Miền Trung nguy cơ lũ chồng lũ: Không bị động...

Người dân Miền Trung nên chủ động ứng phó với cơn bão đang tiến vào Biển Đông.

Nhiều tỉnh Miền Trung đang chìm trong lũ dữ, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều ngày 19/10, tình hình mưa lũ này khiến cho toàn bộ lưu vực 6 tỉnh Trung Trung bộ vượt mốc lịch sử, ngập sâu 212 xã, 240.000 hộ dân bị ảnh hưởng, 127 người chết và mất tích, ảnh hưởng kết cấu hạ tầng giao thông, đường giao thông nông thôn, công trình dân sinh và nhà nước khác, hơn 900ha lúa mùa.

Mưa còn gây nên tình trạng sạt lở núi chưa từng thấy, sạt trượt không tuân thủ quy luật. Đơn cử tiểu khu 67, Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 là vùng thấp, xung quanh toàn rừng nhưng sạt lở diễn ra bất ngờ, không lường trước.

Trong khi đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện ngoài khơi áp thấp nhiệt đới đã mạnh thành bão có tên quốc tế là Saudel đang hướng vào Biển Đông.

Đến sáng 22/10, bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/h), giật cấp 12.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm, gây ảnh hưởng mưa lớn tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình trong ngày hôm nay.

Trước tình hình này, Miền Trung đang đứng trước nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ. Ngày 20/10/2020, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm ứng phó Môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam bày tỏ sự thương cảm trước thiệt hại nặng nề mà đồng bào Miền Trung phải gánh chịu thời gian qua.

Nhiều ngôi nhà ở Miền Trung đang chìm trong biển nước.

Nhiều ngôi nhà ở Miền Trung đang chìm trong biển nước.

Ông Sơn cho biết, đứng trước tình hình thời tiết mới, các tỉnh Miền Trung cần phải có công tác tuyên truyền tốt để di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

"Để làm được điều này thì công tác dự báo khí tượng thủy văn cần phải tỷ mỷ, chính xác tiệm cận đến mức tuyệt đối để thuyết phục người dân di tản. Có như thế mới hạn chế tốt nhất sự tàn phá của thiên tai đối với con người và kinh tế" - vị chuyên gia cho hay.

Tuy nhiên, điều vị chuyên gia băn khoăn là liệu địa phương nào cũng đủ cơ sở để di tản người dân? Bên cạnh đó, thiên tai cũng kèm theo mất điện, mất sóng điện thoại nên công tác tuyên truyền tới người dân không nhiều khó khăn, không phải ai cũng có thể thường xuyên nắm bắt được tình hình để phòng tránh.

Chính vì thế, theo vị chuyên gia, bản thân mỗi người dân vùng lũ cũng cần phải bình tĩnh, tự chủ động ứng phó trước thiên tai như tìm đến khu vực cao nhất để tránh, hạn chế đi tới vùng nước chảy siết, mọi người nên tìm chung tới một điểm để giúp đỡ lẫn nhau...

"Chống lũ là quan trọng nhưng người dân chống lũ nhưng vẫn có nhu cầu ăn uống, sinh hoạt mà trong điều kiện mênh mông biển nước xung quanh thì điều này gần như không thể nên chỉ có thể nhờ đến sự trợ giúp của chính quyền, cứu hộ.

Chính vì thế, các đoàn cứu hộ hay chính quyền địa phương, cần phải trang bị bồn chứa nước cơ động để trữ sẵn nước, thực phẩm dự phòng đưa đến cho người dân.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần phải có cho mình kiến thức phòng chống thiên tai. Đặc biệt, tránh những nơi đồi núi vì thời gian qua ở khu vực Miền Trung thường diễn ra sạt lở núi mà không theo một quy luật nào..." - ông Sơn đưa ra lời khuyên.

Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm ứng phó Môi trường Việt Nam cho rằng, bão lũ ở Miền Trung trong 2 tuần qua không phải là thiên tai bất ngờ. Thậm chí chuyện năm nào vào khoảng thời gian này Miền Trung cũng xảy ra bão lũ là điều hầu như ai cũng biết. Cho nên, trong tương lai cần phải xây dựng chiến lược ứng phó sự cố môi trường tại khu vực này như thay đổi thiết kế xây nhà, trồng rừng...

"Ở nước ngoài khi xây dựng nhà, tàu điện ngầm khi xảy ra thiên tai cần phải có đủ chỗ chứa cho mọi người. Việt Nam cũng cần học hỏi, chúng ta cần phải rà soát kỹ hơn, vì trong tương lai lụt lội chỉ là một phần, ngoài ra còn có nhiều sự cố môi trường khác... thì việc có hạ tầng để người dân có chỗ tạm lánh khi cần là điều quan trọng" - ông Sơn kiến nghị.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/mien-trung-nguy-co-lu-chong-lu-khong-bi-dong-3420978/