Miền Trung 'căng mình' chống 'bão chồng bão'

Bão số 12 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa trưa ngày 10-11. Như vậy, chỉ trong hơn 1 tháng qua, khu vực miền Trung hứng chịu liên tiếp 8 cơn bão. Điều đáng lưu ý là thiệt hại do bão gây ra trên biển chỉ chiếm phần nhỏ so với hậu quả của mưa lũ do hoàn lưu của các cơn bão. Do đó, các địa phương cần quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó với bão lũ, đặc biệt là trong bối cảnh bão Vamco đang tiến vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 13 trong năm nay với cường độ rất mạnh.

Người dân cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Hòa, BĐBP Phú Yên đắp bờ bao chắn sóng bảo vệ khu dân cư Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu. Ảnh: Phương Oanh

Người dân cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Hòa, BĐBP Phú Yên đắp bờ bao chắn sóng bảo vệ khu dân cư Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu. Ảnh: Phương Oanh

Bão số 12 tàn phá Phú Yên, Khánh Hòa

Bão số 12 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa với sức gió rất mạnh và mưa lớn. Mưa bão đã làm hàng loạt cây xanh bị ngã, đổ; nhiều bảng hiệu, trụ điện chiếu sáng bị quật đổ. Ngoài ra, bão đã đánh chìm 1 tàu cá khi đang neo đậu tránh bão tại cửa Bé (phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang); 16 ngôi nhà của người dân bị tốc mái; 2 trụ sở cơ quan tại Ninh Hòa bị hư hỏng.

Bão số 12 cũng đã gây ra sự cố làm mất điện ở 5 xã của huyện Vạn Ninh, 2 xã của thị xã Ninh Hòa và toàn huyện Khánh Vĩnh. Các địa phương đã sử dụng máy phát điện dự phòng để đảm bảo công tác chỉ đạo và thông tin liên lạc. Ngoài ra, mưa to, gió lớn cũng đã khiến nhiều diện tích cây trồng, lúa, hoa màu bị ngã, đổ, ngập úng; hiện chưa thống kê cụ thể thiệt hại.

Trước đó, để phòng, chống bão số 12, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện lệnh cấm biển và kêu gọi người lao động ở trên 91.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản vào bờ tránh trú bão. Địa phương này đã tổ chức sơ tán 711 hộ với 2.545 người tại các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của bão, lũ đến nơi an toàn.

Còn tại tỉnh Phú Yên, từ đêm 9-11, khu vực ven biển đã có mưa tầm tã kèm theo gió rít từng hồi rất mạnh, biển động dữ dội. Nhiều khu vực bị ngập, gây ách tắt giao thông. Tỉnh Phú Yên đã phải di dời 2.073 hộ với 5.709 người dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở, triều cường đến nơi trú tránh an toàn. Tất cả lao động trên 81.177 lồng bè nuôi trồng thủy sản được lực lượng chức năng đưa vào bờ trước khi bão số 12 đổ bộ. Các đồn, trạm Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trực gác, canh phòng, chốt chặn tại các bến ghe thuyền, không để người dân ra biển khi bão chưa tan.

Đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Phú Yên cho biết, cùng với việc di dời dân từ vùng xung yếu vào khu vực an toàn, trước khi bão vào bờ, tất cả các đồn Biên phòng đã triển khai lực lượng xuống địa bàn giúp người dân chằng chống nhà cửa, đưa hết tàu, thuyền nhỏ, sõng thúng lên khu vực an toàn để tránh bão.

Số liệu cập nhật sơ bộ, bão số 12 đã làm sập và hư hỏng 3 căn nhà tại thị xã Sông Cầu, làm tốc mái, hư hỏng nhiều căn nhà ở thị xã Đông Hòa, các huyện Tuy An, Tây Hòa... Tuyến Quốc lộ 29 tại tràn qua đường Km76+160 (thuộc xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) nước ngập 0,5m gây ách tắc giao thông. Trong khi đó, nước sông Bánh Lái lên nhanh làm ngập sâu cầu Bến Nhiễu và cầu Bến Trâu, gây chia cắt giao thông tại 2 xã Hòa Mỹ Đông và Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa. Toàn tỉnh Phú Yên đã xảy ra 53 sự cố gây mất điện, làm gần 121.000 khách hàng thuộc 64/110 xã, phường, thị trấn bị mất điện. Ngay sau khi bão đi qua, các cấp, các ngành và lực lượng vũ trang tại tỉnh Phú Yên đã khẩn trương giải quyết các điểm ách tắc giao thông, giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão.

