Miền Tây dung dị qua góc ảnh của một thầy giáo

Với niềm đam mê chụp ảnh, thầy Lê Nhật Vương Anh (sinh năm 1979, giáo viên dạy Toán tại Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã ghi lại những khoảnh khắc bình dị, chân thực nhất về cuộc sống của người dân miền Tây.

Đam mê ngoài phấn trắng bảng đen

Nhắc đến nghề giáo, người ta sẽ nghĩ ngay đến với trường học, những trang giáo án, bục giảng và những cô cậu học trò. Thế nhưng, với thầy Vương Anh, ngoài những lúc miệt mài cùng phấn trắng bảng đen thì thầy còn có sở thích đặc biệt là chụp ảnh. Thầy Vương Anh gây ấn tượng với học trò của mình qua những bức ảnh chân thực và đầy cảm xúc.

Thầy tâm sự: “Mỗi lúc có thời gian rảnh tôi thường lấy điện thoại ra chụp. Tôi rất thích ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Những nụ cười của học sinh trong giờ ra chơi, những cây bàng xanh lá trong trường hay hình ảnh cơn mưa bất chợt ngang qua đều được tôi lưu lại. Tôi cũng không biết vì sao mình lại có sở thích này. Có lẽ tôi thích những cái gì đó nhẹ nhàng, những khoảnh khắc bất chợt và những điều bình dị của cuộc sống này.”.

Miền Tây mùa nước nổi

Miền Tây mùa nước nổi

Cũng chính vì niềm yêu thích chụp ảnh ấy mà thầy Vương Anh đã quyết định dành hết số tiền lương dành dụm trong nửa năm trời để mua chiếc máy ảnh kỹ thuật số.

Thầy chia sẻ rằng, những bức ảnh thầy chụp bằng điện thoại tuy góc hình đẹp nhưng độ phân giải lại quá thấp. Có nhiều tấm ảnh khi chụp rất thích nhưng lại bị mờ nên thầy tiếc lắm.

“Tôi nhớ cách đây 5 năm, trong một lần đi công tác qua đò thì tôi gặp một người giăng lưới trên sông. Người nông dân ấy bắt được con cá rất to và tất nhiên tôi đã không để lỡ khoảnh khắc tuyệt vời ấy. Thế nhưng khi về nhà mở xem thì bức ảnh quá mờ vì độ phân giải thấp nên tôi rất buồn. Sau đó tôi đã tính toán và quyết định dành dụm tiền lương nửa năm mua cái máy chụp ảnh để chụp cho rõ.”, thầy kể.

Bà cụ già ngồi bán chuối bên đường

Từ khi có được chiếc máy ảnh mới, thầy Vương Anh thường xuyên dành thời gian chụp ảnh hơn. Những lúc rảnh rỗi thầy thường chạy về vùng quê cách thành phố hàng chục km để săn ảnh.

Cũng từ khi chụp được nhiều bức ảnh chất lượng, thầy Vương Anh đã tự lập cho mình một tài khoản Facebook để lưu lại, lúc nào cần thì mở ra xem cho tiện. Thế rồi, sau một thời gian đăng hình lên mạng, thầy cảm thấy bất ngờ vì có rất nhiều người quan tâm đến những bức ảnh của thầy. Những bức ảnh ấy đơn giản chỉ xoay quanh cuộc sống của người dân miền Tây. Đó là những khoảnh khắc bình dị của một người đang kiếm củi mưu sinh, hình ảnh một cụ già bán vé số hay đôi khi chỉ là nụ cười của một đưa trẻ... Ấy thế mà lâu lâu không thấy thầy đăng là lại có người hỏi thăm.

Hình ảnh người nông dân nơi vườn hoa Sa Đéc

Thầy nói: “Tôi không ngờ những hình ảnh mình đăng tải trên trang Facebook lại được mọi người xem và ủng hộ như vậy. Nhiều người xa quê lâu ngày khi xem hình còn nhắn tin cho tôi bảo nhìn ảnh nhớ quê, nhớ tuổi thơ và nhớ ba mẹ già...

Khi đọc được những lời đó tôi thực sự rất xúc động. Tôi tự nhủ rằng sẽ chụp thật nhiều bức hình về quê hương, về con người miền Tây. Tôi mong rằng những bức hình ấy sẽ không chỉ gợi lại nỗi nhớ nhà, nhớ quê trong tâm trí người con xa xứ nữa mà nó sẽ là động lực giúp họ vững vàng hơn trong cuộc sống.”

