Miền Tây 'nóng' chuyện Trạm BOT T2, sau khi khánh thành cầu Vàm Cống

Sau khi khánh thành cầu Vàm Cống nối Đồng Tháp và Cần Thơ vào ngày 19/5, những ngày qua, giới tài xế lại 'nóng' lên vì Trạm BOT T2 đặt sát đường dẫn vào lối lên cầu. Bởi nhiều người sang cầu, chỉ đi vài trăm mét đường để rẽ về An Giang và ngược lại cũng phải trả phí cho cả tuyến đường BOT quốc lộ 91.

“Chúng tôi khẳng định BOT đặt sai”

Sau khi cầu Vàm Cống khánh thành phía hạ lưu sông Hậu (so với phà Vàm Cống), thì xe từ hướng Đồng Tháp, qua cầu, rẽ về An Giang, đi vài trăm mét đường quốc lộ 91 phải đóng phí toàn tuyến, và ngược lại! Vì vậy, từ ngày 21/5, nhiều tài xế đã bức xúc, đậu xe án ngữ các làn tại Trạm T2, yêu cầu chỉ thu đúng số mét đường mà họ đi. Chiều 23/5, nhiều tài xế đến trạm, đưa đúng… 2.000đ, yêu cầu cho xe qua để lên cầu Vàm Cống, vì theo họ: “Không đi về hướng Cần Thơ theo quốc lộ 91!”. Nhiều lần, chủ đầu tư phải cho xả trạm vì kẹt xe kéo dài…

Anh Công, 1 tài xế bức xúc viết lên mạng xã hội: “Bây giờ BOT nó làm là nó phải thu phí, hợp lý chứ không phải sai. Nhưng cái sai là nó đặt sai vị trí cái trạm”. 1 tài xế ở An Giang, cũng khẳng định, rất bất bình đối với những trạm BOT đặt không đúng chỗ, nhất là trạm BOT T2. “Ở An Giang, trạm T2 đặt như vậy là rất bất hợp lý, bởi nhiều xe đi từ An Giang lên Cần Thơ chỉ sử dụng vài trăm mét quốc lộ 91 rồi rẽ sang quốc lộ 80 đi Kiên Giang hay lên cầu Vàm Cống thì phải trả phí cho toàn tuyến”, anh này nhận định.

Niềm vui có cầu Vàm Cống, người dân An Giang có hưởng trọn vẹn hay không khi Trạm thu phí BOT T2 vẫn chưa chịu di dời.

Niềm vui có cầu Vàm Cống, người dân An Giang có hưởng trọn vẹn hay không khi Trạm thu phí BOT T2 vẫn chưa chịu di dời.

Thiệt thòi cho người dân An Giang

Suốt thời gian dài, người dân, doanh nghiệp và chính quyền gửi kiến nghị lên Bộ GT-VT hình như là vô vọng. Ông N.B.N. - chủ 1 doanh nghiệp vận tải tỉnh An Giang cho biết: “Doanh nghiệp hiện sở hữu 15 xe tải các loại chạy cố định tuyến An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang. Mỗi ngày tuyến Kiên Giang, có đến 7 xe tải 15 tấn phải qua BOT T2. Nhiều lần tôi đã gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị xem xét giảm giá thấp nhất nhưng đến nay vẫn chưa có thỏa đáng cho doanh nghiệp. Việc đi tuyến Kiên Giang chúng tôi nếu đi 5 xe tải đi và về qua trạm BOT T2 thì mất 1,4 triệu đồng/ ngày. Tổng chi phí phải trả cho vài trăm mét mỗi tháng tôi mất 42 triệu đồng”, ông Ngọc nói.

Còn anh Hùng (45 tuổi, ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) tâm sự: “Tính ra đi vòng cầu Vàm Cống xa hơn đi phà trước kia 11km, nhưng nhanh hơn vì chờ phà mất hết 30 - 40 phút. Còn đi cầu mất 18 phút, tính ra tiết kiệm 12-22 phút. Giờ đi cầu, phải qua BOT T2, nếu tính toán thì mức “thiệt hại” như sau: 11 km xa hơn mất 0,8-0,9 lít xăng (tính xe đi 8 lít cho 100km) x giá xăng 21.000đ thì mất khoảng 17.000đ. Vé phà 25.000đ, còn phí Trạm T2 35.000đ, tức lỗ thêm 10.000đ. Tổng cộng tôi mất 27.000đ. Mỗi tháng tôi đi 6 lượt thì mất 162.000đ, tương đương 16kg gạo. Quy ra lúa 5.000đ/kg thì mất toi hết 32kg lúa. 1 năm nhân lên là bộn. Tôi mong những người có thẩm quyền sớm trả lại sự trong sạch cho quốc lộ 91, mang niềm vui cho dân An Giang sau khi cầu Vàm Cống khánh thành”.

Trạm BOT T2 khi đặt chưa đúng chỗ gây thiệt thòi cho người dân lẫn doanh nghiệp An Giang.

Chủ đầu tư và các Bộ, ban ngành họp khẩn, “đóng cửa” báo chí.

Mới đây, Sở GTVT TP Cần Thơ đã có công văn hỏa tốc, mời đại diện Bộ, ban ngành và 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp về họp khẩn vào sáng 23/5, bàn về chuyện trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91, bị tài xế phản ứng. Nội dung cuộc họp để nghe báo cáo tình hình mất an ninh trật tự tại Trạm BOT T2 và bàn về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại Trạm thu phí T2… Tuy nhiên, phóng viên các báo không được dự.

