Miền Nam cấp tập ứng phó bão số 12

Cơ quan chức năng các tỉnh, thành phía nam đã lệnh dừng các chuyến tàu chở khách ra đảo do ảnh hưởng của bão số 12. Trong khi đó, công tác chuẩn bị ứng phó với bão diễn ra cấp tập.

Dự báo đường đi của bão số 12 Ngày 4/11, bão Damrey sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm lúc mạnh nhất đạt tới cấp 12 (130 km/h).

Lúc 13h ngày 2/11, tâm bão số 12 (có tên quốc tế là Damrey) cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 800 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 11.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và tiếp tục mạnh lên. Đến 13h ngày 3/11, tâm bão chỉ còn cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 300 km về phía đông. Sức gió tăng lên cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.

Cơn bão được dự báo còn tăng lên cấp 12, giật cấp 15 trước khi đổ bộ. Các địa phương từ Nam Trung Bộ vào miền Nam đang cấp tập chuẩn bị ứng phó.

TP.HCM họp khẩn ứng phó bão

Hôm nay, UBND TP.HCM đã họp khẩn để đánh giá tình hình bão số 12 và triển khai biện pháp ứng phó. Theo đó, TP.HCM đứng trước nguy cơ ngập úng cao do hoàn lưu bão gây mưa lớn kết hợp triều cường có thể vượt qua mức 1,6m.

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, không khí lạnh có thể làm cong đường đi khiến bão số 12 chệch xuống phía nam. Theo đó, dù không nằm trong tâm bão, tình hình ở TP.HCM vẫn rất đáng lo ngại khi hệ thống sông Sài Gòn đang có đợt triều cường lớn, đỉnh triều cao nhất ngày 5/11 là 1,63m, ngày 6/11 là 1,67 và 1,68m, khả năng mưa lớn kết hợp triều cường.

Hiện thành phố một lúc phải ứng phó với ba tình huống: Bão vào Biển Đông; hồ Dầu Tiếng xả lũ và triều cường. Theo Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, mực nước hồ Dầu Tiếng đang ở mức cao và đơn vị tạm ngưng xã lũ vào chiều 1/11.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cũng vừa gửi công điện khẩn, cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản; đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến trước diễn biến của bão số 12. Lệnh cấm có hiệu lực từ 01h ngày 3/11 cho đến khi có lệnh mới.

Quảng Ngãi: Trữ lương thực, thực phẩm

Tại Quảng Ngãi, sau hơn ba ngày biển động mạnh, sáng 2/11, tàu cao tốc đã hoạt động trở lại bình thường trên tuyến Sa Kỳ đi huyện đảo Lý Sơn và ngược lại. Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết thêm huyện đã kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa chạy tìm nơi trú tránh an toàn trước khi bão số 12 đổ bộ.

"Đề phòng thời tiết mưa bão gây biển động kéo dài, chúng tôi đã tuyên truyền người dân, các cửa hàng tạp hóa tích trữ lương thực, thực phẩm... Riêng huyện có hai kho lương thực dự trữ: Xã An Bình (đảo Bé) dự trữ 2 tấn gạo, xã An Hải và An Vĩnh (đảo Lớn) dự trữ 23 tấn gạo để kịp thời hỗ trợ cho người dân trong tình huống cấp bách", bà Hương chia sẻ.

Bình Định: Ngập tỉnh lộ 640, 636B

Trong khi đó, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, sáng 2/11 lũ dâng cao tràn về hạ lưu sông Côn và sông Hà Thanh gây ngập tỉnh lộ 640, 636B qua địa bàn xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang (huyện Tuy Phước) và xã Cát Chánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) từ 0,4 - 0,6 m gây ách tắc giao thông, cô lập nhiều khu dân.

Nhiều trường từ bậc mầm non đến THPT chủ động cho hàng nghìn học sinh nghỉ học tránh lũ.

