Miền Trung: Bão dập, lũ dồn

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã xảy ra mưa to đến rất to, kéo theo lũ lớn, nhiều nơi bị sạt lở, chia cắt. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các địa phương triển khai khắc phục hậu quả của bão.

Sóng đánh sập nhà

Ngày 31-10, tại Bình Định, PV Báo SGGP ghi nhận cảnh hoang tàn, đổ nát. Con đường dẫn đến xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) trở nên trắc trở sau khi bão quét qua. Nhiều vị trí đường bị cát phủ lấp, nước lũ ngập sâu.

Trong ngôi nhà bị sóng đánh nát, ông Nguyễn Văn Cho (60 tuổi, thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải) bàng hoàng kể lại: “Lúc ấy khoảng 10 giờ đêm, trời bắt đầu có mưa lớn kèm theo gió giật mạnh, cây cối đổ sập. Ngoài biển, những cột sóng cao đến 10m phủ lên cả ngọn cây bàng rồi đổ ập vào nhà. Chỉ trong chốc lát hơn nửa ngôi nhà của tôi đã bị sóng kéo ra biển”.

Đến 12 giờ đêm, vợ chồng ông Cho cảm thấy không thể “bám trụ” nên dắt nhau chạy đến nhà một người thân ở vùng cao hơn để trú tránh. Lúc đi, ông Cho chỉ kịp huy động người đem tivi, tủ lạnh, còn lại bị sóng cuốn trôi hết. Sáng ra, ngôi nhà của vợ chồng ông Cho đã bị sập gần hết, chỉ còn trơ lại 1 căn phòng nhỏ. “Bây giờ vợ chồng tui chỉ biết tận dụng lại căn phòng còn sót để trú tạm chờ qua mùa mưa lũ. Biết là nguy hiểm nhưng đi đâu bây giờ”, ông Cho băn khoăn.

Người dân Phú Yên nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 5Ảnh: MINH CHÂU

Người dân Phú Yên nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 5Ảnh: MINH CHÂU

Ngoài ngôi nhà ông Cho, ở thôn Hải Đông này còn có 5 ngôi nhà khác bị sập gần như hoàn toàn, 45 ngôi nhà bị sóng đánh hư hỏng, vỡ toác nằm mấp mé bờ biển. Thảm nhất là hộ anh Phạm Văn Tài (47 tuổi), có nhà bị sóng đánh sập hoàn toàn. Ngày 31-10, vợ chồng anh Tài phải chạy tìm nơi ở mới, còn hai con gái nhỏ ở tạm tại ngôi nhà bị sóng đánh sập chỉ còn trơ lại vách.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, thông tin, cơn bão số 5 càn qua gây ra trận triều cường lịch sử, đã phá tan 120m kè biển. Theo thống kê, có trên 200 hộ dân (gần 1.000 nhân khẩu) bị ảnh hưởng. Trong đó, có 50 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn.

Nhiều nơi bị chia cắt, cô lập

Từ đêm 30 và ngày 31-10, trên địa bàn từ Đà Nẵng đến Bình Định xảy ra mưa to đến rất to. Nước từ thượng nguồn đổ về cộng với triều cường dâng cao đã khiến cho nhiều khu vực ở hạ lưu, vùng trũng thấp bị ngập chìm trong nước. Người dân nuôi cá lồng bè ở hạ lưu sông Trà Bồng mệt mỏi khi hàng chục tấn cá bị chết. Tại TP Quy Nhơn (Bình Định), ngay sau khi bão tan, người dân cả thành phố đã phải thức dậy để khắc phục, sửa sang nhà cửa. Chị Trần Thị Hải (đường Trần Phú) tỏ ra mệt mỏi: “Thức cả đêm vì gió bão kinh quá. Sáng ra thì thấy trước nhà như bãi chiến trường. Cả nhà phải lo dọn dẹp, chắc kiệt sức quá”.

Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Định bị nước lũ cô lậpẢnh: XUÂN HUYÊN

Tại một số chợ ở TP Quy Nhơn, mặt hàng thịt heo, thịt bò, hải sản tươi sống khan hiếm, giá tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg. Theo một số tiểu thương, nguồn cung mặt hàng rau, củ, quả cũng giảm mạnh.

