'Miền Nam sống đẹp'

72 tuổi, bệnh nặng đến mất tiếng nói nhưng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vẫn đều đặn ra sách. Một trong số đó là cuốn 'Miền Nam sống đẹp' (NXB Văn hóa - Văn nghệ, quý IV-2019). Ông mượn ngòi bút để nói thay tình cảm của ông đối với miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, nơi đã mở rộng vòng tay đón nhận ông hơn 50 năm qua. Nơi đó, nếp sống đẹp lan tỏa từ tình người ấm áp, nhân hậu.

Sách được viết như một dạng hồi ức, kể lại những thăng trầm trong cuộc sống, quá trình học hành, làm việc và lập nghiệp của chính tác giả khi vào Nam. 21 chương sách được viết dung dị, nhẹ nhàng, tràn đầy tình cảm, lôi cuốn người đọc theo bước chân của tác giả qua từng giai đoạn lịch sử và những vùng đất mới.

Vũ Đức Sao Biển là nhà văn, nhà báo và nhạc sĩ, nhưng có lẽ khán giả biết đến ông nhiều hơn ở lĩnh vực sáng tác nhạc với nhiều tác phẩm đi vào lòng người; nổi bật là những ca khúc viết về đất và người miền Nam như: Điệu buồn phương Nam, Mẹ Cửu Long, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang, Đau xót Lý chim quyên, Giữa lòng phương Nam, Tình ca phương Nam, Thương về Cà Mau, Thu Sài Gòn, Trên sóng Cửu Long, Trà Vinh thương nhớ, Bolero trên bến bắc Cần Thơ… Bởi một điều đơn giản, miền Nam đã gắn bó với ông như máu thịt suốt hơn nửa thế kỷ và ông tâm sự ở lời nói đầu rằng: “Quyển sách này của tôi là tiếng nói ca ngợi tấm lòng của người Sài Gòn, người miền Nam ruột thịt”.

Là người Quảng Nam, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển rời quê hương vào Sài Gòn để học hành và lập nghiệp vì ông nghe nói vùng đất này dễ sống, con người hiền hậu, chan hòa. Những câu chuyện kể của ông minh chứng cho một nơi mà mọi người đối xứ với nhau chân tình, tốt bụng: từ chủ cho thuê nhà, những người bán hàng quán, tiểu thương ở chợ, những công chức, viên chức, thầy cô, bạn bè… Một thời hoa niên với bao kỷ niệm ở Sài Gòn, dù những lúc chiến tranh hay khi yên bình thì con người nơi đây vẫn tử tế với nhau, để lại cho ông những ấn tượng đẹp không thể quên. Lật từng trang sách, đọc từng bài viết mà cảm giác như câu chuyện mới hôm qua bởi ký ức và tư liệu sống động, chi tiết đến không ngờ. Từ chuyện Mậu Thân 1968, phong trào sinh viên trước 1975 đến chuyện làm báo, làm nhạc sau 1975... Chỉ khi nhớ và thương nhiều lắm thì mới viết được tỏ tường như thế.

Nếu truyện “Mẹ phương Nam” khiến người đọc xúc động về một bà mẹ nhân hậu, tốt bụng ở Bạc Liêu thì truyện “Ông Thùng Đỏ” lại khiến người ta ngưỡng mộ bởi cách kinh doanh, buôn bán văn minh của một quán rượu. Cứ thế, từng con người, từng tính cách, từng sự việc được tác giả kể lại: “một Chế Tư Hường” giỏi giang, khéo léo; một “Giản Chi tiên sinh” tài hoa và đức độ; một Sơn Nam đặc biệt vô cùng… Đặc biệt, bài “Tấm lòng người Sài Gòn” như một sự tổng hợp đầy đủ và sống động về tình người, về tinh thần tương thân tương ái của con người nơi đây qua những đợt huy động cứu trợ thiên tai, lũ lụt, qua những nghĩa cử cao đẹp giúp nhau trong lúc khó khăn, qua những việc làm xuất phát từ tấm lòng hướng đến cộng đồng…

Để cuối cùng, ông tâm tình: “Tôi rất biết ơn Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam ruột thịt. Cái giấc mơ lãng mạn thời thanh xuân đã đưa tôi về làm công dân nơi đây, nơi có tiếng nói dễ nghe, khí hậu dễ thích nghi, lương thực thực phẩm dễ mua, việc làm dễ có, thành công dễ gặt hái được, con người dễ kết thâm tình. Được sống ở một nơi tốt đẹp như vậy, tôi nghĩ mình không còn mơ ước gì hơn nữa” (Trang 213-214).

CÁT ĐẰNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/-mien-nam-song-dep--a116973.html