Miền núi phía Bắc chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại lúa

Theo dự báo, từ nay đến khi kết thúc vụ mùa (hết tháng 10) sẽ có nhiều đợt áp thấp nhiệt đới kèm mưa to đến rất to trên diện rộng xen kẽ những đợt nắng nóng oi bức.

Đây là điều kiện rất thuận lợi cho các loại sâu, bệnh trên lúa. Do vậy, bà con nông dân cần chủ động phòng tránh.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra sâu bệnh hại lúa tại xã Phú Nhuận (Bảo Thắng). Ảnh: Báo Lào Cai

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra sâu bệnh hại lúa tại xã Phú Nhuận (Bảo Thắng). Ảnh: Báo Lào Cai

Lào Cai: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Lào Cai, từ nay đến khi kết thúc vụ mùa (hết tháng 10) sẽ có 3 - 4 đợt áp thấp nhiệt đới kèm mưa to đến rất to trên diện rộng xen kẽ những đợt nắng nóng oi bức. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho các loại sâu, bệnh trên lúa phát triển và gây hại mạnh như sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen phương Nam, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, khô vằn, bạc lá…

Việc gieo cấy vụ mùa tại Lào Cai cơ bản hoàn thành vào khoảng trung tuần tháng 7. Ngay trong giai đoạn lúa hồi xanh và đẻ nhánh, các đối tượng sâu bệnh đã bắt đầu gây hại, sớm hơn nhiều so với những vụ sản xuất khác. Tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, khi đi qua những cánh đồng không khó để bắt gặp những mảnh ruộng lúa bị khô, nhiều phần lá chuyển sang màu trắng, vàng nhạt và người dân đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ.

Ngay sau trận mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 2, anh Nguyễn Văn Tâm (thôn Nhuần 3, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng) nhanh chóng ra thăm đồng. Kiểm tra kỹ các gốc lúa và vạch từng kẽ lá, anh phát hiện ruộng của gia đình có sâu cuốn lá và rầy. Anh Tâm cho biết: Cuối tháng 7, sau khi lúa hồi xanh được mấy hôm thì bị khô hết lá. Tôi kiểm tra thì thấy có sâu cuốn lá nhỏ. Sâu ăn hết phần lá xanh (diệp lục), còn phần gân và lớp vỏ màng của lá gặp nắng nên trắng hết. Tôi đã mua thuốc về phun. Đến nay (đầu tháng 8), lúa đã xanh trở lại, đẻ nhánh tốt. Vừa mưa xong, tôi ra xem lúa thấy xuất hiện bướm, một số lá bị sâu cuốn và có những gốc lúa có rầy. Đợi ngớt đợt mưa này, tôi sẽ mua thuốc về phun ngay.

Vụ mùa năm 2020, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 23.700 ha lúa, trong đó 11.300 ha lúa mùa 1 vụ vùng cao và gần 12.400 ha lúa mùa vùng thấp. Hiện nay, lúa mùa 1 vụ vùng cao trà sớm đang ở giai đoạn trỗ bông, phơi màu và trà muộn đang đứng cái, làm đòng. Lúa mùa vùng thấp trà sớm đẻ nhánh rộ, trà muộn hồi xanh. Theo nhận định của ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, các đối tượng sâu, bệnh hại năm nay gây hại sớm, ngay từ đầu vụ, nhất là sâu cuốn lá nhỏ trên lúa mùa vùng thấp. Tuy nhiên, do được phát hiện sớm và phòng, trừ kịp thời nên cây lúa hồi xanh, đẻ nhánh và phát triển tốt. Ngoài ra, các loại sâu, bệnh như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn… gây hại rải rác trên nhiều trà lúa.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, công tác điều tra, phát hiện của trung tâm dịch vụ nông nghiệp một số địa phương chưa thực sự được quan tâm, bố trí cán bộ phụ trách công tác điều tra không tương xứng với diện tích cây trồng của địa phương; việc thống kê diện tích nhiễm sâu, bệnh hại không sát với thực tế đồng ruộng dẫn tới việc dự báo tình hình phát sinh, gây hại để chủ động phương án phòng, trừ gặp không ít khó khăn.

Bởi vậy, để phòng, chống sâu bệnh hại lúa, bảo vệ năng suất, sản lượng vụ mùa, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo người dân chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, có phương án phòng trừ, đặc biệt lưu ý các đối tượng sâu, bệnh hại đe dọa đến năng suất vụ mùa như: sâu cuốn lá, các nhóm rầy, bệnh lùn sọc đen phương Nam, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông…

Theo ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, qua kiểm tra thực tế tại đồng ruộng, hiện nay trên lúa mùa vùng thấp đang có bướm sâu cuốn lá nhỏ với mật độ khá cao, dự báo đến giữa tháng 8 sẽ có một lứa sâu mới gây hại mạnh trên lúa. Người dân cần theo dõi mật độ bướm sâu cuốn lá nhỏ phát sinh trên đồng ruộng. Đối với các trà sớm giai đoạn làm đòng, trỗ bông, ruộng có mật độ sâu cao, tuổi sâu lớn thì phải phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 - 5 ngày.

