Miền Tây sẽ sạt lở dữ dội vào đầu mùa mưa tới

Dự báo nguy cơ sạt lở bờ sông sẽ gia tăng do hạn, mực nước sông hạ thấp, bờ sông trở nên cao hơn so với mặt nước khiến bờ sông nặng và dễ sụp hơn.

ĐBSCL đang gồng mình chống chọi với hạn-mặn cực đoan, người dân nhiều nơi vất vả vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Trong bối cảnh đó còn một nguy cơ cần được cảnh báo sớm, đó là sạt lở bờ sông có thể dữ dội vào đầu mùa mưa tới.

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, vào đầu mùa mưa tháng 6-7 tới đây, khi mực nước sông còn thấp nhưng bắt đầu chảy mạnh bởi nước lũ từ thượng nguồn Mekong đổ về sẽ gia tăng áp lực bào mòn vào chân bờ sông. Điều này sẽ tạo hàm ếch rỗng chân ăn sâu vào bờ phía bên dưới, khi đó khối đất sẽ đổ ụp xuống sông.

"Nước đói" dư năng lượng qua điểm cong

. Phóng viên:Thưa ông, những nơi nào dễ bị sạt lở nhất và cần phải đề phòng?

ThS Nguyễn Hữu Thiện

+ ThS Nguyễn Hữu Thiện:Từng điểm cụ thể, rủi ro sạt lở tùy vào đặc điểm của bờ và của dòng chảy tại nơi đó. Đối với dòng chảy, rủi ro tăng cao ở những nơi dòng sông bị thắt lại vì dòng chảy đi ngang qua đó phải tăng tốc, chảy mạnh hơn. Nếu dòng chảy bị lấn một bên thì áp lực gia tăng bên kia, nếu lấn hai bên thì áp lực gia tăng cả hai bờ và đào hố sâu ở đáy sông. Rủi ro cũng tăng cao ở những nơi sông cong. Dòng chảy luôn có khuynh hướng muốn đi thẳng nhưng đến đoạn sông cong buộc phải đổi hướng nên sẽ tạo lực ly tâm va đập vào bờ phía vịnh, tức là phía lõm, đồng thời đường tim sông (đường sâu nhất dọc theo sông) lẽ ra đi giữa sông thì bị dời sát vào phía vịnh.

Lực ly tâm qua đoạn sông cong cũng làm cho mực nước phía vịnh bị đẩy lên cao hơn so với bờ bên kia. Tùy theo sức mạnh dòng chảy và độ cong của dòng sông, sự chênh lệch mực nước có thể không thể nhận biết bằng mắt thường. Mực nước bị đẩy lên cao như thế sẽ bị trọng lực kéo xuống làm xoắn dòng chảy.

Như vậy tại điểm cong này, dòng chảy vừa đi tới vừa xoắn, như là “mũi khoan nước”. Vào đầu mùa lũ, khi dòng nước mạnh lên nhưng mực nước còn thấp, “mũi khoan nước” này nạo vào chân bờ sông tạo hàm ếch và nạo vào đáy sông tạo vực thẳm. Lúc này bờ sông ở trên không có gì chống đỡ, đổ ụp xuống. Ngày xưa vẫn luôn có dòng chảy xoắn ở những vị trí vịnh đó, nạo vét chân bờ nhưng đỡ hơn vì nó mang nặng phù sa mịn và có đủ cát để tiêu hao năng lượng. Còn bây giờ, phù sa và cát đều thiếu hụt nên dòng chảy bị dư năng lượng, hình thành “nước đói” có sức công phá lớn, nó đào vực thẳm và cắt đứt chân bờ sông nhanh hơn xưa.

. Vậy nguyên nhân sâu xa của sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL trong những năm gần đây là gì?

+ Nguyên nhân sâu xa của sạt lở bờ sông, bờ biển khắp nơi là thiếu hụt phù sa trong nước và thiếu hụt cát, mà nguyên nhân đằng sau là sự chặn cát và phù sa của các đập thủy điện và khai thác cát trên sông Mekong. Thiếu hụt phù sa trong nước làm cho thiếu hụt vật liệu bồi đắp đồng bằng, đồng thời làm cho dòng nước ít đục hơn, nhẹ hơn và trở thành “nước đói” phù sa (hungry water) bào mòn bờ sông và đáy sông, gây sạt lở và làm cho “mũi khoan nước” ở những đoạn sông cong trở nên hung hãn hơn.

Thiếu hụt cát sẽ làm cho đáy sông bị hạ thấp hơn và gia tăng chiều cao, sức nặng của bờ sông như đã bàn ở trên. Nghiên cứu của các nhà khoa học ĐH Lyon (Pháp) cho biết từ năm 1998 đến 2008, sông Tiền và sông Hậu do mất cát đã bị hạ thấp trung bình 1,3 m… Khi đáy sông chính bị hạ thấp, quá trình tái phân phối đáy sông sẽ diễn ra. Sông chính sẽ rút đáy sông nhánh ra, sông nhánh sẽ rút đáy sông rạch nhỏ hơn, cứ như thế làm cho toàn bộ đáy sông rạch bị sâu thêm. Điều này giải thích tại sao sạt lở lan tỏa khắp nơi, cả những nơi không có khai thác cát.

