Miền Tây mùa nước nổi, có gì 'lạ' không em?

Chúng tôi thực hiện chuyến đi về vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày gần cuối mùa mưa phương Nam với mong ngóng được trải nghiệm mùa nước nổi vùng này. Khi nơi nơi đều là mênh mông nước, cuộc sống đặc trưng vùng miền Tây Nam Bộ cũng thể hiện rõ nét nhất, với dồi dào sản vật thiên nhiên xứ sở và con nước trĩu đục phù sa cho mùa màng cây trái tốt tươi.

Chợ nổi Cái Răng mỗi năm một thưa thớt

Chợ nổi Cái Răng mỗi năm một thưa thớt

Hứa hẹn du thuyền, cuối cùng đi… ghe

Chúng tôi bắt đầu hành trình TP.Hồ Chí Minh - miền Tây trong một buổi chiều mưa xối xả, thành phố mùa này cứ vậy. Sau cơn trút nước, mây mù giăng kín trời, đường đi lõm bõm nước, không khỏi có cảm giác mọi thứ đều đang chống lại mình, tất nhiên nếu lý trí thì sẽ thấy ngược lại. “Hãy đi khi còn có thể”, câu nói của bạn làm tôi suy nghĩ và quyết định về miền Tây xem mùa nước nổi, bất chấp trở ngại thời tiết.

Phương tiện di chuyển là con “ngựa sắt” già khú đế, mặc định chết máy khi ướt bugi. Nó cõng trên mình hai gã đàn ông, và mớ đồ máy móc điện tử làm phim trị giá hơn năm mươi triệu đồng mà nếu chẳng may bị ướt, có thể chỉ còn là phế liệu.

Đáng lo hơn, đó là tất cả tài sản anh bạn tôi có được sau đợt vừa rồi về quê cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng. “Hay là để ngày mai hãy đi”, tôi khuyên, nhưng bạn vẫn quyết.

Khi đã rời khỏi thành phố, chúng tôi lúc này mới hỏi nhau, mình sẽ dừng chân tại đâu, và Cần Thơ là lựa chọn cuối cùng. Quãng đường chưa đầy 200 cây số, chúng tôi tính được khoảng thời gian di chuyển, bạn nói buổi tối sẽ mời tôi lên du thuyền, uống bia và nghe đờn ca tài tử, ngắm thành phố Cần Thơ từ ngoài sông nước. Không ngờ nhiều lần gặp cảnh tắc đường, đến nơi và tìm được chỗ trọ thì đã gần 20 giờ, không còn kịp nữa.

“Du thuyền đã ngoài giữa sông rồi”, anh bảo vệ cho biết khi chiếc xe máy chở hai thằng vừa lết tới bãi gửi xe trước bến Ninh Kiều. Chúng tôi quay xe chuẩn bị đi thì một chị phụ nữ từ trong công viên chạy ra, gọi với theo chúng tôi và vài người đi bộ gần đó. Thì ra là chị muốn hỏi chúng tôi có muốn đi chợ nổi Cái Răng lúc rạng sáng ngày mai hay không?

Đang chưa có kế hoạch ngày mai nên có người gợi ý, chúng tôi đồng ý ngay. Để giữ ghe, tôi đặt cọc cho chị 50 nghìn đồng, còn chị thì cho tôi xin số điện thoại và tên của chị - chị Hòa. “Sáng mai, lúc 5 giờ, hai em có mặt ở đây chị đón”, chị Hòa nói. Thật vậy, rạng sáng hôm sau chị chủ động gọi và lúc chúng tôi có mặt thì thấy chị đã đón khách ở bến, phân phó xuống các ghe nhỏ.

Khách du lịch ăn sáng trên những chiếc ghe được neo lại với nhau

Người lái ghe là cậu bé tuổi chừng học sinh cấp 3, có mối quan hệ rộng rãi với nhiều đồng nghiệp khác, cũng đồng trang lứa. Những đồng nghiệp của cậu cũng được chị Hòa giao khách, mỗi ghe khoảng 2 người. Riêng ghe của tôi, chị Hòa xin được “gửi” thêm một chị khách du lịch nữa, chị muốn đi chợ Cái Răng nhưng chỉ có một mình.

Nhìn chị Hòa chạy ngược chạy xuôi trên bến sông, từ tối hôm trước và rạng sáng hôm sau, cả khách và các tài ghe đều răm rắp nghe theo chị, bạn tôi trêu chị là “bà trùm” ở bến Ninh Kiều.

Sau mới biết, “bà trùm” này không phải chỉ ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón lấy tiền, chị cũng xắn tay lên làm hết thảy mọi việc, sau khi sắp xếp khách lên ghe ổn thỏa, chị phi lên chiếc ghe đã có khách ngồi sẵn, đầu trần chân không lái ghe phăng phăng đưa khách đi chợ nổi.

