Miền Tây vượt qua hạn mặn lịch sử thế nào?

Dù có lúc nhiễm mặn khiến nông dân phải chặt cây, khô hạn khiến người dân mua nước tưới nhưng nhờ dự báo, nhận dạng sớm, miền Tây đã vượt qua được thử thách này.

90 tuổi, ông Lê Văn Mây, ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vừa dọn dẹp đống củi chặt từ những gốc chôm chôm 20 năm trong vườn vì hạn mặn vừa chia sẻ: "Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa thấy năm nào hạn mặn khủng khiếp như năm nay". Ông là một trong những nông dân miền Tây tiêu biểu phải hứng chịu những tác động nặng nề của đợt hạn mặn kỷ lục năm 2020. Cuối tháng 4/2020, ở huyện Chợ Lách, thủ phủ cây ăn trái của miền Tây, còn nhiều gia đình nữa giống như ông, phải chặt bỏ hoặc tìm mọi cách cầm cự cho vườn cây.

Cùng thời gian đó, hồ nước ngọt Kênh Lấp lớn nhất miền Tây ở huyện Ba Tri, Bến Tre cũng cạn trơ đáy, khiến cuộc sống của người dân trong khu vực gặp không ít khó khăn. Được đưa vào hoạt động tháng 8/2019, với sức chứa gần 1 triệu m3 nước, hồ nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri, Bến Tre là nơi trữ nước ứng phó hạn mặn lớn nhất miền Tây. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020, hồ đã cạn trơ đáy, nhiều đoạn nứt nẻ.

Khi hồ bị cạn, huyện Ba Tri thường xuyên phối hợp các nhà máy nước để cung cấp nước liên tục trên địa bàn. Nhưng nguồn nước cấp vào nhà máy đang bị nhiễm mặn, dẫn đến nguồn nước cung cấp cho các hộ dân bị nhiễm mặn từ 2.6 - 8.3‰. Một số hộ dân thiếu nước ngọt phải mua nước đổi từ các xe bồn dao động từ 70.000 - 150.000 đồng/m3. Bên cạnh đó, một số gia đình cũng tìm cách dự trữ được lượng nước ngọt nhỏ vào các chum, vại nhưng không đáng kể.

Trước đó, vào tháng 3, Cà Mau cũng phải công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh. Đến đầu tháng 5/2020, tỉnh Cà Mau có 1.136 vị trí sụt lún đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 24km, chủ yếu xảy ra ở huyện Trần Văn Thời. Trong đó, các tuyến đường bị sụt lún nghiêm trọng nằm ở khu vực Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc; Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc; đường phòng hộ đê biển Tây và đường về trung tâm xã Trần Hợi, xã Khánh Bình Tây Bắc, xã Khánh Bình Tây...

Chính quyền địa phương nhận định, nguyên nhân sụt lún là do ảnh hưởng của hạn hán, nước trên kênh cạn, đất bị co ngót, nền đất yếu nên đẩy bùn ra lòng kênh gây ra sụt lún. Nhằm khắc phục sự cố do thiên tai, thời điểm đó, UBND tỉnh Cà Mau có Công văn kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh khắc phục khẩn cấp khoảng 1.690 tỷ đồng. Trong đó, khắc phục do hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 là 300 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thủy lợi, mùa khô 2019-2020 xuất hiện sớm hơn so trung bình nhiều năm. Điểm khác thường nữa là thời gian hạn mặn kéo dài gấp đôi so với mùa khô năm 2016. Mức độ gay gắt và liên tục duy trì ở mức cao trong cả mùa khô. Độ mặn ở các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao liên tục suốt từ tháng 2 đến tháng 5. Hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho biết, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến 10/13 tỉnh vùng ĐBSCL. Đối với vụ đông xuân 2019-2020, diện tích lúa bị ảnh hưởng khoảng 41.900 ha/1.541.000 ha tổng diện tích gieo trồng toàn vùng (chiếm tỷ lệ 2,7%). Trong đó, thiệt hại mất trắng 26.000 ha ở các tỉnh Trà Vinh 14.300 ha, Tiền Giang 4.500 ha, Sóc Trăng 4.100 ha, Kiên Giang 1.600 ha, Long An 800 ha, Cà Mau 600 ha.

Riêng diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 6.650 ha, gồm: Long An 2.397 ha, Tiền Giang 2.297 ha, Bến Tre 931 ha, Vĩnh Long 740 ha, Trà Vinh 267 ha, Sóc Trăng 18 ha, trong đó thiệt hại mất trắng khoảng 355 ha.Ngoài ra, ảnh hưởng nước sinh hoạt trong đợt hạn, mặn vừa qua khoảng 96.000 hộ. Mặc dù phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015-2016 nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt giảm khoảng 114.000 hộ so với năm 2015-2016.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhưng chúng ta nhận dạng sớm các thách thức này. Ngay từ tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai một hội nghị đến các lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL bàn những nhóm giải pháp để ứng phó. Vì vậy, khi xảy ra hạn mặn chúng ta đã giảm thiểu được thiệt hại.