Trưa 23/5, thông tin với báo chí sau cuộc họp, ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở GT-VT tỉnh An Giang, cho biết: “Chúng tôi giải thích rằng, việc xử lý để tạo đồng thuận nên phải xem xét lại. Và chúng tôi đề xuất 1 giải pháp đơn giản là những xe từ Kiên Giang hoặc từ cầu Vàm Cống rẽ về An Giang thì họ sẽ phát cho 1 thẻ, khi tới trạm T2 thì họ sẽ trả cái thẻ đó và họ mua cái vé với số tiền 2.000đ để qua trạm - tương đương với 300m đường. Còn những xe đi hướng An Giang đi về Kiên Giang hoặc qua cầu Vàm Cống về Cần Thơ thì có 2 phương án: có thể phát cho họ cái vé 2.000đ khi qua Trạm T2. Đến ngã rẽ, nếu xe đi Kiên Giang và lên cầu Vàm Cống thì đi tự do, còn xe về Cần Thơ thì xuống tới Trạm BOT T1 Cần Thơ họ mua thêm 1 vé 33.000đ - tổng cộng họ mất phí 35.000đ.

Còn phương án 2, nếu nhà đầu tư sợ thất thu thì có thể bán cho tài xế 35.000đ ở Trạm T2 nhưng khi tài xế không về Cần Thơ mà về Kiên Giang hoặc lên cầu Vàm Cống thì phải trả lại cho cánh tài xế 33.000đ. Chúng tôi đề xuất như thế, kết quả vắn tắt cuộc họp với giải pháp này, quận Thốt Nốt, Công an TP Cần Thơ... ủng hộ chứ không theo hướng miễn giảm như cũ (xe gần trạm mới miễn giảm)”.

Cũng theo ông Trí, xử lý phương án dời trạm là không khả thi, tất cả các thành phần dự họp hôm 23/5 đều đồng thuận. “Việc dời trạm rất tốn kém và tranh chấp, không cần thiết, bởi vì chúng ta có rất nhiều giải pháp, tội gì phải xử lý biện pháp dời trạm cho tốn biết bao nhiêu tiền bạc vào đó không cần thiết”, ông Trí nói.

Đại diện 4 tỉnh, TP (Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) cũng không thống nhất với phương án miễn giảm đang áp dụng, mà yêu cầu xử lý theo hướng “xài bao nhiêu mét đường thì trả bấy nhiêu tiền”. Ngành công an cũng yêu cầu trong vòng 15 ngày, Tổng cục Đường bộ cần hoàn chỉnh phương án xử lý Trạm BOT T2, trình với Bộ GT-VT phê duyệt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

“Nếu dời Trạm BOT T2, chủ đầu tư sẽ gặp khó về tài chính, lẫn nguồn lực”

Ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ, nhận định: “Riêng Trạm T2, chúng tôi đã giảm phí cho khoảng 16.000 xe thuộc địa bàn An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ... Sắp tới, nếu Đồng Tháp có ý kiến, chúng tôi cũng sẽ miễn giảm theo tiêu chí của Bộ GT-VT và danh sách đề xuất của địa phương, để tránh bất công cho các hộ gần với trạm thu. Về vị trí đặt trạm, nhà đầu tư không quyết định được! Với 1 dự án đầu tư, phải được Bộ GT-VT phê duyệt, và cơ quan tư vấn, chính quyền địa phương… đề xuất và đồng ý vị trí… chúng tôi mới thực hiện. Ngay cả giá vé, thời gian thu, chúng tôi cũng không thể quyết định, mà phải tuân thủ theo quy định chung của Bộ Tài chính, Bộ GT-VT…

Trạm T2 đã thu phí từ tháng 4/2016, nên tạm gọi đó là câu chuyện đã cũ. Và ngày 19/5, cầu Vàm Cống khánh thành, và đây là câu chuyện mới. Khi phà Vàm Cống không còn, số xe trước đây đi bằng phà, rồi rẽ thẳng vào trung tâm An Giang, lên Châu Đốc… không qua Trạm T2, nay đi cầu Vàm Cống tức phải qua trạm, đóng phí nên bức xúc. Nhưng cũng thông cảm, có cái nhìn đầy đủ giúp chúng tôi: nhiều xe từ hướng Đồng Tháp qua, rẽ về Cần Thơ hay đi Kiên Giang, trước đi bằng phà thì phải qua T2, phải đóng phí. Còn giờ có cầu, họ xuống dốc, chạy thẳng về Thốt Nốt, về tận trung tâm quận Ô Môn (chưa đến Trạm T1), sang Rạch Giá, có tốn đồng nào phí đâu, vì trạm đặt phía bên kia ngã ba. Và tới đây, khi An Giang hoàn thành tuyến tránh TP. Long Xuyên, thì xe cộ qua phà Vàm Cống, theo hướng đó về An Giang cũng không qua trạm T2. Phương án hoàn vốn đầu tư của chúng tôi lại gặp khó!

Trước mắt, khi phát sinh “cái mới” là cầu Vàm Cống, không thể có sự công bằng tuyệt đối! Nhưng dư luận lên tiếng, tôi mong Bộ GT-VT, chính quyền địa phương ngồi lại, bàn giải pháp tốt nhất, tạo sự đồng thuận của người dân, và chúng tôi sẽ chấp hành theo”.

TÔ VĂN

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/mien-tay-nong-chuyen-tram-bot-t2-sau-khi-khanh-thanh-cau-vam-cong-d2067342.html