Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cần đúng đối tượng

Thể hiện sự đồng tình cao với việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN), song đại biểu Nguyễn Ngọc Phương(Quảng Bình) nhấn mạnh: Phải chỉ đạo chặt chẽ việc quản lý thực hiện miễn, giảm thuế đúng đối tượng, hạn chế bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Ông đánh giá như thế nào về tác động của chính sách miễn thuế SDĐNN đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

- Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là một giải pháp có tác động rất lớn, quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách của Chính phủ về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người dân, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn, có cơ hội đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Chính sách này cũng khuyến khích tập trung sử dụng đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo việc làm, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; từng bước tăng cường nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…

Ông có thể chia sẻ lý do mình đồng tình với việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN thêm 5 năm tới?

- Nhìn lại sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, DN đầu tư vào lĩnh vực này còn khiêm tốn, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 8% tổng số DN trên cả nước, trong đó có 93% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Có thể thấy rằng so với tiềm năng, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng DN như hiện nay còn khá ít, quy mô còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Để góp phần đạt mục tiêu về số lượng DN hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản đạt 3%/năm, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết.

Nhiều quan điểm cho rằng, mấu chốt nhất trong triển khai tiếp tục miễn thuế SDĐNN thời gian tới là phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh lợi ích nhóm. Quan điểm của ông như thế nào?

- Theo tôi, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN cũng phải xem xét kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong quản lý thực hiện đúng đối tượng; nâng cao kết quả, hiệu quả quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí.

Chính phủ cần phải tiếp tục tục thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với đất đang sản xuất nông nghiệp của tổ chức, của hộ gia đình, của cá nhân, kể cả trường hợp đất đã được thừa kế, trao tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất mà thành viên đã nhận giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và góp phần thành lập hợp tác xã. Tuy nhiên, đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức quản lý không trực tiếp sử dụng đất sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế 100% quyền sử dụng đất.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-can-dung-doi-tuong-127218.html