Miên man từ một ngày lễ thiếu nhi

Một buổi sáng khác mọi ngày. Tiếng nhạc vang lên từ góc phố cách khoảng một block nhà. May phước là nhạc hòa tấu chớ không phải nhạc cổ động. Khỏi cần ra cửa sổ nhìn cũng biết ngay là từ nhà văn hóa phường. Ngó lịch thấy đề 1-6, vỡ lẽ: hôm nay Ngày Quốc tế thiếu nhi.

Khoảng 8 giờ rưỡi, nghe tiếng một chị phụ nữ đốc thúc chuyện xếp hàng. “Các em có quà xếp hàng, còn các em không có quà khỏi…”. Bà xã thắc mắc: “Ủa, sao lại phân có trẻ có quà, có trẻ không? Đã là Ngày thiếu nhi, thì chung tất cả chớ, đâu có phải thi đua gì đâu!”. Tiếng trống của ban trống thiếu nhi đổ rào rào, thật đúng “nghi thức Đội”. Mải làm việc không để ý, đến sau 9 giờ thấy thinh lặng trở lại. “Hết Ngày Quốc tế thiếu nhi rồi!”.

Đứng dậy nhìn xuống góc phố đằng kia, nhà văn hóa phường chỉ còn những dây cờ phướn giăng bên trên cái sân rộng của một tòa nhà ba lầu, chẳng còn một bóng người. Quận 7 (TPHCM) nói chung, cũng như địa bàn người viết đang nói đến, bây giờ khang trang hẳn, không chỉ các chung cư, mà cả các trụ sở ban ngành cấp phường, thảy đều vài ba tầng lầu, trang bị điều hòa tươm tất.

“Bề thế hóa” trụ sở các cơ quan nhà nước lớn nhỏ là một bước phát triển “nước lên, thuyền lên” tất yếu. Vấn đề ở chỗ tới đâu là “trần”? “Trần” tính theo số tiền đầu tư hay theo công năng? Nếu tính theo công năng, thì các nhà văn hóa phường một năm “sáng đèn” được chục bữa? Làm gì ở trong các nhà văn hóa đó? Không biết giờ còn đào tạo các cử nhân văn hóa không, song nếu còn chắc cũng phải có công lực đầy mình vừa “nhạc nhọt”, vừa “truyền thông đa phương tiện” để có thể đương cự với nào là “nhạc số”, “FB”, Youtube…! Tối thiểu cũng cần một trưởng nhà văn hóa, một hai bảo vệ, tức hai đầu lương! Vấn đề là lấy gì “lấp đầy” các nhà văn hóa đó? Càng là vấn đề khi đây lại là một trong những chuẩn xếp hạng xã “nông thôn” mới. Kẹt cái là nếu ở các phường thì ngân sách bao từ trụ sở phường tới nhà văn hóa, còn ở xã thì “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nên lâu lâu có vụ dân không đủ tiền đóng bèn than thở trên mặt báo.

Chẳng hạn, báo Tuổi trẻ ngày 29-10-2018 than giùm: Dân “ăn còn chưa đủ”, xã vẫn cố xây nhà văn hóa vì “nông thôn mới”! Vốn đối ứng không đủ song chính quyền vẫn “cố” xây dựng nhà văn hóa đa năng lẫn sân vận động quy mô tại xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, rốt cuộc công trình dang dở vì không có tiền trả nhà thầu.

Than kẹt tiền còn đỡ, than kẹt văn hóa mới “kinh”: Nhà văn hóa đang ít văn hóa… Hầu hết các nhà văn hóa (NVH) cấp quận trên địa bàn thành phố Hà Nội đang nghèo nàn trong các hoạt động văn hóa. Nhộn nhịp nhất chính là các lớp thể thao, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu, múa bụng... (Tiền Phong 14-4-2019).

Theo báo này, “kinh phí hoạt động của các NVH hiện nay vẫn được Nhà nước bao cấp, tuy nhiên, theo chia sẻ của những người trong cuộc là “khá bèo bọt”. Thu nhập bình quân của nhân viên nhà văn hóa tính theo “giá nhà nước” dao động từ 4-5 triệu đồng/tháng… Một cán bộ NVH tỏ ra bất bình khi được hỏi NVH có được cấp phép cho thuê làm tiệc cưới hay không: “Không cho thuê thì chúng tôi chết đói à? Mức giá cho các lớp học thuê đều là đã hỗ trợ rồi, thời buổi này làm gì có giá hai trăm ngàn một giờ một phòng học mấy chục mét vuông nữa. Phải lấy cái này bù cái kia”...

Nếu hoạt động của các trung tâm văn hóa quận ngay giữa Hà Nội chỉ được chừng đó, e rằng không hơn gì môt quán “hát với nhau” gần nhà, “sáng đèn, sáng mic” mỗi tối!

Rõ ràng hội chứng “vật chứa” đã và vẫn còn đang lây lan cùng khắp đất nước lắm công nợ song thừa trụ sở cơ quan này. Hội chứng đó nguy hiểm ở cám dỗ “xây vật chứa” và cho thuê ngày càng hấp dẫn như một nguồn thu nhập không tên.

Danh Đức

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289700/mien-man-tu-mot-ngay-le-thieu-nhi-.html