“Thời tiết trong vụ mùa có nhiều diễn biến bất thường, người dân cần lưu ý thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm các đối tượng sâu, bệnh hại để kịp thời phòng trừ, không để lây lan trên diện rộng vì dễ dẫn đến việc mất năng suất lúa. Lưu ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) để đảm bảo hiệu quả phòng, trừ” - ông Cường nói.

Hòa Bình: Thời điểm này, Sở Nông nghiệp và PTNT ghi nhận toàn tỉnh đã có gần 100 ha lúa vụ mùa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, 6 ha nhiễm bệnh vàng lá do ngộ độc hữu cơ. Ngoài ra, một số đối tượng như rầy, chuột, bệnh đạo ôn và các bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn… cũng đang xuất hiện, có khả năng gây hại mạnh trong thời gian tới nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Nông dân xóm Trung Thành, xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình) làm cỏ, theo dõi tình hình sâu bệnh trên lúa. Ảnh: Báo Hòa Bình

Theo thông báo của Cục BVTV, sau ảnh hưởng của cơn bão số 2 và hoàn lưu sau bão kéo dài, tại nhiều tỉnh, thành phố, mật độ trưởng thành rầy lưng trắng tăng mạnh, trong đó mẫu rầy lưng trắng nhiễm virus lùn sọc đen cao. Tại tỉnh ta cũng ghi nhận có mẫu lúa, trưởng thành rầy lưng trắng dương tính với bệnh lùn sọc đen tại TP Hòa Bình. Hiện, rầy cám lứa 5 đang rộ, mật độ phổ biến từ 500 - 700 con/m2, cao từ 1.000 - 2.000 con/m2. Từ nay đến ngày 20/8 sẽ là cao điểm phát sinh gây hại của rầy lứa 5, đồng thời cũng truyền bệnh lùn sọc đen cho diện tích lúa mùa. Vì vậy, bệnh lùn sọc đen sẽ phát sinh, gây hại mạnh trên lúa từ ngày 20/8 - 5/9, giai đoạn lúa đứng cái - ôm đòng - trỗ bông.

Đồng chí Phạm Huyền Liễu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) TP Hòa Bình cho biết: Qua kiểm tra đồng ruộng, đã phát hiện có 800 m2 lúa tại khu vực xóm Đầm Bài, xã Thịnh Minh bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp chính quyền, nông dân địa phương tiến hành xử lý ngay bằng cách phun thuốc BVTV để phòng trừ, hiện đã cơ bản kiểm soát được tình hình sâu bệnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã, phường tăng cường tuyên truyền, cán bộ chuyên môn phối hợp với nông dân tích cực bám sát đồng ruộng để theo dõi diễn biến sâu bệnh.

Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn được dự báo sẽ gây hại mạnh trên diện tích lúa lai (Nhị ưu 383, TH3-3, GS9) và giống lúa chất lượng như Bắc thơm số 7, RVT, BC15. Bệnh phát sinh hại mạnh từ cuối tháng 7 đến cuối vụ, đặc biệt sau những đợt mưa dông, chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão. Những ruộng bón thừa đạm, bón đạm muộn, không cân đối, những giống lúa lá to bản, lá mềm, màu xanh đậm sẽ bị hại nặng.

Bệnh khô vằn cũng được dự báo phát sinh và gây hại từ đầu tháng 8 trên trà lúa mùa sớm, cao điểm gây hại từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9. Tỷ lệ phổ biến 7 - 10%, cao từ 20 - 50% số lá, có ruộng trên 70% số lá, bệnh nặng sẽ hại cả bẹ lá đòng làm nghẹn đòng, khô lá, hạt lép lửng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Ngoài ra, chuột gây hại, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh vàng lá, đạo ôn... vẫn phát sinh và gây hại trên các trà lúa.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sâu, bệnh hại gây ra, Sở NN&PTNT, Chi cục TT& BVTV đã có các công văn về việc tập trung phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Theo đó, các huyện, thành phố cần phân công nhiệm vụ, địa bàn cho từng cơ quan chuyên môn cấp huyện, xã trong chỉ đạo sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại cho lúa và cây trồng khác. Với những đối tượng như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn… cần chủ động phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không để bùng phát thành dịch, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Tăng cường chăm sóc, làm cỏ, bón phân cho lúa đã cấy; bón cân đối đạm, lân, kali và bổ sung thêm phân bón lá.

V.N (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/mien-nui-phia-bac-chu-dong-phong-tru-sau-benh-hai-lua-post37241.html