Tại thủ phủ tôm hùm Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), cơn bão cũng gây ra thiệt hại lớn cho địa phương này. Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, thông tin, có 40 tàu thuyền bị chìm, gió bão thổi lên bờ gây thiệt hại nặng; 5 bè nuôi thủy sản bị gió bão đánh vỡ, nhiều ao nuôi thủy sản bị ngập làm cho thủy sản nuôi xổng ra ngoài; thiệt hại về tôm hùm cũng khá lớn, hiện vẫn chưa thống kê được số lượng tôm chết.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, 7 tàu vận tải (6 tàu Việt Nam, 1 tàu Panama), với 67 thủy thủ bị nạn ở vùng nước vịnh Quy Nhơn trong đêm 31-10, đơn vị chức năng đã hỗ trợ, ứng cứu an toàn cho 4 tàu vận tải. Ngoài ra, có 70 tàu cá neo đậu tại cảng Quy Nhơn cũng bị trôi neo trong bão.

Tuyến quốc lộ 40B (Quảng Nam) có 7 vị trí sạt lở. Đặc biệt, tại sông Trường và sông Nước Oa (địa phận huyện Bắc Trà My) mực nước dâng cao, các phương tiện không lưu thông được qua tuyến đường này, khiến Nam Trà My bị cô lập. Ngoài ra, tuyến đường đi các xã Phước Thành, Phước Công (huyện Phước Sơn) bị sạt lở hàng ngàn mét khối đất đá, khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Trong khi đó, tuyến quốc lộ 14H đoạn qua 2 huyện Duy Xuyên và Nông Sơn xuất hiện nhiều chỗ hư hỏng, nước lũ gây ngập sâu, chia cắt.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam tại Km1039+350 thuộc địa phận xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ và Km1022+217 thuộc địa phận xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã phải phong tỏa do nước mưa ngập, đất đá bồi lấp. Gần 500 hành khách trên các chuyến tàu khách SE22, SE10, SE4, SE2 phải tạm lưu lại tại các ga Phù Mỹ, Phù Cát. Tại xã Mỹ Chánh - vùng “rốn lũ” huyện Phù Mỹ (Bình Định), đến chiều tối 31-10, có 8/16 thôn ở xã Mỹ Chánh bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa nhiều nơi với lượng mưa từ 40mm đến 60mm. Riêng khu vực phía Đông, lượng mưa phổ biến từ 80mm đến 140mm. Mực nước trên các sông, suối xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ phổ biến 3 - 5m và đang tiếp tục lên. Thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Gia Lai, do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn đã có 129 căn nhà, 1 trụ sở xã, 1 trạm y tế bị tốc mái; 2 trường học bị tốc mái và 1 phòng học tại trường tiểu học bị ngập; 121ha cây trồng các loại (tiêu, ớt, lúa) bị ngã, đổ; 6 trụ điện trung thế bị gãy đổ...

Đến hơn 19 giờ ngày 31-10, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã cứu được 12/13 thuyền viên trên tàu Thành Công 999 bị nạn chìm trên vùng biển tỉnh Hà Tĩnh. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích còn lại.

Trước đó, khoảng 11 giờ 40 cùng ngày, tàu Thành Công 999, số đăng ký hành chính HP-4717, mang cấp VR-SB, có trọng tải 6.095,6 tấn đang chở bột đá, thực hiện hành trình từ vùng biển Thanh Hóa đến cảng Sơn Dương - Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), trên tàu có 13 người. Khi vào đến vùng biển cách cảng Sơn Dương gần 10km, trong điều kiện thời tiết xấu gió cấp 7 - 8, sóng cao 3-5m, phương tiện bất ngờ gặp sự cố máy lái và nghiêng trái, sau đó bị chìm.

Rạng sáng 31-10, triều cường dâng cao làm ngập nhiều hécta rau màu, diện tích ao nuôi cá nước ngọt, nuôi trồng thủy sản của người dân ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ngập nhiều nhất là huyện ven biển Ngọc Hiển với hàng trăm căn nhà ven sông, có khoảng 500m bờ bao vuông nuôi tôm bị tràn bờ, 25 bờ bao vuông nuôi tôm bị vỡ bờ bao, hơn 3,5km lộ giao thông bị ngập nước; nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái, ao nuôi cá nước ngọt bị ảnh hưởng, gây nhiều thiệt hại.

Triều cường dâng cao cũng làm đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn huyện Ngọc Hiển) cùng nhiều tuyến đường giao thông ở các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau bị ngập sâu trong nước, ảnh hưởng đến giao thông.

NHÓM PV

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/mien-trung-bao-dap-lu-don-73726.html