Miễn thuế linh kiện ô tô nhập khẩu: Gặp vướng vì danh mục của Bộ chuyên ngành

Căn cứ để thực hiện chương trình miễn thuế linh kiện ô tô NK là Danh mục linh kiện, phụ tùng xe buýt trong nước đã sản xuất được theo Thông tư 14/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hiện được thay thế bằng Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cơ quan Hải quan đang gặp vướng cũng chính từ Danh mục này.

Hải quan đang gặp khó khi thực hiện miễn thuế linh kiện ô tô NK. Ảnh minh họa.

1 mã hàng 2 phạm vi áp dụng

Nghị định 125/2017/NĐ-CP ban hành ngày 16/11/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó có quy định về Chương trình ưu đãi thuế linh kiện ô tô nhập khẩu tại Điều 7a của Nghị định 125/2017/NĐ-CP.

Cụ thể, tại điểm b Khoản 3 Điều 7a Nghị định 125/2017/NĐ-CP quy định: Linh kiện ô tô nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe ô tô phải thuộc danh mục nhóm 98.49 quy định tại Mục II Chương 98 của Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và thuộc loại trong nước chưa sản xuất được. Việc xác định linh kiện trong nước chưa sản xuất được căn cứ theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, từ ngày 16/11/2017 (ngày Điều 7a Nghị định 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực) đến ngày 14/5/2018, việc xác định linh kiện trong nước chưa sản xuất được căn cứ theo Thông tư 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đã được thay thế bằng Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/3/2018, có hiệu lực từ ngày 15/5/2018).

Theo phản ánh của Hải quan một số tỉnh, thành phố, tại Phụ lục V Thông tư 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định Danh mục linh kiện, phụ tùng xe trong nước đã sản xuất được, trong khi đó nội dung của phụ lục lại ngoài nêu riêng linh kiện cho xe buýt còn có cả xe ô tô con, xe tải. Vì vậy, nhiều đơn vị Hải quan thắc mắc, Danh mục linh kiện, phụ tùng xe buýt trong nước đã sản xuất được của Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT có áp dụng đối với các linh kiện, phụ tùng được sử dụng để lắp ráp cho xe loại khác hay không.

Phân tích cụ thể cho thấy, mã hàng 4016.93.20 tại Phụ lục IV và Phụ lục V Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT thì thấy, tại Phụ lục IV quy định Danh mục linh kiện, phụ tùng thay thế trong nước đã sản xuất được có dòng hàng 4016.93.20 với mô tả tên hàng thay thế là “miếng đệm và vành khung tròn”, không ghi là dùng cho xe ô tô, tại cột “Ký hiệu quy cách, mô tả đặc tính kỹ thuật” lại không có quy định cụ thể.

Cũng mã hàng này, tại Phụ lục V quy định Danh mục linh kiện, phụ tùng thay thế trong nước đã sản xuất được có dòng hàng 4016.93.20 với mô tả là “tấm cách nhiệt sau (cao su)”, tại cột “Ký hiệu quy cách, mô tả đặc tính kỹ thuật” ghi cụ thể “Theo tiêu chuẩn Toyota, dùng cho xe Innova”.

Như vậy, cùng 1 mã hàng mà tại 2 phụ lục quy định khác nhau và phạm vi áp dụng cũng khác nhau. Trong khi đó, theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC thì mã hàng 4016.93.20 có mô tả “- - - Miếng đệm và vành khung tròn, loại dùng cho xe có động cơ thuộc nhóm 87.02, 87.03, 87.04 hoặc 87.11”. Do đó, cơ quan Hải quan hiểu rằng dòng hàng “miếng đệm và vành khung tròn” thuộc mã 4016.93.20 tại Phụ lục IV Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT có thể sử dụng để lắp ráp ô tô hoặc xe mô tô nên được xác định là dùng để lắp ráp ô tô chung.

Vì vậy, để áp dụng thống nhất, Tổng cục Hải quan cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có hướng dẫn cụ thể đối với dòng hàng 4016.93.20 với mô tả tên hàng thay thế là “miếng đệm và vành khung tròn” tại Phụ lục IV và dòng hàng 4016.93.20 với mô tả là “tấm cách nhiệt sau (cao su)” tại Phụ lục V có là linh kiện, phụ tùng trong nước đã sản xuất được dùng để lắp ráp ô tô chung hay không?

Nhiều mã hàng không còn tại Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam

Theo phản ánh của rất nhiều cục hải quan tỉnh, thành phố, qua rà soát về mã số của các mặt hàng tại Phụ lục IV và Phụ lục V Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT, có rất nhiều mã hàng tại 2 phụ lục này không còn hoặc đã được chuyển thành mã khác trong Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC.

