Miền Tây xứ Thanh tan hoang sau lũ

Đến sáng ngày 4/9, nước lũ trên các sông tại Thanh Hóa đã rút nhưng rất chậm. Cơn lũ lịch sử vừa qua đã khiến các huyện phía Tây của tỉnh như Mường Lát, Quan Hóa, Cẩm Thủy… bị thiệt hại nặng nề. Đã có 13 người chết và mất tích trong mưa lũ, hàng chục nghìn căn nhà bị sập và hư hỏng nghiêm trọng…, thiệt hại chưa thể đong đếm.

Tại huyện Cẩm Thủy: Đến sáng ngày 4/9, nước lũ đã bắt đầu rút đi nhưng hậu quả để lại thì vô cùng to lớn. Trong đợt lũ này, toàn huyện Cẩm Thủy đã có 3 người chết, 2 người vẫn còn mất tích, hơn 4.200 hộ, trên 21.000 khẩu bị ngập nhà cửa; gần 3.600 hộ với trên 20.000 khẩu phải sơ tán.

Có 11 điểm trường, 5 trạm y tế, 4 công sở, hàng chục nhà văn hóa thôn, bưu điện văn hóa xã, trạm biến áp và nhiều trạm bơm bị ngập, nhiều tuyến giao thông liên xã, liên thôn vùng trũng thấp vẫn đang chìm ngập trong nước. Các công trình giao thông, thủy lợi, viễn thống hư hỏng. Bên cạnh đó, hàng nghìn ha hoa màu, lúa, ngô, mía đang có nguy cơ mất trắng…

Đường biến thành sông, phương tiện đi lại duy nhất của người dân là thuyền, bè

Xã Cẩm Phong – nơi được xem là rốn lũ của huyện. Các con đường dẫn vào các thôn, đất bùn đọng lại trên mặt đường dày hàng chục cm. Việc đi lại, di chuyển của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Thấp thoáng sau các ngôi nhà còn ngập ngụa bùn đất là những khuôn mặt, thân hình hốc hác, bợt bạt vì nhiều ngày vật lộn với lũ dữ. Vẳng đâu đó có cả những tiếng khóc bi ai vì mất người, mất của. Sau đận lũ lịch sử này, nhiều gia đình tại Cẩm Phong đã rơi vào cảnh trắng tay.

Nước bắt đầu rút, người dân xã Cẩm Phong vật lộn trong bùn nước để thau rửa nhà cửa

Tại huyện Quan Hóa: Mưa lớn đã làm 618 nhà bị ảnh hưởng và thiệt hại. Trong đó có 119 nhà bị đổ sập, cuốn trôi hoàn toàn. Đến nay vẫn còn 6 xã đang bị mất điện; 4 xã cô lập thông tin liên lạc. Có 3 điểm trường bị sập hoàn toàn với 14 phòng học, 3 phòng công vụ và 2 nhà thư viện. Có 2 cầu treo bắc qua sông Mã tại các xã Phú Xuân và Trung Thành bị sập hoàn toàn; Diện tích lúa nước bị thiệt hại là 43,05 ha, có 10,2 ha cây luồng, xoan bị thiệt hại hoàn toàn, 15 con trâu, bò bị chết và cuốn trôi...

Những con đường ngập trong bùn đất, công tác khắc phục đang khẩn trương triển khai

Cùng với Mường Lát, Quan Hóa, Cẩm Thủy, các huyện như Quan Sơn, Bá Thước, Thạch Thành, Vĩnh Lộc cũng bị thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua... Ngay sau khi nước lũ bắt đầu rút, lực lượng chức năng tại các địa phương kể trên cũng đang khẩn trương hội trợ tối đa cho người vùng lũ; cùng bà con dọn dẹp, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý nước sạch, giải phóng các diện tích cây trồng bị hư hỏng, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.

65/89 căn hộ của người dân bản Poọng bị cuốn trôi

Tại huyện miền núi Mường Lát: Hiện nay, nhiều điểm đường về thị trấn Mường Lát đang bị chia cắt do đường bị sạt lở nghiêm trọng. Đến sáng ngày 4/9, tuyến đường 15C – nối huyện Mường Lát với miền xuôi vẫn bị chia cắt tại vị trí Cổng Trời, xã Trung Lý. Trong đợt mưa lũ này toàn huyện Mường Lát đã có đến 7 người chết và mất tích. Hiện nay xã Mường Chanh và bản Ón của xã Tam Chung vẫn còn bị cô lập, lực lượng chức năng vẫn chưa thể tiếp cận được với 2 địa phương này.

Các chiến sỹ biên phòng Mường Lát xuyên rừng cứu trợ cho bà con

Mưa lũ đi qua, để lại cho huyện Mường Lát những thiệt hại hết sức nặng nề, đã có hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và xô sập, hiện nay vẫn chưa thể thống kê hết các công sở, trường học, nhà văn hóa, cầu cống, công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ cuốn trôi và vùi lấp. Đa số diện tích hoa màu, lúa, ngô, sắn... của địa phương gần như mất trắng.

Hiện nay hàng trăm người dân đang được bố trí ăn, ở tại các doanh trại quân đội trên địa bàn huyện, phương tiện cơ giới chưa thể thông tuyến giữa huyện Mường Lát với các địa phương khác, vì vậy công tác khắc phục và cứu trợ nhân dân của các lực lượng chức năng đến các địa phương phần lớn là cắt rừng đi bộ.

Thiệt hại nghiêm trọng nhất là Bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát) có 89 hộ với 418 nhân khẩu chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Mưa lũ trong những ngày qua đã cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa của 65 hộ dân, 24 hộ còn lại bị ngập bùn đất, người dân phải sơ tán.

Bản Poọng sau lũ tang hoang, xơ xác, nhiều gia đình trắng tay, không còn nơi sinh sống. Hiện các lực lượng vũ trang đã tiếp cận được vào bản và sơ tán người dân về các doanh trại quân đội trên địa bàn huyện Mường Lát.

Người dân bản Poọng mất nhà cửa, nguy cơ nghèo đói đang hiện hữu, họ cần lắm sự chung tay chia sẻ của cả cộng đồng

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Cao Cường – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát không dấu được sự lo lắng của mình qua giọng nói, ông cho biết: "Thiệt hại tại Mường Lát là chưa từng có! Để giúp người dân ổn định đời sống, trước mắt huyện đang khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tại chỗ giúp bà con dựng lại nhà, vệ sinh môi trường. Điều chúng tôi cần nhất hiện nay là sự hỗ trợ lương thực, thuốc men từ bên ngoài.

Tuy nhiên, do giao thông bị cô lập, hiện đoàn cứu trợ của tỉnh Thanh Hóa đã lên đến dốc Cổng trời, thuộc địa bàn xã Trung Lý, xe ô tô không thể di chuyển qua được. Trước tình hình đó, đoàn đã chuyển sang phương án vận chuyển bằng xe máy, đi đến đâu tiếp tế mì tôm và nước uống cho bà con đến đó. Mường Lát tan hoang sau trận lũ lịch sử đang cần lắm sự chung tay chia sẻ của cả cộng đồng”.

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/mien-tay-xu-thanh-tan-hoang-sau-lu-20180904084122361.htm