Miệt quê cuối trời Tổ quốc

Quê tôi ở rẻo đất cuối cùng của Tổ quốc, ở cái miệt xa ngai ngái giống như ngón chân cái của những lưu dân mở đất khẩn hoang. Mà nói tới miệt mới chợt nghĩ, quê nhiều miệt thật, nào là miệt đồng, miệt ruộng, miệt biển, miệt thứ, rồi miệt vườn (theo Sơn Nam).

Biểu tượng mũi Cà Mau mang hình con tàu luôn vươn mình ra biển.

Biểu tượng mũi Cà Mau mang hình con tàu luôn vươn mình ra biển.

Hồi đó anh trai cưới vợ, lâu lâu chị dâu mới được về thăm nhà ở thành phố một lần. Có lần bác sui xuống nhà chơi, bà khóc quá trời vì thương con ở vùng xa ngái. Thực tế quê nghèo, có đường mà chỉ là đường đất. Sông nhiều đò ít nên muốn đi đâu đó đều khó khăn…

Mũi Cà Mau, nơi mà ai trong đời cũng một lần muốn đặt chân đến

Miệt đồng, miệt ruộng miệt nào cũng xa. Nghe tới chữ miệt là ai cũng ngán. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa...

Những dãy nhà ở thị trấn cuối trời Năm Căn vẫn còn là nhà lá, san sát nhau theo triền sông nơi mà dòng Bảy Háp hướng thẳng ra biển.

Nói gì thì nói, miệt tuy xa xôi lạ lẫm, nhưng bây giờ thì lại nhiều cái hay. Ở cơ quan nơi tôi làm việc, hễ rảnh là mấy đứa bạn đòi phượt về quê chơi cho thỏa. Vài tiếng đồng hồ đi xe máy cũng không phải xa xôi gì. Ừ thì miệt đó, quê nhà tôi đó. Thế là tôi lấy làm hãnh diện và ra sức ca tụng cho những đặc sản của quê mình. Riêng muỗi là đặc sản độc nhất rồi, không cần phải bàn thêm gì nữa.

Bản thân người Cà Mau không phải là cư dân cố cựu ở nơi này, cho nên họ hiểu cái sự cơ cực của công cuộc mưu sinh.

Còn về đặc sản mà bạn tôi mê nhất, không gì khác là các món đồng quê. Mắm cá sặc chế biến 7 món ăn với 21 loại rau rừng hảo hạng, mỗi lần là phải ăn đủ 3 chén cơm mới đủ no. Đúng là ông bà xưa cũng rất khoa học, 7 lần 3 bằng 21. Tép tươi trộn gỏi; cá vồ chó kho lạt ăn với rau tươi xoài sống, thứ này không thua gì cá leo, cá cốc ở các lưu vực sông Tiền, sông Hậu hay vùng biển hồ Tonle Sap bên nước bạn Cam-pu-chia. Bao nhiêu là khô, là mật ong… Kể ra thì thèm, có đi mới biết. Cà Mau, như đã nói, vừa có đồng vừa có biển. Sau khi thỏa thuê ở đồng, bạn cùng xê dịch qua miệt biển Cà Mau thì cơ hồ là cá, là tôm.

Đôi khi chợ là những sản phẩm được đặt lên một chiếc xe gắn máy cũ với cái loa nhỏ gắn ở phía trước, cái "chợ" nhỏ này luồn vào trong từng xóm nhỏ tạo vẻ nên thơ và thân thương lạ.

Còn một đặc sản nữa là con cá đói kho lạt. Con cá này to cỡ cổ tay người lớn, dài chừng 3 tấc chẵn, vẩy cá ánh vàng, thịt mềm, ngọt, thơm. Loài cá này sống thành từng bầy, như cá rô phi, ăn phù du và những sinh vật nhỏ.

Đứa em ở Cà Mau, mỗi lần về thăm là rủ đi câu cua, bắt cá. Cua ở Cà Mau thì ngon nhứt xứ.

