Miễn học phí với trẻ 5 tuổi, sinh viên sư phạm phải đóng học phí

Theo các chính sách mới được Bộ GDĐT đề xuất, cùng với chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, sắp tới sinh viên theo học ngành sư phạm có thể sẽ phải đóng học phí.

Theo Bộ GDĐT, chủ trương miễn giảm học phí được thực hiện theo chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau 2020 nhưng hiện nay việc miễn học phí mới chỉ thực hiện đối với học sinh tiểu học, điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mặc dù mức thu học phí không cao. Chính vì vậy nên mới đây Bộ đã có văn bản miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi ở các vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, nhằm giảm gánh nặng học phí đối với các đối tượng này.

Bộ GDĐT cho biết,tổng kinh phí ngân sách chi thêm để hỗ trợ chính sách không thu học phí trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS diện phổ cập trường công lập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập là: 4.730 tỷ đồng. Trong đó, nếu không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi thì tổng ngân sách phải chi thêm hàng năm để bù học phí là 698 tỷ đồng trong đó dành cho các cơ sở mẫu giáo ngoài công lập 680 tỷ. Đối với cấp tiểu học, phần hỗ trợ đóng học phí cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập là 855 tỷ. Và đối với bậc THCS, tổng ngân sách phải chi thêm hàng năm để bù học phí là 2.143 tỷ đồng, hỗ trợ đóng học phí cho học sinh các trường ngoài công lập là 352 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: Một lớp học mầm non

Cùng với chính sách miễn, giảm học phí đối với bậc mầm non và phổ thông, chính sách học phí đối với sinh viên theo học ngành sư phạm cũng được Bộ GDĐT đề cập đến. Trong thời gian qua nhờ chính sách miễn giảm học phí đối với các sinh viên theo học ngành sư phạm mà ngành học này đã thu hút được đông sinh viên theo học. Thế nhưng chính sách này đã ảnh hưởng tới hiệu quả của giáo dục, khi các sinh viên lựa chọn theo học ngành này vì lý do không phải đóng học phí chứ không phải vì đam mê, yêu thích và mong muốn được cống hiến cho công việc tương lai của mình.

Theo một kết quả nghiên cứu của Bộ này, có nhiều sinh viên được hỏi trả lời gia đình họ có khả năng đóng học phí và họ khẳng định, nếu không có hỗ trợ học phí thì vẫn tiếp tục theo học được. Thêm vào đó, việc cam kết của sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ phải làm trong ngành này cũng không có gì đảm bảo. Thực tế việc giám sát các sinh viên theo học ngành sư phạm có thực hiện đúng cam kết hay không vẫn còn nhiều kẽ hở và đã có nhiều sinh viên sau khi ra trường đã bỏ nghề dẫn tới hiệu quả khi thực hiện chính sách không cao.

Chính vì vậy, thay vì miễn, giảm học phí đối với sinh viên ngành sư phạm, Bộ GDĐT đề xuất sẽ thực hiện chính sách cấp học bổng, ưu tiên bằng tín dụng. Theo đó, sinh viên theo học ngành sư phạm sẽ lập Hồ sơ tín dụng tại các ngân hàng chính sách xã hội để vay các khoản tín dụng mang tính chất hỗ trợ chi phí học tập như Học phí và Sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu sinh viên làm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo với thời gian 5 năm sẽ không phải hoàn trả các khoản tín dụng đã vay, còn nếu làm không đủ thời gian quy định sẽ phải hoàn trả các khoản tiền này. Đây có thể là một đề xuất mà nếu thực hiện được sẽ mang lại những hiệu quả thực tế trong việc Nhà nước hỗ trợ chi phí học hành cho các học sinh, sinh viên ngành sư phạm.

Minh Vy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/mien-hoc-phi-voi-tre-5-tuoi-sinh-vien-su-pham-phai-dong-hoc-phi-20181103082346556.htm