Không chủ quan với mưa lũ sau bão

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hoàn lưu của bão số 12 gây mưa lớn tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa với lượng mưa 200-400mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt. Từ đêm 12 đến ngày 13-11, các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đó, mực nước các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên ở mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.

Ngư dân đưa thuyền bè vào cửa sông thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa tránh trú bão số 12. Ảnh: Hải Luận

Thực tế cho thấy, mưa lũ sau bão mới là mối nguy hiểm và gây tổn thất về người và tài sản nhiều nhất. Đây là điều cần được quan tâm đặc biệt do các địa phương miền Trung vừa mới bị tổn thương nặng nề do “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”, “mưa chồng mưa” trong tháng 10. Theo đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, mưa lũ kéo dài ở miền Trung trong thời gian qua cùng với lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ước tính thiệt hại lên đến 17.000 tỉ đồng. Nhận định, hoàn lưu bão số 12 sẽ gây mưa to đến rất to tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đe dọa an toàn của người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong ứng phó, phòng chống thiên tai và cứu trợ nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các địa phương rà soát để đảm bảo an toàn cho các hồ thủy lợi và thủy điện.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, để chủ động ứng phó với mưa bão, các đơn vị BĐBP ven biển đã di dời 2.100 hộ với 6.797 người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Hiện, các đơn vị vẫn tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên tuyến biên giới đất liền để di dời kịp thời, đồng thời thông báo cho nhân dân các khu vực có nguy cơ bị sạt lở.

Chuẩn bị các phương án ứng phó với bão Vamco

Dự báo, ngày 12-11, bão Vamco sẽ vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 13. Cơn bão này có xuất phát điểm gần giống cơn số 9, hiện đang ở cấp 8-9, nhưng sẽ tăng rất nhanh, hoàn lưu rất rộng, ít bị tiêu tán năng lượng, khi vào Biển Đông với cường độ khá mạnh. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh BĐBP, hiện còn 3.005 phương tiện với 22.164 người hoạt động ở các vùng biển.

"Chúng tôi đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất tại các đồn Biên phòng để sẵn sàng đưa dân đến tránh trú bão, đảm bảo an toàn. Hiện nay, BĐBP duy trì 4.521 cán bộ, chiến sĩ với 1.191 phương tiện trực 24/24 giờ để chủ động phối hợp với các địa phương sẵn sàng sơ tán, xử lý các tình huống xảy ra" - Thiếu tướng Lê Quang Đạo cho biết.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, cơn bão số 13 sẽ đe dọa nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung với sức gió lớn, có thể giật cấp 15, khi vào miền Trung sẽ gây thiệt hại nặng nề nếu chủ quan. Kinh nghiệm thực tế là trong tháng 10 vừa qua, đã có một số tàu chìm, bị hư hỏng do ngư dân chủ quan không tránh bão. Thậm chí, 2 tàu cá của ngư dân Bình Định đã được lực lượng chức năng gọi điện yêu cầu di chuyển tránh bão số 9 nhưng chủ quan không di chuyển ngay, dẫn đến bị kẹt lại trong tâm bão và chìm, 23 ngư dân vẫn đang mất tích. Ngay cả tàu trong khu neo đậu cũng bị sóng đánh chìm, hư hỏng.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các ban, ngành, địa phương cần đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền và ngư dân đánh bắt trên biển; rà soát tất cả tàu thuyền, đặc biệt phải có biện pháp để quản lý các tàu khi đã vào nơi tránh trú. Đồng thời, có kế hoạch sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Cùng với việc chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn cho người dân trong bão, các địa phương cần sẵn sàng lực lượng, phương án thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn hiệu quả nhất khi có tình huống xảy ra.

Nhóm phóng viên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mien-trung-cang-minh-chong-bao-chong-bao-post435008.html