Thiếu hụt cát trong sông cũng làm cho đoạn bờ biển 250 km phía đông ở vùng cửa sông Cửu Long bị thiếu hụt cát, gia tăng sạt lở bờ biển. Thiếu hụt bùn làm cho lớp nước biển bao bọc quanh bờ biển ĐBSCL khoảng 30 km từ bờ ra bị bớt đục, nhẹ hơn, thiếu vật liệu bồi đắp bờ biển, giảm khả năng hấp thu năng lượng sóng, gia tăng sạt lở những đoạn bờ biển bùn.

Ngày 1-8-2019, quốc lộ 91 đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, An Giang đã liên tục sạt lở đất khiến nửa mặt đường nhựa trôi xuống sông Hậu. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Ngày 1-8-2019, quốc lộ 91 đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, An Giang đã liên tục sạt lở đất khiến nửa mặt đường nhựa trôi xuống sông Hậu. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Sau khi quốc lộ 91 bị sạt lở, ngành chức năng đã chi tiền tỉ gia cố bằng cách thả bao cát nhưng khu vực này vẫn sạt lở. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Cần hạn chế khai thác cát

. Theo ông, đâu là giải pháp ngắn hạn và lâu dài cho ĐBSCL?

+ Trước mắt, người dân sống ven sông rạch và chính quyền địa phương cần tiên liệu rằng sạt lở có thể diễn ra dữ dội đầu mùa mưa khoảng tháng 6-7. Đặc biệt chú ý các địa điểm sông cong, nơi bờ sông cao, đất nhiều cát, mái dốc quá hẳm và các đoạn sông Hậu, sông Tiền ở An Giang, Đồng Tháp để theo dõi chặt chẽ, di dời sớm và chuẩn bị lực lượng ứng cứu.

Đối với bối cảnh chung, nguyên nhân gốc của vấn đề là thiếu cát và thiếu phù sa, cần hạn chế khai thác cát ở nội tại ĐBSCL. Việc này khó khăn vì nhu cầu cát rất lớn. Còn lại tất cả hành động ở ĐBSCL đều không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ là thiếu cát, phù sa, tức mọi hành động chỉ là ứng phó, chống đỡ và sạt lở sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Trong tình hình đó, chỉ còn cách ứng phó tình huống và so sánh, chọn lựa phương án cho từng vụ sạt lở cụ thể. Chọn biện pháp công trình hay phi công trình, điều quan trọng là xem có khả thi hay không, quan trọng nhất là xem có bảo vệ được phần chân bờ sông hay không. Nếu phần chân không thể bảo vệ thì sạt lở vẫn diễn ra.

Ở những nơi không thể bảo vệ thì chọn phương án rút lui, chấp nhận bỏ; ưu tiên dùng kinh phí để tái định cư, ổn định đời sống sớm cho người dân.

Cũng cần cân nhắc chi phí - lợi ích, chỉ nên chi phí lớn để bảo vệ những nơi xung yếu không thể bỏ, biết rằng can thiệp nơi này có thể gây sạt lở nơi khác. Đem cát nơi khác đắp nơi này thì gây thiếu hụt chung và gia tăng sạt lở toàn hệ thống sông. Cuối cùng, trước khi sạt lở thì nên xem là tình huống khẩn cấp. Khi sạt lở đã xảy ra, ở giai đoạn khắc phục thì việc phân tích thấu đáo, chọn đúng phương án hiệu quả mới là ưu tiên số một.

. Xin cám ơn ông.

Di dời những ngôi nhà cạnh bờ sông để giảm tải nặng

Theo TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, ĐH Quốc gia TP.HCM, tình hình sạt lở ở ĐBSCL ngày càng trở nên nghiêm trọng vì nhiều lý do.

Theo đó, một trong những lý do gây sạt lở là địa chất đồng bằng yếu, nên khi chất tải nặng từ nhà cửa, đường sá sẽ dễ gây sạt lở.

Đồng quan điểm với ThS Nguyễn Hữu Thiện, TS Hồ Long Phi cũng cho rằng nhiều dòng sông hiện nay bị khai thác cát bừa bãi làm cho lòng sông ngày càng sâu hơn, sóng từ các tàu bè va đập vào bờ làm cho đất càng lúc càng yếu dần và gây lở đất. Nguyên nhân nữa là do phù sa bị giữ lại ở thượng nguồn, ở các hồ chứa khiến cho các dòng sông “đói” dẫn đến bào mòn dữ dội hơn.

Chính vì vậy, biện pháp làm được và nên làm ngay là ngưng khai thác cát, ngưng nạo vét ở các dòng sông. Đồng thời, kết hợp biện pháp bảo vệ bờ để chống sóng do tàu thuyền va đập, có thể trồng tre, cắm cọc hoặc trồng cây ven bờ. Ngoài ra, cần có kế hoạch di dời những ngôi nhà cạnh bờ sông, những con đường nằm cạnh bờ sông để giảm tải nặng. Nếu có kế hoạch làm đường mới, nên làm sâu vào trong hơn để tránh tải nặng.

NGUYỄN CHÂU

HẢI DƯƠNG thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/mien-tay-se-sat-lo-du-doi-vao-dau-mua-mua-toi-903844.html