Miền Trung khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lớn

Lực lượng chức năng của các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã và đang tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lớn ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

 Đến sáng nay (4/9), lũ trên sông Ngàn Sâu vẫn đang lên. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Đến sáng nay (4/9), lũ trên sông Ngàn Sâu vẫn đang lên. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, do ảnh hưởng của ATNĐ, đến chiều 3/9, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ, 15, 16, 48E, tỉnh lộ 534 B bị ách tắc do sạt lở đất đá, ngập lụt... Tại những tuyến đường này, đơn vị quản lý giao thông đã cắm cọc tiêu, biển báo và đóng đường, cấm phương tiện qua lại.

Để tránh tình trạng ngập lụt nặng, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu và các ao hồ nuôi trồng thủy sản, các công ty thủy lợi đã phối hợp với các địa phương vận hành các trạm bơm và cống tiêu nước. Trong ngày 3/9, một số hồ chứa nước lớn đã xả nước để bảo vệ an toàn hồ. 22h ngày 3/9, Nhà máy thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương) và Nhà máy thủy điện Chi Khê (huyện Con Cuông) cũng xả lũ hồ chứa.

Do thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá, ngập lụt vẫn có thể xảy ra trên diện rộng, tỉnh yêu cầu các địa phương và các ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động sơ tán, di dời dân cư; tập trung xử lý ách tắc giao thông do mưa gây sạt lở; kiểm tra an toàn và vận hành các công trình trong hệ thống thủy lợi, thủy điện, bảo vệ an toàn các hồ đập khi có sự cố xảy ra.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, từ 1-3/9, ở Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to, kèm theo đó là lốc xoáy.

Trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại huyện Hương Khê và thu hoạch lúa hè thu tại huyện Can Lộc vào ngày 3/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng chỉ đạo các lực lượng chức năng phải theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, chủ động sơ tán dân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét.

Theo báo cáo của lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô, do lượng mưa đầu nguồn đổ về khá lớn, từ 8h, nhà máy đã xả lũ, các hạng mục của nhà máy an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu nhà máy phân công trực đầy đủ 100% quân số, theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, thực hiện quy trình vận hành, xả lũ theo quy định; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình đầu mối, chủ động đề phòng mọi bất trắc; không để mực nước hồ Hố Hô vượt mức kiểm soát. Đặc biệt, phải thường xuyên cập nhật và thông báo cho chính quyền, nhân dân vùng hạ du về tình hình an toàn của hồ, kế hoạch, lưu lượng xả lũ theo quy định.

Theo báo cáo nhanh của huyện Hương Khê, trên địa bàn xuất hiện mưa từ ngày 1-3/9 với lượng mưa trung bình từ 200-385 mm. Một số trục đường, cầu tràn vào thôn xóm bị ngập, gây chia cắt cục bộ tại nhiều xã. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng yêu cầu huyện Hương Khê và các đơn vị thi công theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão; thông báo kịp thời cho người dân, đặc biệt là vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh.

Chuẩn bị và triển khai các phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất ở vùng núi; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các xã dọc bờ sông Ngàn Sâu và vùng hạ du công trình thủy điện Hố Hô, các lán trại có công nhân thi công các công trình ven sườn núi, vùng ven sông, suối.

Các ngành chức năng đang nỗ lực thông tuyến tại điểm sạt lở đoạn Km37, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TXVN

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, do ảnh hưởng của ATNĐ, những ngày qua, tại huyện có mưa to, nước sông, suối dâng cao gây ngập lụt, chia cắt ở một số nơi, đã có 1 người bị lũ cuốn trôi, mất tích, đó là chị Hồ Thị Chăn (ở bản Pa Choong, xã Trọng Hóa). Xã Trọng Hóa đã triển khai lực lượng tổ chức tìm kiếm chị Chăn dọc 2 bên suối và trên sông Gianh.

Tại huyện Minh Hóa có nhiều điểm bị nước lũ chia cắt; nhiều ngầm tràn bị ngập sâu, nước chảy xiết không thể tiếp cận được; nhiều tuyến đường xã bị ngập dẫn đến tạm thời bị chia cắt. Nước lũ trên sông Rào Nan cũng đang lên nhanh. Huyện Minh Hóa đang huy động các lực lượng để phòng chống lũ lụt cũng như nắm tình hình để khẩn trương di dân những địa điểm xung yếu và có nguy cơ sạt lở đất.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, liên tục những ngày qua, tại tỉnh Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; nguy cơ cao có thể xảy ra ngập lụt, sạt lở đất. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công điện yêu cầu các sở ban ngành và địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát và chỉ đạo cơ sở theo dõi sát sao diễn biến mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão (bão số 5) trong những ngày tới. Qua đó, đề nghị các đơn vị tập trung phòng chống những rủi ro thiên tai có thể xảy ra.

ATNĐ gây mưa rất to ở Quảng Trị đã khiến tuyến đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây đoạn Đakrông-Tà Rụt) có 23 điểm sạt lở phía taluy dương, trong đó có 2 điểm sạt lở nặng với khoảng 3.000 m3 đất đá tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ. Các lực lượng chức năng đã khẩn trương bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên để đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời huy động máy móc, thiết bị để khắc phục sự cố. Đến chiều 3/9, tuyến đường này đã thông xe.

Cùng ngày, đại diện UBND huyện Triệu Phong đã đến thăm hỏi, hỗ trợ các hộ có nhà bị tốc mái do lốc xoáy, tại hai thôn Lệ Xuyên và Bồ Bản thuộc xã Triệu Trạch. Vào đêm 2/9, tại hai thôn này, lốc xoáy đã làm 12 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 4 nhà bị tốc mái 70%, 8 nhà bị thiệt hại từ 50-70%.

Huyện miền núi Hướng Hóa khẩn trương di dời người dân ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn, khi nước sông Sê Pôn dâng cao, gây ngập lụt và chia cắt cục bộ ở một số nơi. Theo đó, lực lượng chức năng đã hỗ trợ sơ tán gần 100 hộ dân, với hơn 200 nhân khẩu ở thị trấn Lao Bảo, xã Tân Long… sống ở vùng thấp trũng, gần sông, suối bị ngập sâu, đến nơi an toàn.

Huyện miền núi Đakrông có 7 điểm chia cắt cục bộ, do nước lũ dâng cao. Chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng chốt chặn tại các cầu tràn và khu vực ngập sâu để cảnh báo, hỗ trợ người dân. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương, huy động lực lượng thường trực, tuyên truyền và giúp đỡ người dân vận chuyển tài sản đến nơi an toàn; đồng thời cử cán bộ chốt các vị trí bị ngập, nước sông, suối chảy mạnh, tuyến đường khả năng nước lên nhanh để bảo vệ an toàn cho người dân.

Các địa phương trong tỉnh đã vận động nông dân khẩn trương thu hoạch trên 4.400 ha lúa Hè Thu 2019, đồng thời huy động phương tiện, lực lượng công an, quân đội giúp người dân thu hoạch lúa nhằm giảm thiệt hại cho người dân...

Hà An (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/mien-trung-khan-truong-khac-phuc-thiet-hai-do-mua-lon/374355.vgp