Miếu Dọng, tiếng vọng lịch sử

Làng Dọng xưa, nay là thôn Nghĩa Dũng thuộc xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Miếu làng Dọng gắn liền với tên tuổi của Tả Dực Đại tướng quân Trần Đệ (nhân thần) - Tước vị 'Hoàng Đệ Hoàng Thái Tử Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương'.

Lịch sử Thành hoàng Nghĩa Dũng, từ trước đã có văn bia bằng chữ Hán. Bộ Lễ triều Nguyễn sao tả, dựng bia vào tháng 3 năm Tự Đức thứ 13 (1860). Tấm bia dựng ở cung miếu Dọng, hiện còn nguyên vẹn.

Tương truyền, vào thời Nhà Trần có giặc ngoại bang ở hướng tây lẩn vào đất Việt chiếm giữ các châu. Vua định thân chinh cầm quân ra trận. Song, Thái tử Trần Đệ (Đệ Công) xin vua cha cho được tự cất quân dẹp giặc. Vua ưng lời, truyền trổ tài để minh chứng trí, lực.

 Miếu Dọng được phục dựng năm 2014.

Miếu Dọng được phục dựng năm 2014.

Tại thao trường thi, Đệ Công võ nghệ, cung tên vượt chúng, kiếm đao vô địch. Vua căn cứ tài đô, cử Đệ Công đứng đầu quân ngũ xung trận. Đệ Công lập đàn tế trời đất, mong linh ứng âm phù rồi trực tiếp cầm quân nhằm đồn giặc bên sông Hàn (phía bắc TP Hải Dương ngày nay). Giữa lúc quân sĩ hùng dũng vây ráp địch, bỗng cơn giông nổi lên, đá bay cát bụi, khiến quân giặc tan vỡ nhanh chóng. Đệ Công rút quân về triều bái mệnh. Vua cả mừng, sai mở đại yến khao và phong Đệ Công giữ chức Tả Dực Đại tướng quân.

Ít lâu sau, giặc ấy lại đến quấy nhiễu. Một lần nữa, theo lệnh vua, Đệ Công xuất quân thẳng tới đồn giặc ở Lục Đầu Giang (thuộc Chí Linh, Hải Dương). Trận đầu chưa phân thắng bại, ngài kéo quân đồn trú ở đồng Quán Hựu, làng Nghĩa Dũng. Nửa đêm hôm ấy, Đệ Công mộng thấy một người mũ áo uy nghi, dâng sớ tâu trước bệ: “Tôi là con trưởng nhà họ Phạm, đi sứ mệnh ở tiền Triều, không may mệnh trúng. Nay nghe tin ngài lĩnh việc dẹp giặc, tôi nguyện âm trợ. Bẩm ngài, phần thể xác của tôi ở Đồng Dũng (làng Dọng, tục gọi Mả Trắc) vẫn chưa được trọn vẹn. Rất mong đội ơn ngài lưu ý”.

Đệ Công bừng tỉnh, biết là thần mộng, cho gọi dân sở tại đến hỏi: “Tại đất này có lăng Phạm gia công tử ở Đồng Dũng, Mả Trắc. Đúng như thế không?”. Dân chúng dạ ran: “Bẩm Đại tướng quân! Đúng thế ạ!”. Đệ Công bèn sai sửa sang lăng mộ, làm lễ tạ. Sau đó, ngài lệnh tiến quân nhằm hướng đồn giặc, bao vây đánh giáp, đắc thắng.

Xong việc, Đệ Công lui quân về đồn trú ở Quán Hựu, mở đại tiệc, làm lễ tạ mộ Phạm công tử, mời dân làng đến cùng yến ẩm khao quân. Nửa đêm, Đệ Công lại mộng thấy bản thân cưỡi rồng xanh từ trên trời giáng xuống. Không ngờ, sáng ra đi xem phong cảnh phía Nam làng, đến khu Mả Vân (nơi miếu thờ hiện nay) ngài dừng nghỉ và tự nhiên từ trần. Trong khoảnh khắc, mối xông thành đại mộ. Hôm ấy là ngày mười một tháng Một ta (tức 11 tháng 11 âm lịch).

Nhân dân làng Dọng làm sớ tâu lên triều đình. Vua rất thương xót, mà rằng: "Hoàng tử là bề tôi, có công với nước, là con có hiếu nghĩa với vua cha"; đồng thời phong tước vị cùng truy tặng mỹ tự: “Hoàng Đệ Hoàng Thái Tử Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương”, muôn đời lưu truyền cùng đất nước dài lâu mãi mãi.

Liền sau đó, vua sai sứ thần về cùng nhân dân làng Dọng xây miếu thờ, lĩnh tiền để làm lễ Xuân Thu quốc tế. Miếu được xây tại hóa địa, ở bìa trước làng, quay hướng Đông Nam. Vua chuẩn y cho làng Dọng trông coi miếu mộ, thờ phụng đời đời. Vào khoảng giữa thế kỷ 17, để việc thờ cúng, tế lễ Thành hoàng Trần Đệ được tập trung, làng Dọng chuyển đình và chùa (vốn ở phía Bắc làng) về gần miếu, tạo nên quần thể sầm uất. Tại đấy, lễ hội làng được mở mỗi năm hai kỳ vào tháng Giêng và tháng 11 âm lịch (ứng với sự kiện Thành hoàng đã đề cập ở trên) rất linh đình…

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, miếu cổ không còn nhưng phần mộ Thành hoàng và bia ký vẫn được dân làng giữ gìn. Năm 2014, sau khi làng phục dựng miếu thờ (ngay trên nền cũ), bia mộ Thành hoàng lại tại vị như xưa. Cùng với đó, lễ hội truyền thống làng Dọng cũng được chấn hưng phù hợp nếp sống văn hóa mới.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mieu-dong-tieng-vong-lich-su-567363