Theo liệt kê của Tổng cục Hải quan, có tới 196 mặt hàng cho xe ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) có sự chênh lệch giữa Phụ lục IV và Phụ lục V Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT và Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC, trong đó có các mặt hàng như: Tem đăng kiểm, dụng cụ tháo vành xe, máy lạnh, van chân không, ắc quy, giá đỡ động cơ, móc đỡ dây cáp, tấm cách nhiệt, dụng cụ phanh tay sau, kính cửa hậu, ống dầu phanh, khung gầm xe…

Đơn cử tại Phụ lục IV và Phụ lục V Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT mô tả mã hàng 4204.11.00 là “dụng cụ tháo vành xe” theo tiêu chuẩn Toyota, dùng cho xe Corolla; mô tả mã hàng 4016.99.14 là “Nắp đậy lỗ (cao su)” theo tiêu chuẩn Toyota, dùng cho xe Vios; mô tả mã hàng 4016.99.14 theo tiêu chuẩn Toyota, dùng cho xe Corolla; mô tả mã hàng 8507.20.91 là “ắc quy GS xít chì 12V, dung lượng phóng điện 34 AH, cao 22,7 cm”; mô tả mã hàng 8708.91.92 là “lưới che két làm mát, dưới”; mô tả mã hàng 8483.40.00 là “Bạc phụ tùng”; mô tả mã hàng 8708.99.93 là “Nhíp ô tô”… tuy nhiên, tại Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC không còn có những mã số này.

Cần hướng dẫn rõ hơn

Một mặt hàng khác cũng được Hải quan địa phương phản ánh là tại Phụ lục V “Danh mục linh kiện, phụ tùng thay thế trong nước đã sản xuất được” tại Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT quy định rõ tên hàng, mã hàng và tại cột ký hiệu, quy cách, mô tả đặc tính kỹ thuật ghi cụ thể là được dùng để lắp ráp cho dòng xe hoặc tiêu chuẩn của hãng xe cụ thể. Cụ thể, tại số thứ tự 47 của Phụ lục V quy định rõ là mặt hàng “giá đỡ lò xo giảm chấn hệ thống treo sau, phải”, mã số 8708.80.92, cột ký hiệu, quy cách, mô tả đặc tính kỹ thuật ghi cụ thể là mặt hàng “Theo tiêu chuẩn Toyota, dùng cho xe Vios”

Với quy định trên, theo cách hiểu của cơ quan Hải quan, chỉ các mặt hàng “giá đỡ lò xo giảm chấn hệ thống treo sau, phải”, mã số 8708.80.92 thì trong nước mới sản xuất được theo tiêu chuẩn Toyota và chỉ dùng cho xe Vios, chưa sản xuất được theo tiêu chuẩn khác và chưa dùng cho xe khác với xe Vios.

Theo đó, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng Phụ lục V, trong đó cần hướng dẫn rõ các linh kiện, phụ tùng có quy định, ký hiệu, quy cách, mô tả đặc tính kỹ thuật là được dùng để lắp ráp cho dòng xe cụ thể hoặc theo tiêu chuẩn của hãng xe cụ thể thì có được áp dụng cho dòng xe khác hoặc theo tiêu chuẩn của hãng xe khác với dòng xe hoặc hãng xe đã được quy định cụ thể hay không?

Để ưu đãi thuế NK linh kiện ôtô 0% cho 5 năm 2018-2022 với điều kiện hãng phải đạt sản lượng theo quy định, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa. Văn bản này có thêm điều khoản quy định về "Thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ôtô nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế".

Các hãng lắp ráp xe trong nước sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện là 0% nếu đạt được sản lượng quy định áp dụng cho xe con dưới 9 chỗ. Đây là đề xuất mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ từ tháng 8/2017. Nghị định này áp dụng cho khoảng 30 bộ linh kiện chính, mã HS từ 98.49.11 đến 98.49.40.

Để tạo thuận lợi cho DN và Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình ưu đãi thuế linh kiện ô tô NK tại Điều 7a của Nghị định 125/2017/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan đã có nhiều công văn hướng dẫn cụ thể cho hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện, trong đó hướng dẫn rất chi tiết về hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ, tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, xử lý tiền nộp thừa trong trường hợp DN đã nộp thuế…

Thu Trang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mien-thue-linh-kien-o-to-nhap-khau-gap-vuong-vi-danh-muc-cua-bo-chuyen-nganh.aspx