Theo Bộ trưởng, việc bố trí diện tích, cơ cấu thời vụ phù hợp với tình hình diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với xâm nhập mặn. Giải pháp này cần phải tiếp tục nghiên cứu, triển khai áp dụng cho ĐBSCL và các khu vực trên cả nước.

Ngoài ra, công tác thủy lợi như nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát mặn đóng vai trò rất quan trọng. Như khu vực Bảy Núi, An Giang, nhờ thực hiện tốt các phương án thủy lợi vùng cao mà ở đây vẫn ngập nước trong mùa hạn mặn. Theo ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang, từ năm 2018 - 2020, tỉnh xây dựng thêm 5 hồ thủy lợi và 3 trạm bơm tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, các công trình này bảo đảm mức tưới là 75%, mức bảo đảm tiêu là 90%.

Việc giữ được nguồn nước sẽ cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ phòng, chống cháy rừng hơn 1.200 ha, sản xuất nông nghiệp trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa thuận lợi hơn. Các công trình đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho 80.000 hộ dân vùng Bảy Núi.

Bộ trưởng NN-PTNT cho rằng, trong đợt xâm nhập mặn vừa qua, diện tích ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp giảm nhiều nhờ sự đóng góp không nhỏ của các công tác thủy lợi. Cuối năm 2019, dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn một được Bộ NN-PTNT triển khai xây dựng tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Hệ thống được xây dựng trên 2 sông Cái Lớn và Cái Bé của tỉnh Kiên Giang.

Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi rộng 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản 346.241 ha. Ngoài ra, kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đối khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp; giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô.

Theo thiết kế, cống sông Cái Lớn có chiều rộng thông nước 455m, gồm 11 khoang và âu thuyền rộng 15m. Cống sông Cái Bé có chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang và âu thuyền rộng 15m. Cửa van cống, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Trên cống có cầu giao thông. Đê nối hai cống với quốc lộ 61 dài hơn 5,7km, mặt đê rộng 9m, phần xe chạy 7m. Khi hoàn thành, dự án này cùng 16 đập ngăn mặn do địa phương sắp triển khai sẽ khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi ven biển Tây, mang lại hiệu quả tích cực cho sản xuất và đời sống của người dân Kiên Giang cũng như các tỉnh lân cận trong vùng bán đảo Cà Mau.

Việc đồng bộ nhóm giải pháp các công trình ứng phó hạn, mặn. Đẩy nhanh tiến độ thi công và kịp thời đưa vào sử dụng ngay trong mùa hạn mặn này cũng là một nguyên nhân giúp giảm thiểu ảnh hưởng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Trong đó, ngày 30/1/2020, cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu) chính thức đưa vào sử dụng, kiểm soát mặn kịp thời, để phục vụ sản xuất và dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình sớm, rút ngắn thời gian thực hiện khoảng 13 tháng. Ông Huỳnh Hoài Hận, Trưởng trạm Quản lý Thủy nông thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), cho biết, từ khi cống âu thuyền Ninh Quới được đưa vào vận hành đến nay đã đáp ứng được nhu cầu ngăn mặn. Hệ thống nước từ sông Quản lộ Phụng Hiệp về thị xã Ngã Năm nếu không có cống âu thuyền Ninh Quới thì đến thời điểm này vùng ngọt nơi đây sẽ bị nhiễm mặn rất nhiều. Ngoài ra, cống âu thuyền Ninh Quới còn có thể điều tiết độ mặn cho vùng nuôi tôm ở phía Bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu.

Nhờ nhận dạng, dự đoán sớm các thách thức từ hạn mặn trong năm 2020 cùng với sự chỉ đạo điều hành sớm, sát sao các giải pháp ứng phó từ Chính phủ đến địa phương và các cơ quan chuyên môn và nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn, người dân chủ động ứng phó, tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn đã làm giảm thiệt hại rất nhiều. Có thể nói, ĐBSCL đã vượt qua một mùa hạn, mặn nhất trong lịch sử. Từ đó có thể nhìn lại tổng thể để đánh giá, rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai.

Tùng Đinh

Chia sẻ Facebook

2 0

Quan tâm

Tùng Đinh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/mien-tay-vuot-qua-han-man-lich-su-the-nao-i266790.html