Từ đam mê đến những bức ảnh “để đời”

Trong suốt quãng thời gian rong ruổi tìm vẻ đẹp của quê hương, đã từng có những khoảnh khắc thầy Vương Anh không bao giờ quên. Nó dường như đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ mà cho đến bây giờ thầy vẫn không khỏi bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Nụ cười cậu bé miền Tây

Thầy kể, có một lần, khi đang chạy xe ngang trên đường thì thầy bắt gặp hình ảnh một bà cụ đang ngồi bán chuối. Khuôn mặt nhiều nếp nhăn và cả đôi chân trần của cụ khiến thầy không khỏi xót xa. Sau khi kịp ghi lại khoảnh khắc ấy, thầy tiến đến hỏi chuyện thì mới biết cụ đã 85 tuổi rồi và chỉ còn một mình hằng ngày bán chuối nuôi thân.

Xúc động với câu chuyện của cụ, về nhà thầy Vương Anh đã đưa ngay bộ ảnh chụp bà cụ lên mạng và chỉ sau một thời gian ngắn, album ảnh của thầy đã nhận được hàng ngàn lượt thích và chia sẻ. Có nhiều người khi xem hình ảnh đã liên lạc với thầy hỏi địa chỉ chỗ cụ để quyên góp, giúp đỡ cụ.

Một buổi chợ chiều

Rồi có một lần khác, tấm ảnh người phụ nữ hằng ngày kiếm củi trên sông của thầy cũng đã nhận được đông đảo sự quan tâm của mọi người. Sau bức ảnh ấy thầy cũng đã nhận được nhiều tin nhắn tâm sự. Trong đó có lời nhắn của một người phụ nữ mà đến giờ thầy vẫn còn nhớ.

Chị bảo: “Chị đã không kìm nổi nước mắt khi thấy bức ảnh này, vì hồi xưa nhà chị nghèo, mẹ và các chị em của chị cũng phải vất vả kiếm củi trên sông giống như thế. Mấy chục năm qua đi, đến giờ cuộc sống khá giả hơn, sống ở Sài Gòn rồi nhưng giờ thấy ảnh lại xúc động ngậm ngùi...”.

Rồi đến một bức ảnh mà khi nhắc lại, vừa khiến thầy “sướng” vì vô tình bắt được khoảnh khắc đẹp nhưng cũng “hành” thầy mệt mỏi đó chính là tấm ảnh đàn vịt bơi trên sông vô tình tạo thành hình chữ S như bản đồ Việt Nam. Tấm ảnh này được thầy chụp vào tháng 12/2016, tại khu sinh thái Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Bức ảnh đàn vịt bơi trên sông vô tình tạo thành hình chữ S

Thầy cho biết, đó là lúc miền Tây vào mùa nước lũ, người ta hay chăn vịt thả trên đồng nước chiều rồi bơi xuồng ra lùa về trại. “Hôm đó tôi lang thang rất xa, đã hơn 4 giờ chiều rồi, nghĩ chắc hôm nay không chụp được gì. Thế nhưng, lúc tôi vừa tới cây cầu nhỏ thì thấy cảnh người nông dân đang lùa vịt thì tôi liền dừng lại chụp liên tục hơn 100 tấm, lúc đứng xa thì chụp từ từ. Ai dè khi đàn vịt càng gần tới thấy mình đứng trên cầu nên chúng sợ hay sao đó, tự dồn lại và vô tình nó thành hình chữ S. Lúc đó tôi chỉ biết bấm máy liên tục không canh chỉnh gì hết vì sợ mất khoảnh khắc có một không hai đó”, thầy nhớ lại.

Thầy giáo Vương Anh

Vì quá tâm đắc nên thầy đã chia sẻ tấm ảnh này lên trang cá nhân của mình, Tuy nhiên điều thầy không ngờ là bức ảnh này lại có rất nhiều ý kiến trái chiều.

“Có người thì bảo là ảnh photoshop chứ không phải thật. Nhìn hàng lượt bình luận không mấy thiện cảm ấy làm tôi cũng mệt mỏi theo luôn”, thầy kể.

Dù vậy, thầy vẫn tiếp tục với đam mê của mình. Thầy nói rằng, khi cầm chiếc máy ảnh đi lang thang chụp cái này cái kia, thấy tâm hồn thoải mái, mọi buồn phiền tan biến hết trong những lúc chụp. Và có lẽ chính niềm yêu thích chụp ảnh, thầy Vương Anh càng gắn bó hơn với hình ảnh dung dị của quê hương và con người miền Tây.

Cẩm Xuyên

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/du-lich/mien-tay-dung-di-qua-goc-anh-cua-mot-thay-giao-148753.html