Miền núi phía Bắc thiệt hại nặng vì mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

Trong 7 tháng đầu năm nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đã ghi nhận 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó có 8 đợt trên diện rộng. Do vậy Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Người dân bên ngôi nhà hư hại do mưa lũ tại Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: TL

Người dân bên ngôi nhà hư hại do mưa lũ tại Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: TL

Đã có 98 người thương vong do mưa bão

Ngày 13/7, tại tỉnh Lào Cai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống thiên tai những tháng cuối năm tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Với khoảng 10.600.000 người thuộc 30 dân tộc anh em sinh sống; sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu dựa vào lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt trên địa hình, núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt, địa chất phức tạp, nhiều sông, suối; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt với mùa đông nhiệt độ xuống thấp.

Vào mùa mưa khu vực này tập trung hơn 80% lượng mưa, vì vậy thường xuyên xảy ra băng giá, rét đậm, rét hại, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, mưa đá, dông lốc, sét, động đất, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện, khu khai thác khoáng sản, đường giao thông... được xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, song cũng đã và đang gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất; gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Trong 7 tháng đầu năm nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đã ghi nhận 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó có 8 đợt trên diện rộng. Đặc biệt mưa đá xuất hiện ngay trong đêm Giao thừa và sáng mùng 1 Tết Nguyên đán - đây là hiện tượng thời tiết dị thường rất hiếm gặp. Ngoài ra còn có 2 trận lũ quét, sạt lở đất và 12 trận động đất.

Tính đến ngày 9/7, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 căn nhà bị sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái; khoảng 10.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính về kinh tế 610 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, những ngày qua mưa lớn kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lai Châu. Cụ thể, tại các xã Khun Há, Hồ Thầu, Bản Hon (huyện Tam Đường) mưa lớn đã gây sạt lở đất vùi lấp hơn 2.000m2 lúa, ngô của người dân. Tại tuyến đường tỉnh 133 nối xã Noong Hẻo và các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ với quốc lộ 32 xuất hiện hai điểm sạt lở lớn tại km 50+050 và km 64+00, khối lượng gần 40.000m3. Tuyến đường tỉnh 135, 136 xuất hiện 4 điểm sạt lở, lún sụt, xói mặt đường, với lượng đào đắp hàng nghìn mét khối.

Tại km 391+170, quốc lộ 32, thuộc địa phận xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) xuất hiện điểm sạt lở, với khối lượng hơn 1.000m3, gây ách tắc giao thông cục bộ trong nhiều giờ. Nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên bản tại các huyện Tam Đường, Nậm Nhùn, Sìn Hồ xuất hiện nhiều điểm sạt lở.

Người dân vẫn loay hoay di dời

Cứ vào những ngày mưa lũ, gia đình bà Vi Thị Tuyền (thôn Nà Đứa, xã Đà Vị, huyện Na Hang, Tuyên Quang) lại sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Ngôi nhà xiêu vẹo của bà Tuyền đã 3 năm nay xuống cấp nghiêm trọng. Nền nhà vốn đã thấp, sau nhiều năm hiện đã nứt toác vì sụt lún.

Nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản cho 31 hộ dân với 138 khẩu ở thôn Nà Đứa, xã Đà Vị đang chịu ảnh hưởng từ nguy cơ sạt lở, UBND huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã lên phương án di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, vì hạn chế kinh phí nên phương án di dời vẫn chưa thể đẩy nhanh tiến độ. Những lúc trời mưa, nhiều hộ dân phải sang nhà hàng xóm để lánh nạn.

Trong khi đó, tại bản Nà Hừ (xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, Lai Châu) hiện có 230 hộ nằm sát với bờ suối Nậm Bum, nguy cơ sạt lở và lũ quét rất cao. Người dân cố gắng khắc phục bằng cách dịch nhà sâu vào mấy mét và rọ đá sau nhà sát mép suối. Nhưng lũ về lại cuốn trôi tất cả. Người dân sau đó lại phải đi ở nhờ các nhà trong bản phía trên cao.

Tại Lào Cai, theo báo cáo của UBND tỉnh, qua rà soát cho thấy hiện có 145 điểm có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất. Năm 2019, Lào Cai rà soát có 276 hộ dân phải di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến nay tỉnh đã di chuyển và bố trí chỗ ở cho 100 hộ.

Việc giải quyết phương án tìm chỗ định cư mới cho người dân ở các tỉnh miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu quỹ đất xây dựng, hạn chế nguồn kinh phí để nâng cấp, tu sửa cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, nhiều hộ dân ở tỉnh Bắc Kạn luôn nơm nớp lo sạt lở, đá lăn hằng ngày. Điển hình như tại thôn Phiêng Liềng 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, 20 hộ dân ở đây đang phải sống trong nỗi lo xảy ra đá lăn từ trên đỉnh núi Pù Mương xuống. Nguy cơ sạt lở ngày càng lớn khi trên đồi Pù Mương xuất hiện vết nứt rộng khoảng 50cm, dài khoảng 50m, làm sụt đất vào nhà một số hộ dân trong thôn.

"Các vết nứt có dấu hiệu ngày càng rộng ra, một số hộ dân có điều kiện đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Những hộ còn lại mong muốn được di dời nhưng không có đất nên vẫn phải sống chung với nguy cơ sạt lở, người dân đang mong có dự án để được di chuyển đến nơi ở an toàn", ông Lý Ngọc Bằng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái cho biết.

Ông Quách Đăng Quý, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Kạn cho biết: "Vì thiếu kinh phí nên việc thống kê những hộ nguy cơ sạt lở cao vẫn chỉ để phục vụ công tác cảnh báo. Việc di dời chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ bố trí xây dựng được một vài khu tái định cư cho những hộ đang rất nguy cấp. Mặt khác, tổng mức đầu tư cho các dự án bố trí dân cư tập trung đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi đó nguồn vốn phân bổ hằng năm từ Trung ương rất ít, ngân sách địa phương không thể cân đối hỗ trợ được".

Di dời dân ra khỏi vùng thiên tai không chỉ là “bài toán khó” đối với tỉnh Bắc Kạn mà còn khó đối với tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc do quỹ đất hẹp, kinh phí hạn chế cộng với tâm lý không muốn thay đổi chỗ ở, xa họ hàng của người dân. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu việc di dời dân ra khỏi vùng thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, bắt buộc nhằm giảm thiệt hại do thiên tai, nhất là thiệt hại về người.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/mien-nui-phia-bac-thiet-hai-nang-vi-mua-lon-lu-quet-sat-lo-dat-20200713155755459.htm