự ly 25km hoặc cầu đường ở cách 100km trong khi theo dõi 2 mục tiêu.

Đặc biệt, loại radar này có thể hoạt động đối hải với khả năng phát hiện tàu thuyền cỡ nhỏ ở cách 80km hoặc mục tiêu kích cỡ tương đương khu trục hạm cách 150km.

Với việc thay thế radar cho phép MiG-21 Bison mang được tên lửa không đối không thế hệ mới như R-27 hay R-77. Ngoài ra, trong đối không tầm ngắn nó có thể mang tên lửa tầm nhiệt R-73.

Loại biến thể R-27 trang bị trên MiG-21 Bison lắp đầu tự dẫn radar bán chủ động, đạt tầm bắn diệt mục tiêu tới 80km, lắp đầu đạn nặng 39kg.

Trong khi đó R-77 trang bị cho MiG-21 Bison dùng đầu tự dẫn radar chủ động kích hoạt ở pha cuối (cách mục tiêu vài chục km tên lửa tự xác định, tấn công không cần can thiệp từ máy bay phóng).

Ngoài các thay đổi về radar, hỏa lực cũng như trang bị thêm hệ thống cảnh báo chống tên lửa, hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc, MiG-21 Bison giữ nguyên phần động lực. Theo đó, những chiếc Bison dùng động cơ tuốc bin phản lực R25-300 thế hệ cũ.

MiG-21 Bison đạt tốc độ cao gấp hơn 2 lần vận tốc âm thanh, bán kính chiến đấu hơn 600km, trần bay gần 18.000m.

Tuy được nhận định là gói nâng cấp đã lột xác cho những chiếc MiG-21 do Liên Xô phát triển, tuy vậy ngay cả khi lên chuẩn Bison thì khung thân của MiG-21 cũng đã hoạt động tới giới hạn, và việc duy trì chúng đồng nghĩa với việc đối mặt với các sự cố hàng không.

Các vụ tai nạn liên quan đến MiG-21 Bison là minh chứng rõ nhất cho điều này, tuy nhiên ở bối cảnh hiện tại dù muốn dù không Ấn Đô vẫn phải duy trì phi đội MiG-21 Bison để làm đối trọng với F-16 Pakistan và J-10 của Trung Quốc.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-mig-21-bison-dang-tro-thanh-noi-am-anh-cua-phi-cong-an-do-post467312.antd