Miền Trung rộn ràng lễ hội Cầu Ngư đầu năm

Với mong muốn cầu mong một năm mới thuận hòa mưa gió, cá tôm đầy khoang cũng như giữ gìn những tục lệ miền biển tốt đẹp từ xa xưa, ngư dân miền Trung tổ chức lễ hội Cầu Ngư.

Các bô lão áo dài khăn đóng thực hiện phần lễ

Các bô lão áo dài khăn đóng thực hiện phần lễ

Ngày 3/3 (nhằm 16 tháng Giêng), tại khu vực biển Miếu Thuyền, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, UBND quận Thanh Khê cùng các ngư dân địa phương đã tổ chức lễ hội Cầu Ngư đầu năm.

Ngay từ sáng sớm, các cư dân miền biển nơi đây là tập trung đông đủ đểtiến hành lễ nghinh thần. Theo quan sát của chúng tôi, phần nghi lễ được tiến hành một cách trang nghiêm và do những bô lão áo the khăn đóng thực hiện.

Thực hiện nghi lễ nghinh thần

Một cao niên cho chúng tôi biết rằng, ở phần lễ nghinh thần này có lễ rước trên biển, lễ cúng, đọc văn tế mời thủy thần chứng giám lòng thành của ngư dân. Sau lễ nghinh thần là các nghi lễ cầu an, cầu ngư nhằm cầu cho quốc thái dân an và ngư dân thắng lợi.

Lễ hội Cầu Ngư với ý nghĩa cầu Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa cho miền biển.

Cũng như nhiều lễ hội khác ở miền Trung, lễ Cầu Ngư cũng được tiếp nối bởi phần hội với nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi gắn với đời sống của ngư dân vùng biển như các hội thi đan lưới, kéo co, ngoay thúng...

Tại Quảng Nam, nghi lễ được tiến hành trên biển một cách trang nghiêm

UBND quận Thanh Khê cho hay, năm nay, chương trình lễ hội được mở rộng bằng cách trưng bày sản phẩm biển đảo quê hương, các tài liệu, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa để thu hút sự quan tâm thưỡng lãm, tìm về lịch sử của học sinh, du khách.

Cùng ngày, tại các xã biển thuộc TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) cũng diễn sự kiện này. Ở Quảng Nam, lễ hội Cầu Ngư còn được biết đến với tên gọi như lễ hội nghinh Ông, lễ ông Thủy tướng....Với một đặc điểm chung là những lăng Ông được xây dựng dọc theo miền biển. Các ngư dân quan niệm đây là loại cá biểu trưng, là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung.

UBND quận Thanh Khê, Đà Nẵng trưng bày nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa. Đây là dịp để học sinh, du khách trãi nghiệm, học tập.

Khác với nhiều tỉnh thành miền biển phía Bắc, lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Nam còn rất đặc sắc bởi lối diễn xướng dân gian như hát Bả trạo. Đây là lối diễn xướng giữa những nhóm ngư dân với nhau hoặc giữa các ngư dân và người ở nhà trước khi ra khơi. Hát Bả trạo thể hiện cố kết cộng đồng cư dân ngư nghiệp, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong lao động và sản xuất của những ngư dân sông nước.

Sau phần lễ, các cư dân làng chài tổ chức nhiều hoạt động vui chơi nhưu đan lưới, đua thuyền

Theo truyền thống, lễ hội Cầu Ngư thường được diễn ra vào đầu tháng Giêng năm mới, thường là rằm tháng Giêng. Lễ hội thường diễn ra trong thời gian 3 ngày đêm. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành theo lễ nghinh Ông; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần và phần hội diễn ra trong ngày thứ 3. Hiện này, lễ hội được diễn ra gói gọn trong 1 ngày, tuy nhiên, mọi nghi thức đều được thực hiện đầy đủ.

Quảng Thân

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/mien-trung-ron-rang-le-hoi-cau-ngu-dau-nam.html