Lũ ở Phú Yên rút chậm

Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Trung Chánh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân (Phú Yên), cho hay sau ba ngày mưa lớn kéo dài, chiều nay trời nắng, nước lũ ở các khu dân cư đang rút chậm.

 Nhiều nhà dân ở Phú Yên bị ngập lũ có nơi đến 2 m. Ảnh: Minh Hoàng.

Nhiều nhà dân ở Phú Yên bị ngập lũ có nơi đến 2 m. Ảnh: Minh Hoàng.

Đợt áp thấp nhiệt đới từ ngày 31/10 đến chiều 1/11 gây mưa lũ lớn tràn về gây cô lập nhiều khu dân cư, gây thiệt hại nặng cơ sở hạ tầng. Mưa lũ cũng khiến ông Nguyễn Văn Lời (ngụ huyện Đồng Xuân) tử nạn do bị lật ghe trên đường đến nhà người thân giúp kê dọn tài sản tránh lũ.

Trong khi đó, huyện Đồng Xuân sẵn sàng phương án sơ tán khoảng 800 hộ dân với hơn 2.500 người ra khỏi vùng trũng thấp, ven sông, vùng nguy cơ sạt lở cao... đến nơi trú tránh an toàn trước khi bão vào.

Khánh Hòa cấm biển

Ngày 2/11, ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, phát công diện khẩn gửi các Sở, Ban ngành và UBND các huyện, thị trấn, yêu cầu theo dõi và lên phương án ứng phó bão số 12.

Công điện yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học từ 12h ngày 3/11. Sở NN&PTNT hướng dẫn các địa phương thu hoạch hoa màu trước khi bão đổ bộ. Ngưng hoạt động cáp treo tại khu du lịch khi thời tiết xấu.

Các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và các phương tiện đường thủy không được ra khơi kể từ 18h ngày 2/11. Đối với các ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè, bắt buột phải vào bờ trước 16h ngày 3/11 đến khi bão tan.

Ninh Thuận: Cấm tuyệt đối tàu thuyền ra khơi

UBND tỉnh Nình Thuận có công điện khẩn gửi UBND các huyện, thành phố, sở ngành liên quan, triển khai các công tác ứng phó, phòng chống cơn bão cơn bão thứ 12.

Ninh Thuận có 2.651 tàu thuyền với 16.474 lao động. Trong đó, 587 chiếc với 5.039 lao động đang hoạt động trên biển đã liên lạc được. 2.064 chiếc tàu thuyền của Ninh Thuận đang neo đậu tránh bão tại các bến cảng. Ngoài ra, 202 tàu, thuyền của tỉnh bạn vào neo đậu tránh bão.

Trong 2 ngày qua, 21 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đạt gần 78% dung tích. Có 4 hồ đang xả lũ với lưu lượng nhỏ.

UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Khai thác các Cảng cá và UBND các huyện, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, thông báo đến người dân.

Bình Thuận: Dừng họp tập trung ứng phó bão

Ngày 2/11, Bình Thuận ra thông báo khẩn cấm tất cả tàu thuyền ra khơi, kêu gọi các tàu đang hoạt động vào bờ. Dừng tất cả các cuộc họp tập trung ứng phó bão số 12.

Tàu khách BT16 tuyến Phan Thiết - Phú Quý treo bảng dừng chạy do ảnh hưởng thời tiết. Ảnh: Huỳnh Hải.

Ông Phạm Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết sáng nay UBND tỉnh tổ chức cuộc họp triển khai các phương án ứng phó bão số 12.

Theo đó, giao UBND và Ban chỉ huy PCTT&TKCC các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Thông báo cho nhân dân để chủ động phòng tránh, thu hoạch các diện tích nông nghiệp đã đến thời gian thu hoạch, nhất là vùng có nguy cơ bị ngập lũ, úng khi có mưa, lũ lớn.