“Phiêu” trên sông, ăn hủ tiếu quán dì Bảy

Nhớ lúc ở bến khi vừa đặt chân xuống ghe, người chao đảo như gã say rượu đang cố lấy thăng bằng, có cô gái đi ngang qua trông thấy chúng tôi buột miệng nói với bạn trai đi cùng: “đi bằng ghe này nó mới phiêu”. Nghe thế tôi đắc ý lắm, dù biết mình buồn ngủ gặp chiếu manh, nhưng rõ ràng cảm giác đi ghe nhỏ chòng chành theo sóng nước sẽ khác biệt với tàu lớn bệ vệ.

Ghe rời bến nhẹ lướt êm êm, mỗi lúc một bỏ xa bến Ninh Kiều, bầu trời mới nãy còn mờ ảo trong sương giờ đã trong veo, có thể nhìn thấy hừng đông lấp ló phía chân trời. Trên sông mùa này gió sớm mát rượi, hai bên bờ nghe văng vẳng tiếng gà gáy ráng, tiếng chó sủa.

Nhưng âm thanh quen thuộc và đặc trưng của vùng quê, tiếng ghe tàu qua lại máy nổ ành ạch, mỗi lúc một tấp nập. Đó là những phút giây êm ả trước khi chúng tôi thấm thía thế nào là “phiêu”.

Chiếc ghe nhỏ của chúng tôi đi với vận tốc chỉ bằng một nửa vận tốc tàu lớn, dù xuất phát trước nhưng nửa đường đã bị các tàu, ghe lớn đuổi kịp, vượt lên. Đoạn hai bên bờ sông rộng, bờ đất thoai thoải thì lúc bị vượt mặt, ghe chỉ bị lắc lư nhẹ.

Nhưng đến đoạn sông hẹp, hai bên bờ là kè bơ tông thẳng đứng, những con sóng từ tàu lớn gây ra gặp bờ kè bị dội ngược trở lại, tạo nên những con sóng cao đến nửa mét.

Chiếc ghe bị những con sóng vồ vập tứ phía. Cậu lái ghe vẻ như rất kinh nghiệm, thấy sóng lớn liền hạ ga đi chậm lại, cho ghe nương mình theo những con sóng đánh loạn xạ. Như đọc được mặt sông, cậu nhấp tay liên hồi, uyển chuyển tăng giảm ga để vừa tiến lên vừa giữ thăng bằng. Đến lúc không thể di chuyển được, “tài xế” liền sử dụng tuyệt chiêu… tắt máy, cho ghe thả trôi trên sông, đợi sóng lặng mới nổ máy trở lại.

Trải qua mấy bận nghỉ dọc đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến được chợ nổi Cái Răng. Mùa nước nổi nhưng tàu bè dường như thưa thớt hơn xưa, đi một đoạn thì đã hết chợ, có lẽ một phần là do nay đã cuối mùa cây trái.

Điểm tấp nập, rộn ràng nhất của chợ nổi lúc bấy giờ là “quán” bán đồ ăn sáng của dì Bảy, nằm ngay giữa sông. Ghe chúng tôi cũng ghé lại đó, thưởng thức bữa sáng trước khi tiếp tục hành trình.

Chiếc ghe của dì Bảy bị vây quanh giữa 5, 7 ghe tàu lớn nhỏ, mất một hồi chúng tôi mới tìm được kẽ hở, nêm mũi ghe vào, cột dây cố định với quán ăn. Dì Bảy ngồi lọt thỏm giữa bếp, bốn phía là đủ thứ từ bếp lò bếp than, nồi niêu xoong chảo đến nguyên vật liệu chế biến, gia vị… được sắp rất chuyên nghiệp, vừa vặn trong một không gian trông như không thể nhỏ hơn được nữa.

Dì Bảy bán các món chính là hủ tiếu và bún, bánh canh, từ các món này khách có thêm nhiều sự lựa chọn như ăn cùng xương, thịt viên, lòng, chả hay riêu… Lúc này khách quá đông, tới mấy chục con người, dì Bảy bảo tập trung bán còn không kịp nên không thể trò chuyện được nhiều.

Đó là dì Bảy còn có người cháu trai giúp việc, chuyên bưng bê đồ ăn, dọn dẹp chén bát và tính tiền cho khách, đỡ được rất nhiều việc.

Dì Bảy tất bật làm đồ ăn sáng cho du khách

Anh này khá vui tính, được coi như “người phát ngôn” cho dì nhưng cũng quá bận rộn để có thể ngồi kể cho khách nghe một câu chuyện có đầu có đuôi. “Dì bán ở đây mười mấy năm rồi”, anh kể và cho biết thêm, trước đây má của anh này bán ở đây, sau đó má anh già nên nghỉ ở nhà và dì Bảy bán thay. Quán bán từ tầm 5 giờ đến 9, 10 sáng hàng ngày.

