Miền Trung như chảo lửa

Nắng nóng, khô hạn, nhiễm mặn đã xuất hiện cục bộ ở miền Trung. Số trẻ em nhập viện theo đó tăng đột biến, cuộc sống người dân đảo lộn

Những ngày qua, tại tỉnh Quảng Bình, nắng nóng gay gắt. Ở huyện Tuyên Hóa, có nơi đo được nhiệt độ "kỷ lục" 43 độ C; ở TP Đồng Hới và huyện Quảng Trạch là 42 độ C. Trời nắng cộng thêm gió phơn Tây Nam (còn gọi gió Lào) thổi liên tục làm bầu không khí rất ngột ngạt.

Bệnh nhi tăng, cuộc sống người dân đảo lộn

Ông Trần Nam ngụ ở huyện Tuyên Hóa nhận thấy chưa khi nào trong mấy năm qua mà Quảng Bình lại có nắng nóng đầu mùa gay gắt, thời tiết khắc nghiệt như thế này. "Ngồi trong nhà còn chịu không nổi huống gì ra ngoài đường. Nắng nhưng không có gió nên rất khó chịu. Đến 16 và 17 giờ vẫn còn oi bức" - ông Nam nói.

Những ruộng lạc (đậu phộng) của người dân chết khô do nắng hạn Ảnh: QUANG NHẬT

Những ruộng lạc (đậu phộng) của người dân chết khô do nắng hạn Ảnh: QUANG NHẬT

Vào buổi trưa, các tuyến đường vắng người qua lại do không ai dám ra đường. Chỉ một số lao động do đặc thù công việc, phải oằn mình dưới cái nắng nóng như đổ lửa. Người dân tham gia giao thông tranh thủ đèn đỏ, dừng lại tránh nắng chỗ bóng râm cây xanh.

Bệnh nhân nằm ngoài hành lang Bệnh viện Đa khoa Quảng NgaĩẢnh: TỬ TRỰC

Tại Khoa Nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), số bệnh nhi nhập viện tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Khoa này điều trị gần hàng chục ca bệnh liên quan đến nắng nóng như sốt virus, viêm đường hô hấp và tiêu chảy.

Bệnh viện Nhi Quảng Nam cho biết số lượng trẻ em đến khám bệnh trong những ngày gần đây tăng đột biến. Các bệnh trẻ thường mắc phải chủ yếu liên quan đến đường hô hấp... Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, bên ngoài hành lang có hàng trăm bệnh nhân và người nhà nằm vạ vật. Nhiều người đem theo cả quạt vào bệnh viện để chống chọi lại với cái nắng. Ông Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, nhận định 3 ngày gần đây, số lượng trẻ em mắc các bệnh mùa nắng có chiều hướng gia tăng.

Đồng cháy khô; nguy cơ thiếu nước sạch

Ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiệt độ từ 38-39 độ C, có nơi lên đến 40,6 độ C. Cuộc sống của người dân đảo lộn, cây trồng nhiều vùng bị hư hại. Trong số gần 1.000 ha lạc ở thị xã Hương Trà, khoảng một nửa bị khô héo hoặc mất trắng. Hàng trăm ha lúa ở huyện Phú Vang và nhiều nơi cháy khô do nguồn nước tưới dựa vào thiên nhiên là chủ yếu nhưng một thời gian dài lại không có mưa.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết dự báo năm 2019, nắng nóng xảy ra mạnh nhất và kéo dài nhiều ngày nhất từ tháng 5 đến tháng 7. Nắng nóng kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm; số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt cao hơn và kéo dài hơn. Nhiệt độ cũng cao hơn, xuất hiện nắng nóng trên diện rộng và kéo dài với nhiệt độ cao nhất khoảng 39-40 độ C, riêng ở Nam Đông trên 41 độ C. Lượng dòng chảy ở các sông vùng núi Thừa Thiên - Huế sẽ thiếu hụt từ 20%-30% trong vụ đông xuân, thời điểm kiệt nhất là vào tháng 8, khả năng xảy ra hạn cục bộ.

Trên các con sông lớn như Trà Khúc, Trà Bồng… của tỉnh Quảng Ngãi, mực nước tụt giảm nghiêm trọng, một số nơi nổi cồn cát. Để giải hạn cho vùng hạ lưu, các công trình thủy lợi liên tục xả nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất.

Ở tỉnh Quảng Nam, theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Trà My, trên địa bàn có 725 ha đất lúa nhưng vụ hè thu 2019 chỉ đưa vào gieo sạ 620 ha vì không chủ động được nước tưới.

Huyện Duy Xuyên đã hỗ trợ nông dân chuyển khoảng 70 ha đất lúa khó khăn nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Ở TP Đà Nẵng, tình hình nhiễm mặn ở mức báo động tại Nhà máy nước Cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ). Độ mặn trung bình có thời điểm lên hơn 2.100 mg/lít khiến tổng công suất cấp nước cho toàn TP Đà Nẵng suy giảm. Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, cho rằng nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ nhiễm mặn liên tục suốt 71 ngày khiến cho việc lấy nước thô tại cửa thu của nhà máy gặp khó khăn. Các khu vực cuối nguồn nước bị yếu, một số khu vực có địa hình cao thậm chí không lấy được nước để sản xuất.

Theo ông Hồ Hương, hiện tổng công suất cấp nước cho TP là hơn 283.000 m3/ngày, trong khi 2 nhà máy sản nước là Cầu Đỏ và Sân Bay (quận Thanh Khê) cung cấp được khoảng hơn 268.000 m3/ngày. "Nếu độ mặn tiếp tục tăng, việc sản xuất và cung cấp nước cho người dân sẽ gặp khó khăn và có khả năng thiếu hụt nước sạch" - ông Hương thông tin.

Cảnh báo cháy rừng

Chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành miền Trung đã ra thông báo cảnh báo cháy rừng trên diện rộng. Chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành đề nghị UBND các quận, huyện, phường, xã chỉ đạo theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/mien-trung-nhu-chao-lua-20190423212200124.htm