Các cơ quan, đơn vị thường trực tìm kiếm cứu nạn kiểm tra, rà soát chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, lực lượng, vật tư theo kế hoạch đã được phân công, sẵn sàng sơ tán dân, giúp dân chằng buộc nhà cửa, kho tàng.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hoãn tàu ra Côn Đảo

Trưa 2/11, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết lượng mưa ở địa phương đang giảm. Ông nói: “Trời mưa to vào sáng sớm và bớt mưa vào trưa. Chúng tôi đang cùng các cơ quan chức năng tổ chức họp bàn các phương án phòng chống bão”.

Các tàu cá tỉnh Bình Thuận đã vào bờ trú bão an toàn. Ảnh: Huỳnh Hải.

Trước tình hình bất lợi của thời tiết, các chuyến tàu từ đất liền đi Côn Đảo và ngược lại đều phải hoãn để đảm bảo an toàn. Một nhân viên phòng vé thuộc Ban quản lý cảng Bến Đầm tại TP Vũng Tàu nói rằng đơn vị ngưng chạy tàu từ ngày 1/11 và chưa có lịch hoạt động trở lại.

Kiên Giang: 3.000 tàu vào nơi trú ẩn

Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Đinh Khoa Toàn cho biết đến sáng 2/11, có gần 3.000 tàu đánh bắt hải sản của ngư dân các nơi vào đảo tránh trú bão.

Trà Vinh: 4.865 ngư dân vào bờ

Ông Kim Ngọc Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh (Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn), cho biết toàn tỉnh hiện có 1.216 tàu thuyền đánh cá với 4.865 ngư dân hành nghề.

“Thời điểm này tất cả tàu thuyền và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn. Tỉnh đã có thông báo không cho tàu thuyền ra khơi. Tất cả phải đợi đến khi thời tiết thuận lợi cũng như có thông báo mới nhất”, ông Thái nói.

Bến Tre: 1.427 tàu đang tìm nơi neo đậu

1.427 tàu, thuyền của người dân ở địa phương này đang đánh bắt trên biển đã được thông báo tìm nơi neo đậu an toàn. Tỉnh Bến Tre gửi công điện đến các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành triển khai các giải pháp nhằm ứng phó với bão.

Áp thấp nhiệt đới gần bờ và bão số 12 chỉ cách nhau vài ngày khiến các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào thời tiết trở xấu. Ảnh: NCHMF.

Sóc Trăng: Tàu cao tốc tạm ngưng xuất bến

Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Hiểu cho biết tất cả các tàu cá của địa phương này đã vào bờ an toàn, tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo tạm ngưng xuất bến từ 3 ngày trước.

"Hiện, các địa phương ven biển chưa sơ tán dân nhưng nếu cơn bão mạnh lên thì sẽ sơ tán dân. Các phương án đã được chuẩn bị sẵn sàng", lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ với Zing.vn.

Cà Mau: Học sinh nghỉ học

UBND tỉnh Cà Mau không cho tàu thuyền ra khơi sau 18h ngày 1/11 và di dời dân tại khu vực gần cửa biển. Đối với học sinh tiểu học và mầm non, UBND tỉnh này quyết định cho các em nghỉ vào chiều 2/11 tại những khu vực nguy hiểm, đặc biệt là tại các xã ven biển.

Tại huyện Trần Văn Thời, có hơn một nghìn hộ sống tại các vùng ven biển, nơi có khả năng sạt lở cao đã vào các khu tránh mưa bão an toàn. Huyện U Minh cũng đã lên phương án di dời dân sống ngoài đê.

Nhìn lại thảm họa bão Linda 20 năm trước Tròn 20 năm trước, cơn bão số 5 mang tên quốc tế Linda đã gây ra cái chết và mất tích cho hơn 3.000 người dân miền Tây, một trong những thảm họa thiên tai lớn nhất trong 100 năm.

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mien-nam-cap-tap-ung-pho-bao-so-12-post792525.html