Một điều đặc biệt và cũng rất thú vị ở hàng ăn của dì Bảy, là dì chỉ bán đồ ăn thôi, khách tự đi mà xoay xở tìm cách ăn uống sao cho hợp lý. Thông thường, như tôi quan sát thấy, đồ ăn từ tay dì Bảy sẽ được bưng đến ghe trao tận tay cho khách. Ghe được cố định lại với nhau nhưng vẫn còn gập ghềnh, khách ngồi vừa giữ thăng bằng vừa giữ đồ ăn tránh bị rơi đổ.

Bàn ăn là một tấm gỗ nhỏ trang bị sẵn trên ghe, tới lúc đó được mang ra bắt ngang trên thành ghe, tô đồ ăn đặt lên trên. Ghe chúng tôi không có bàn ăn, đành phải vừa bưng vừa ăn, nóng muốn phồng tay. Tôi thắc mắc quyền lợi với dì Bảy, dì liền quay sang lườm cậu tài ghe của chúng tôi: “bàn ăn của khách đâu thằng quỷ”. Như biết tính dì Bảy, thương lắm nên mới rầy la, cu cậu nhăn răng cười, ló mấy cộng bún nhai dở trong miệng.

Chúng tôi đã trả 80 nghìn đồng cho bữa sáng với 2 tô hủ tiếu xương đặc biệt trong đời. Đơn giản, đó là trải nghiệm chưa từng có và chẳng biết bao giờ mới có dịp trở lại, gặp lại dì Bảy và những con người hồn hậu. Sau bữa sáng, chiếc ghe loay hoay mấy bận tiến tới rồi thụt lùi, tìm khoảng trống để chen ra khỏi mấy chiếc ghe đang vây quanh.

Điểm đến tiếp theo là lò hủ tiếu – vườn sinh thái Sáu Hoài (phường An Bình, quận Ninh Kiều), khách đến đây sẽ được tận mắt thấy các công đoạn làm nên sợi hủ tiếu như thế nào. Thú vị hơn, có thể trải nghiệm cảm giác tự tay thực hiện một công đoạn đơn giản, như cắt sợi hủ tiếu. Và nếu đói bụng, có thể thưởng thức một tô hủ tiếu dằn bụng trước khi ra về.

Lẽ ra ghe chúng tôi sẽ đi thăm vườn trái cây, điều hiển nhiên khi thăm thú miền sông nước. Nhưng vì chị đi cùng phải về để kịp ra sân bay, chúng tôi đành phải về sớm hơn dự liệu. Điều an ủi sau đó là ghe chúng tôi cũng được thưởng thức trái cây do tự tay mình hái trên cây. Đó là những chùm mận treo lơ lửng hai bên mép sông, đứng trên ghe có thể với tới.

Trên đường về bến Ninh Kiều, chúng tôi được trở lại với cảm giác “phiêu” trên sông một lần nữa. Nếu có khác thì có lẽ là việc ghe đang đi thì bị hết xăng, đang hoảng hốt thì cậu lái ghe cầm lên chai xăng và đổ vào máy. Trong thời gian đó, chiếc ghe trôi tự do còn chúng tôi thì nói chuyện phiếm về tình huống lỡ chẳng may không có nhiên liệu dự phòng.

Tôi và anh bạn đã 6 năm mới có dịp trở lại chợ nổi, cảm giác giờ điểm đến nổi tiếng của Cần Thơ giờ đã không còn nhộn nhịp, tấp nập thuyền ghe, bán buôn như xưa. Buổi trưa ngồi cà phê với một người anh đồng nghiệp, đem chuyện này ra tâm sự thì được anh lý giải, bây giờ giao thông trên bộ ngày một phát triển thuận tiện, người dân vì thế dần rời sông nước lên hẳn trên bờ sinh sống, lập nghiệp.

Nhìn sự phát triển của đất Tây Đô bây giờ, với những tòa nhà chọc trời ven sông đêm đêm lung linh hoa lệ, và sắp tới sẽ ngày một nhiều tòa nhà như thế, mường tượng ra được cảnh sông nước mai này thêm thưa thớt.

Ngược lại với khung cảnh cách đây nhiều năm, giờ đây khách du lịch đi chợ nổi đã nhiều gấp mấy lần người dân họp chợ, không biết với cái đà này, khu chợ nổi có tuổi đời trăm năm còn đủ sức hấp dẫn khách du lịch đến bao giờ.

Gia Nguyễn – Đại Chơn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/mien-tay-mua-nuoc-noi-co-gi-la-khong-em-422249.html