Để tôi kể bạn nghe chuyện quê tôi người ta câu cá đối nhé. Cá này không ăn câu có lưỡi, vì miệng chỉ nhỉnh hơn miệng cá sặt. Để câu được cá đối, mấy đứa nhỏ quê tôi chọn chai nhựa cỡ chai nước suối, sau đó cắt bỏ phần trên chỉ còn chừa lại phần giống như hình trụ. Cắt vài lỗ nhỏ phần dưới để nước được thoát ra ngoài. Phía trên gắn với sợi dây câu. Treo thêm cục đá phần đáy chai. Sau đó, dùng bột củ năng, vò cho dẻo thành viên cỡ ngón tay. Bỏ vào chai đã làm sẵn và từ từ thả xuống nước, ngay chỗ miệng cống thoát nước các ao tôm, nơi cá đối hay tụ tập. Cá đối gặp bột củ năng thì mê lắm, thế là tranh nhau chui vào chai nhựa. Do chai nhỏ, thân cá cũng chừng ấy, cá không bung vây ra được nên phải nằm im, thế là kéo lên thôi. Vậy đấy, mỗi buổi chúng tôi câu vài chục con là chuyện nhỏ. Đứa nào cũng mê hết.

Mắm tép, đặc sản trứ danh của vùng đất này.

Còn về chế biến thì cá này ngon nhất là kho lạt ăn cùng rau xanh, chuối chát… hoặc là chiên xù ăn với nước mắm gừng chua cay… hoặc là nướng muối ớt để mấy ông nhâm nhi vài ly đế. Cá này thịt ngon, nhiều chất dinh dưỡng. Ngon nhất là cặp trứng to bằng ngón tay người lớn, dài chừng nửa gang tay. Đã nếm thử thì không chê vào đâu được.

Một đĩa cua rang me đậm chất Nam Bộ!

Cà Mau là vùng đất mà ít nhiều còn đó chất hoang sơ như thời khẩn hoang những nhiều năm về trước. Những dãy nhà ở thị trấn cuối trời Năm Căn vẫn còn là nhà lá, san sát nhau theo triền sông nơi mà dòng Bảy Háp hướng thẳng ra biển. Quê nghèo, nhưng bà con nơi đây có sẵn trong máu tính hào sảng cố cựu. Có thể bạn sẽ dè chừng khi thấy những xóm nhà có phần hoang vu, nhưng khi bạn đã đặt chân và sà vào bàn tiệc, thì cái chất hào sảng ấy sẽ khiến cho bạn quên mất đường về. Con người nơi cuối trời này hay có câu cửa miệng "giang hồ tứ hải giai huynh đệ".

Bản thân người Cà Mau không phải là cư dân cố cựu ở nơi này, cho nên họ hiểu cái sự cơ cực của công cuộc mưu sinh. Và họ cũng rất hiểu bạn bè, tình cảm là điều quan trọng hơn cả của cải. Tấm lòng họ, như những vạt rừng mắm rừng đước, lúc nào cũng chứa đựng phù sa và ý thức vươn xa để cắm rễ thật sâu vào lòng đất quê mình. Cho nên, không thể hiểu được người dân vùng này khi mà bạn không tiếp xúc nhiều, không gần gũi với họ.

Là bún nước lèo, bún ở Cà Mau được nấu, ngoài nguyên liệu là mắm, còn có rất nhiều thành phần cấu thành như cá lóc, tép...

Một người bạn của tôi hiện làm việc tại đây chia sẻ, Cà Mau không xa trong những chuyến hành trình của bất cứ ai, nếu chúng ta biết lắng lòng với họ!

Cá đối nướng muối ớt, loại cá có thịt ngon, mềm và rất lành.

PHAN TRƯỜNG SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/34961002-miet-que-cuoi-troi-to-quoc.html